Bài mới

Nhận xét mới

Hoa súng

Hoa súng

Có lẽ không ai không biết những câu thơ này "Xuân du phương thảo địa / Hạ thưởng lục hà trì / Thu ẩm hoàng hoa tửu / Đông ngâm Bạch tuyết thi", thú vui bốn mùa của người xưa. Mùa hạ là mùa hoa sen, hoa súng nở. Hoa súng ở Việt Nam có rất nhiều, cũng đủ màu cung bậc. Hoa súng cũng dễ phân biệt với hoa sen. Hoa súng không nhô cao trên mặt nước như hoa sen. Lá hoa súng có xẻ rãnh chữ V, còn lá hoa sen tròn kín, không xẻ rãnh nào. Tiếng Việt phân biệt hoa sen, hoa súng rất phân minh và rạch ròi. Hoa súng trong chữ Hán là "thụy liên", tức là hoa sen ngủ. Có tên như vậy vì hoa súng đến tối thì cụp lại như đi ngủ. Nhưng mà tôi nghĩ hoa sen cũng cụp vào buổi tối [vì chợt nhớ tới bài thơ tôi thuộc lòng hồi còn nhỏ, lúc còn chưa biết đọc: ...Lạ thung thổ mồi tìm chẳng được / Trở ra về thấy nhện giăng tơ / Mảng vui chơi bắt nhện nào ngờ / Trời hôm tối hoa sen cụp lại ...], chẳng biết có đúng không? Tôi chẳng phân biệt nổi khi nào thì dùng "liên", "hà" hay "phù dung". Đây là trường hợp mà tôi thấy tên hoa trong tiếng Việt rõ ràng hơn hẳn tên hoa trong chữ Hán.

Lưu Quang Vũ có câu thơ về hoa súng:

Nghe hoa súng bờ ao se sẽ nở
Da diết lòng hương dịu tự vườn cau...

Chế Lan Viên có bài thơ Màu hoa súng tím:

Màu hoa súng ấy như cơn đau không dám khóc
Chỉ lặng yên sắc tím để mà đau
Người đời chỉ biết màu sen anh đỏ rực
Còn nỗi buồn hoa súng tím biết cho đâu.

Nói đến hoa súng không thể không nhớ tới các bức tranh hoa súng của Monet. Tôi nhớ ở d'Orsay có treo bức tranh hoa súng của Monet. Hồi qua đấy tôi có mua mấy tấm poster tranh hoa súng của Monet về treo, khổ bé tí như giấy A4. Vĩnh viễn chẳng bao giờ có tiền để có thể chơi tranh thật. Hội họa luôn dành cho những người giàu. Tiếc là chưa có dịp đi thăm vườn nhà của Monet.


Hoa súng

Photobucket

Cỏ tai hổ

Cỏ tai hổ

Cây hoa này có nhiều tên khác nhau: cỏ tai hổ (hổ nhĩ thảo), cỏ chân vịt (áp túc thảo), tuyết hạ. Tên cỏ tai hổ hoàn toàn không phải vì hoa, mà là do lá cây có hình dạng giống như tai hổ. Người Nhật còn gọi hoa này là "tuyết hạ". Không rõ có phải hoa trông giống như những bông tuyết đang rơi nên có tên như vậy không. Tên tiếng Anh là strawberry saxifrage. Tên này lấy từ tên khoa học Saxifraga stolonifera. Hoa này rất nhỏ, bé xíu, nhưng hình thù trông rất hay, như một con ong hay một con bọ có cánh.

Cái tên "tuyết hạ" lại tạo ra nhiều cảm hứng cho thi nhân. Bài haiku sau của Donshuu, một đệ tử của Basho:

nichi sakari no hanaya suzushi ki yuki-no-shita

Bản dịch của tôi:

Nắng rực rỡ
Hoa sắc lạnh
Cỏ "tuyết rơi"

Ở đây yuki-no-shita là cỏ tai hổ nhưng lại có nghĩa là "tuyết hạ", dưới tuyết hay tuyết rơi. Tên hoa đem lại cảm giác mát lạnh cho hoa giữa ánh nắng rực rỡ của những ngày đầu hạ.

Cỏ tai hổ

Phạm Công Thiện đọc Âm thanh và cuồng nộ

Đọc hết quyển The Sound and the Fury, tôi sửng sốt ngạc nhiên nhận ngay rằng tôi đã đi vào một thế giới phũ phàng đen tối vô cùng; thế mà không hiểu sao trong một thế giới như vậy tôi lại thấy đầy chim, nhái, bướm, cây, hoa, bầu trời, hoa kim ngân... Faulkner viết những trang văn quá thác loạn tàn nhẫn như thế, mà vẫn không bao giờ quên một tiếng chim kêu hay một con bướm vàng hoặc mùi thơm ngây ngất của hoa kim ngân. Đó là một điều lạ. Tại sao những nhà phê bình không thấy điều ấy?

Điều lạ thứ hai: ngoài những tiếng rên siết khóc rống, đau thương của một anh khùng da trắng, tôi lại nghe những tiếng hát lanh lảnh của những người đầy tớ da đen (chương đầu và nhất là chương cuối) hay là trong lúc những người da trắng ruột thịt cùng máu mủ với nhau mà lại cấu xé hành hạ lẫn nhau, trong lúc ấy thì từ một ngôi nhà thờ của người da đen tôi nghe tiếng hát vẳng lên như muốn đưa tất cả những nỗi khổ ngàn năm của con người lên tới Siêu thể; ở chương cuối, tôi thấy bà cụ già đầy tớ da đen (Dilsey) vừa dọn cơm vừa hát đi hát lại những giòng thánh ca đầy nước mắt trong bầu không khí hoang vắng tịch mịch của một gia đình da trắng đổ nát tang thương.

Điều lạ thứ ba: tôi nghe biết bao nhiêu lần những câu như “chị Caddy có mùi thơm như cây lá” (She smelled like trees) “Chị Caddy có mùi thơm như lá cây” (Caddy smelled like leaves). “Chị Caddy có mùi thơm như cây lá dưới mưa” (Caddy smelled like trees in the rain). Tôi đã được nghe đi nghe lại những câu trên không biết bao nhiêu lần. Caddy là ai? Caddy là một cô gái xinh đẹp đa tình, khả ái, thông minh, lẳng lơ, số kiếp long đong trôi nổi, bị gia đình từ bỏ, sống giang hồ luân lạc; những điều ấy khiến tôi cảm thấy thương Caddy như thương một người con gái thực sự ở đời (chứ không phải như một nhân vật tiểu thuyết).

Ba điều trên là ba điều lạ lùng nhất. Đọc xong tác phẩm The Sound and the Fury mà không bị ám ảnh ba điều trên thì ta nên gấp sách lại, đừng đọc lại nữa, vì có đọc nữa ta cũng không hiểu gì hết và sẽ thất vọng chán chường (như Sartre, Sean O’Faolain đã thất vọng...)

Phạm Công Thiện
(trích từ Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, chương IX)

PS: Chẳng lẽ không ai nhận ra điều kỳ lạ của mùi hương kim ngân sao? (ĐA)

Kim ngân tây

Kim ngân tây

Hoa này rất khác hoa kim ngân Nhật, tuy hình dáng từng bông trông rất giống nhau. Hoa kim ngân Nhật nở thành cặp, còn hoa này có cả chùm và có thể không nở cùng một lúc. Hoa cũng không có màu trắng rồi chuyển sang ngà vàng như hoa kim ngân Nhật. Hoa có màu vàng bên trong và màu hồng đỏ bên ngoài. Tên hoa gọi là kim ngân Tây cũng không được chuẩn xác lắm, vì hoa đâu có màu trắng vàng. Tên kim ngân Tây là tên ngoại suy qua tiếng Anh. Hoa kim ngân Nhật có tên là Japanese honeysuckle, còn hoa này có tên European honeysuckle. Người Nhật và Trung Quốc không gọi hoa này là "kim ngân", mà gọi là "nhẫn chung". Nhưng tôi thấy cái tên "nhẫn chung" khó nghe nên gọi là "kim ngân" và khi cần thêm chữ "Tây" để phân biệt với hoa kim ngân Nhật. Tên khoa học của hoa là Lonicera periclymenum.

Hoa kim ngân Tây cũng có hương rất thơm. Trong Âm thanh và cuồng nộ của Faulkner mùi hương kim ngân lan tỏa khắp cuốn tiểu thuyết. Đó là mùi hương đầy uẩn ức về Caddy trong tâm trí của Quentin. Khi đọc cuốn tiểu thuyết này tôi đã không biết mùi hương kim ngân như thế nào. Giờ thì tôi đã cảm nhận được hương kim ngân. Quentin từng nghĩ: "Kim ngân là hương hoa buồn bã nhất, tôi nghĩ. Tôi nhớ khá nhiều hoa." ("Honeysuckle was the saddest odor of all, I think. I remember lots of them."). Tôi chợt nghĩ khi tôi đọc Âm thanh và cuồng nộ đã có một khoảng cách văn hóa. Tôi đã không thể nào hình dung được hương kim ngân. Có phải là hương hoàng lan, hoa lài, kim ngâu hay dạ lan? Đúng là đi một ngày đàng cảm nhận được bao nhiêu điều mới mẻ và quyến rũ vô cùng.

"Sometimes I could put myself to sleep saying that over and over until after the honeysuckle got all mixed up in it the whole thing came to symbolis night and unrest I seemed to be lying neither asleep nor awake looking down a long corridor of gray halflight where all stable things had become shadowy paradoxical all I had done shadows all I had felt suffered taking visible form antic and perverse mocking without relevance inherent themselves with the denial of the significance they should have affirmed thinking I was I was not who was not was not who."

Faulkner viết câu văn quả thật kinh khủng, dài ngoẵng không dấu phảy, như mùi hương kim ngân trải dài bất tận trong tâm tưởng con người. Tiếc quá không có bản tiếng Việt ở đây để đọc lại và trích dẫn.

Kim ngân tây

Hoa kim ngân

Hoa kim ngân

Hoa này có nhiều tên gọi khác nhau. Người Nhật gọi là "hấp cát" đọc theo lối Hán Việt. Cái tên này rất khó nghe. "Cát" là dây sắn, có tên như vậy thì cây thuộc loại thân leo. Người Trung Quốc gọi hoa này là "kim ngân" hay "nhẫn đông". Hoa có tên "kim ngân" vì khi ban đầu nở hoa có màu trắng, về sau ngả sang màu vàng. Trên một cây có thể thấy cả hoa trắng lẫn hoa ngà vàng. Tên trong tiếng Anh là Japanese honeysuckle. Tên tiếng Anh như vậy có lẽ do hình dáng bông hoa trông giống như con ong đang hút mật. Tên khoa học của hoa là Lonicera japonica. Tôi gọi là hoa kim ngân giống như người Trung Quốc. Hoa này rất thơm, hương phảng phất như hoàng lan. Hoa luôn nở thành một cặp đi với nhau.

Buson, một trong "tứ đại bài nhân", bốn nhà thơ haiku vĩ đại nhất của Nhật Bản, có bài haiku sau khá nổi tiếng:

Ka no koe su suikazura no hana chiru goto ni

Bản dịch tiếng Anh của R. H. Blyth:

The voice of mosquitoes,
Whenever the flower of the honeysuckle
Falls.

Còn đây là bản dịch của tôi:

Tiếng muỗi kêu
Bông kim ngân
Mỗi khi rơi xuống

Bài haiku này rất tinh tế. Muỗi bay ra khi mùa hè đến, và là lúc hoa kim ngân nở. Những con muỗi muốn đậu xuống bông kim ngân. Nhưng bông kim ngân lại không chịu nổi sức nặng của những con muỗi và rơi xuống. Những con muỗi, khi bông hoa rơi xuống, không còn chỗ đậu, bay ra và tạo thành tiếng muỗi kêu. Một khung cảnh cực kỳ trầm lặng, thanh bình và tinh tế. Có trầm lặng, có thanh bình mới nghe được tiếng muỗi kêu, mới nhìn thấy các bông hoa đang rơi. Có tinh tế mới cảm nhận và liên tưởng mỗi bông hoa rơi với những con muỗi.

Hoa kim ngân

Hoa lựu

Hoa lựu

Hoa lựu nở vào đầu hè. Tên đầy đủ là thạch lựu, tên khoa học là Punica granatum. Nguyễn Du viết rất chuẩn: Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông. Hoa nở trên cây lựu không dầy đặc như hoa anh đào, không thưa thớt như hoa phác. Những bông hoa đỏ xen lẫn giữa các lá xanh trông rất giống những đốm lửa lập lòe, từ xa đã có thể nhận thấy.

Bài haiku sau của Shida Yaha ở thế kỷ 17:

samidare ni nureteya akaki hana zakuro

Bản dịch của tôi:

Mưa tháng năm
Đẫm đỏ
Những bông lựu

Bài haiku này rất giản dị. Những giọt mưa đầu hạ càng làm những bông lựu đẫm ướt đỏ hơn.


Hoa lựu

Hoa bìm bìm

Hoa bìm bìm

Hoa này ở Việt Nam có rất nhiều. Nhưng lại chủ yếu là cây dây leo. Hoa bìm bìm ở trên là hoa bìm bìm Nhật. Tên khoa học là Calystegia japonica. Đây là loại cây bụi, thân thảo. Ban ngày hoa nở, nhưng đến tối lại cụp lại. Vì vậy người Nhật gọi hoa này là "trú nhan", dung nhan chỉ thấy vào ban ngày. Tôi không rõ bìm bìm ở Việt Nam có cụp lại vào buổi tối không. Người Trung Quốc gọi hoa này là "đả oản", có lẽ vì trông giống cái khuôn làm oản. Tiếng Anh gọi hoa này là bindweed hay morning glory. Cái tên morning glory giống như "trú nhan" của Nhật. Tôi không hiểu "bìm bìm" có nghĩa gì. Đôi khi tôi thấy cũng kỳ quái, tên hoa có thể hiểu tường tận trong các ngôn ngữ xa lạ, nhưng với tiếng mẹ đẻ lại không hiểu chúng có nghĩa gì. Hoa này dường như không có gì đặc sắc về vẻ đẹp, nhưng vì chỉ nở vào ban ngày nên có khá nhiều bài haiku nhắc tới. Cũng kỳ lạ. Bài haiku sau của Issa, một trong bốn nhà thơ nổi tiếng nhất của Nhật Bản (Basho, Buson, Issa, Shiki):

hirugao ni fundoshi sarasu kozo kana

Bản dịch tiếng Anh của D. G. Lanoue:

in day flowers
airing out his loincloth...
little boy

Còn đây là bản dịch của tôi:

Hoa bìm bìm
Chiếc khố phơi
Chú tiểu

fundoshi là chiếc khố trong trang phục cổ điển của Nhật. Trong một số lễ hội ngoài đường ở Nhật tôi vẫn thấy người ta đóng khố rước kiệu. Hoa bìm bìm giống như chiếc khố phơi của chú tiểu nhỏ. Tôi thấy đôi khi haiku chỉ là những hình ảnh rời rạc, liên kết nhau bằng liên tưởng. Một bài haiku rất ngắn nên dường như nhịp điệu của thơ chỉ còn là quãng nghỉ ngắt câu. Kiệm lời, trầm ngâm dường như là đặc điểm của thơ ca Nhật. Nhưng đây cũng là thế mạnh để thơ ca trở thành một thứ văn hóa quần chúng, khi chúng không đòi hỏi hoặc kỹ năng niêm luật gò bó hoặc phóng túng nhưng trong một âm luật không tường minh.


Hoa bìm bìm

Dâu dại

Dâu dại

Thật ra tôi không biết tên gọi cây này trong tiếng Việt là gì. Tên tiếng Anh là false strawberry hay snake strawberry. Người Nhật và Trung Quốc đều gọi là "xà môi". Cái tên Hán tự này khó nghe, nên tôi gọi là "dâu dại". Cách gọi này không được hay lắm vì có khá nhiều loại "dâu dại" khác nhau, có thể lẫn lộn. Quả trông rất giống quả dâu tây, nhưng nhỏ hơn. Không biết mùi vị như thế nào vì tôi không dám thử. Không thấy ai hái cả nên tôi nghĩ là có thể không ăn được. Cây này cũng chỉ là một loại cây cỏ, mọc hoang dại trong đám cỏ. Lúc mới trông tôi đã nhầm hoa dâu dại này với hoa "thâm sơn kim mai" (Potentilla matsumurae). Tên khoa học của cây dâu dại này là Duchesnea chrysantha hay Potentilla indica. Cũng có thể gọi là "kim mai" vì cùng chi Potentilla.

Hattori Ransetsu có bài haiku sau:

hebi-ichigo hankyuu sagete meotozure

Một bản dịch tiếng Anh trong quyển A history of haiku của R. H. Blyth:

Snake-strawberries
Carrying small bows
Husband and wife together

Còn đây là bản dịch của tôi:

Dâu dại
Mang cung nỏ
Vợ chồng đi cùng nhau

Bài haiku này hơi lạ. Câu đầu tiên là những quả dâu dại, không liên kết ngữ pháp với phần còn lại của bài haiku. Dâu dại ở đây mang hàm ý là nơi hoang dã, nơi có hai vợ chồng cùng đi săn bắn với nhau. Một hình ảnh cô đọng giữa một nơi hoang vắng. Ở đây phải thấy rằng quả dâu dại rất nhỏ, nằm rất sát mặt đất, tuy có màu đỏ dễ nhận thấy, nhưng không nhìn kỹ cũng khó thấy. Hạnh phúc của cặp vợ chồng đi săn cũng vậy, có thể dễ thấy nhưng không tinh ý thì không thấy. Bài haiku này chỉ có hình ảnh, nhưng các hình ảnh lại liên kết với nhau trong các ý nghĩa ẩn giấu, như hạnh phúc không lồ lộ ra ngoài.

Dâu dại

Thanh danh

Khi bình luận về văn chương ông Đỗ Phủ từng viết:

Văn chương thiên cổ sự
Đắc thất thốn tâm tri
Tác giả giai thù liệt
Danh thanh khởi lãng thùy

có nghĩa là: văn chương vốn là chuyện từ xưa, được mất chỉ có tấc lòng biết, tác giả mỗi người mỗi vẻ, nhưng danh tiếng há phải theo con sóng. Ý ông Đỗ Phủ muốn nói rằng danh tiếng mỗi người có được là phụ thuộc vào bản thân mình, chứ đâu có phải như con sóng, lúc lên lúc xuống, lúc nổi lúc chìm. Ở đây ông Đỗ Phủ chỉ nói đến danh tiếng (danh thanh), ông không nói đến thanh danh, tức là danh tiếng trong sạch. Có danh tiếng trong sạch, và cũng có danh tiếng ô trọc. Danh thanh không hẳn đã là thanh danh.

Tôi chợt nhớ tới thanh danh bởi vì tôi đọc bài viết về ông Hoài Thanh của ông Từ Sơn. Ông Từ Sơn là con trai của ông Hoài Thanh. Con bênh bố cũng là phải đạo. Nhưng ở đây tôi không muốn bàn tới phải hay không phải, đúng hay không đúng. Tôi muốn nói đến thanh danh. Ông Hoài Thanh bị ông Xuân Sách viết như thế này:

Vị nghệ thuật nửa cuộc đời
Nửa đời sau lại vị người ngồi trên
Thi nhân còn một chút duyên
Lại vò cho nát, lại lèn cho đau
Bình thơ tới thuở bạc đầu
Vẫn chưa thể tất nổi câu nhân tình
Giật mình mình lại thương mình
Tàn canh tỉnh rượu bóng hình cũng tan

Danh tiếng của ông Hoài Thanh trở thành thứ danh tiếng ô trọc trong con mắt của ông Xuân Sách: Nửa đời sau lại vị người ngồi trên. Tôi không biết ông Hoài Thanh có cảm xúc như thế nào khi nghe được câu thơ này. Chắc hẳn là đau lắm. Cái nỗi đau còn truyền lại sang cho người con, sang ông Từ Sơn. Tôi không biết cái nỗi đau này còn truyền tiếp sang cho cháu chắt của ông Hoài Thanh nữa không. Thôi thì đợi chờ xem nỗi đau về danh tiếng truyền được mấy đời. Ông Từ Sơn có cố chứng minh thế nào đi nữa, nào là ông Hoài Thanh chỉ viết có 8 bài về thơ Tố Hữu mà toàn là những bài thơ hay của Tố Hữu không ai phủ nhận được hay sự nghiệp của ông Hoài Thanh đã được nhà nước công nhận bằng giải thưởng cao quý... thì những câu thơ của ông Xuân Sách vẫn trường tồn cùng năm tháng. Những câu thơ của ông Xuân Sách đã trở thành đánh giá của dân gian rồi. Làm sao có thể xóa nổi bia miệng tiếng đời? Bình thơ ông Tố Hữu, không phải chỉ có ông Hoài Thanh, mà còn khá nhiều người khác, thậm chí là ngợi ca quá lời, nhưng không ai bị coi là "vị người ngồi trên". Có thể là không công bằng cho ông Hoài Thanh, nhưng "vị người ngồi trên" không hẳn đã là vì khen thơ hay. Thanh danh của con người càng không phải do nhà nước công nhận. Thanh danh của con người là đánh giá của dân gian.

Các cụ ngày xưa rất cẩn thận với danh tiếng. Họ sợ để lại danh tiếng không hay cho con cháu. Thanh danh ở thời xưa đấy còn giá trị hơn cả của cải, danh vị. Đó là cái nhẹ khôn gánh của hiện hữu. Cuộc đời con người chỉ có một lần, không lặp lại, do đó không thể thử nghiệm để xem danh tiếng để lại như thế nào. Cái danh tiếng tưởng nhẹ như bấc đấy lại nặng vô cùng. Một đời không gánh nổi, đời sau lại phải gánh tiếp, như ông Từ Sơn đang gánh cho ông Hoài Thanh vậy. Những cố gắng vô vọng để giữ lại chút thanh danh đã mất trong mắt dân gian là nỗi đau khôn cùng, bởi vì đấy là sự vẫy vùng tuyệt vọng để níu lại cái vốn từng không có hay vốn từng đã mất. Nỗi đau không phải của một cá nhân, mà là nỗi đau của cả các thế hệ tiếp nối, nỗi đau của cả một đại gia đình, của cả một họ tộc. Có lẽ người xưa đã chiêm nghiệm ra điều này nên giữ gìn danh tiếng là điểm thường trực trong tâm khảm của mỗi người. Không phải "nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh" như Trương Hán Siêu từng viết, mà những kẻ bất nghĩa vẫn lưu danh đến muôn đời, nhưng đó không phải là thanh danh, mà là ô danh.

Tâm hồn Nhật



Bài tanka của Motoori Norinaga, một học giả người Nhật ở thế kỷ 18:

shikishima no
yamato-gokoro o
hito towaba
asahi ni niou
yamazakura hana

Bản dịch của tôi:

Trên các đảo Phù tang
Tâm hồn Nhật là gì
Nếu có người muốn hỏi?
Vầng mặt trời buổi sớm
Ngát anh đào núi non

Vườn gái đẹp

Viên nữ uyển

Hoa này có tên rất hay: vườn gái đẹp (viên nữ uyển). Đây là tên hoa do người Nhật gọi. Viên nữ là con gái đẹp, uyển thường được hiểu là vườn, là nơi tích tụ nhiều vẻ đẹp. Hoa có màu phơn phớt tím, nở vào đầu hè. Đây là cây thân thảo, thường có có hoa cả một cụm. Không rõ có phải màu tím phớt tượng trưng cho con gái đẹp không? Tên khoa học của hoa này là Stenactis annuus hay Erigeron annuus. Hoa thuộc họ cúc, nhưng không cùng chi hoa cúc mùa thu sương gió vẫn mặn nồng. Hoa có tên hay như vậy mà lại chỉ là hoa đồng cỏ nội.

Viên nữ uyển

Tường vi

tường vi Nhật

Hoa tường vi này có thể gọi là tường vi Nhật hay tường vi hoang dã (dã tường vi) để phân biệt với các hoa tường vi khác. Tên khoa học là Rosa multiflora.
Hoa tường vi cũng giống như hoa hồng, có gai. Nhưng hoa này nở vào đầu hè, không giống như hoa hồng nở quanh năm. Không biết có thể gọi tường vi là hoa hồng cánh đơn được không? Loại hoa hồng thông thường thực ra không phải là hoa bản địa của Đông Á, nhưng tường vi Nhật là hoa bản địa của Đông Á.

Mizuhara Shuoshi có bài haiku sau:

Ichi-rin no
Shimo no bara yori
Toshi akuru

Tôi dịch như sau:

Một bông
Tường vi ngậm sương
Năm mới nở

Hoa tường vi trong bài haiku này (bara) không phải là hoa tường vi đang nói tới (nobara). Chúng khác nhau đúng một chữ: hoang dã. Nhưng bài haiku này rất hay. Năm mới như bông tường vi mới (vừa nở đúng năm mới). Hay nói cách khác bông tường vi đơn độc đẫm sương nở ra một năm mới. Năm cánh hoa ngậm sương bỗng bung ra cả một mùa xuân. Câu thơ rất đẹp.

Bài hát Đêm thấy ta là thác đổ của Trịnh Công Sơn cũng có nhắc đến hoa tường vi, nhưng chắc cũng không phải là hoa tường vi này:

Một đêm bước chân về gác nhỏ
Chợt nhớ đóa hoa tường vi
Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ
Giờ đây đã quên vườn xưa
Một hôm bước qua thành phố lạ
Thành phố đã đi ngủ trưa

Đời ta có khi là lá cỏ
Ngồi hát ca rất tự do
Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà
Từ những phố kia tôi về

Ngày xuân bước chân người rất nhẹ
Mùa xuân đã qua bao giờ
Nhiều đêm thấy ta là thác đổ
Tỉnh ra có khi còn nghe

tường vi Nhật

Tư Mã Thiên

Lẽ ra tôi sẽ mua cuốn Đại dương biển của Baricco để đọc. Nhưng giờ thì tôi quyết định không mua và không đọc nữa. Số là tôi đọc bài điểm sách này ở Vietnamnet. Bài điểm sách cũng chẳng có gì đặc biệt, và như thông lệ thường thấy, là những lời ngợi ca tác phẩm. Nhưng bài điểm sách có một chi tiết khiến tôi khó chịu: "Ở khởi thủy có Homer và bản anh hùng ca về biển cả Odysseus." Chi tiết dường như chẳng liên quan và nhỏ nhặt này khiến tôi không muốn đọc nữa. Không có bản anh hùng ca nào mang tên Odysseus, chỉ có bản anh hùng ca Odyssey. Tôi không biết bài điểm sách có phải do nhà sách thuê viết không, nhưng tôi nghĩ rằng một nhà sách không biết thuê viết thì sách do họ xuất bản không đáng đọc. Thà tôi nhìn đồng cỏ xanh ở ngoài kia còn hơn ngồi đọc những quyển sách của nhà sách như thế.

Chi tiết vụn vặt này khiến tôi nhớ tới Herodotus và Tư Mã Thiên. Những người ở văn hóa phương Tây dường như không có một trở ngại nào trong tiếp nhận văn hóa cổ đại Hy Lạp - La Mã. Đối với họ những Homer, Herodotus không phải là người Hy Lạp, mà là người của mình. Dường như mỗi người phương Tây đều mang theo mình một Herodotus. Tôi đọc Tư Mã Thiên rất nhiều lần, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy Tư Mã Thiên như "người của mình". Không biết có lúc nào có người Việt Nam nào có thể viết về cung A Phòng, về bữa tiệc ở Hồng môn không, nói chi đến xa xôi viết về một Odysseus, một Calypso. Cái gì đã cản trở người Việt Nam?

Thành Roma từng bị đốt cháy để tạo ra cảm hứng thơ cho Nero. Ít nhất tôi đọc điều này ở Sienkiewicz. Sao một người Ba Lan lại có thể có cảm hứng để viết từ một câu chuyện của người Ý? Ở đây không có ranh giới quốc gia, dân tộc. Nhưng có thể đó cũng cảm hứng chung trong tinh thần Thiên Chúa. Nhưng ở đây có một chi tiết: đốt cháy để tạo cảm hứng thơ. Sự thay đổi nhận thức chỉ có ý nghĩa khi điều đó đến như một cảm hứng thơ, tức là như một điều gì đó bừng cháy, một phút chốc bỗng chói lòa. Điểm này rất khác khi con người thay đổi nhận thức chỉ vì theo số đông hay theo trào lưu thời đại, mà ở đấy tôi chỉ thấy đấy là những con người không có cá tính và bản ngã, tức là theo một nghĩa nào đấy, những người thay đổi đó thực sự không còn phải là con người. Cung A Phòng cũng bị đốt cháy. Nhưng ở đây không có một tí nào từ nhu cầu của một cảm hứng thơ. Hạng Vũ không biết làm thơ? Thực ra Hạng Vũ có để lại một bài thơ trước khi giết Ngu Cơ, ít nhất Tư Mã Thiên viết như vậy. Cung A Phòng bị đốt cháy không phải vì thơ, mà vì sự trả thù. Tôi thấy một motif quen thuộc: Cửu Trùng đài cũng bị đốt cháy như vậy. Lịch sử không phải là một sáng tạo hư cấu như tiểu thuyết, nhưng cũng có motif lặp lại. Song có một sự khác biệt rất rõ giữa phương Tây và phương Đông khi có một thứ gì đó bị đốt cháy. Phương Đông không có cảm hứng thơ. Ở đấy là sự thù hận.

Tự nhiên nhớ tới đoạn thư của Lý Tư trong Sử ký: "những kẻ học theo cái học riêng của mình cùng nhau chê cười pháp luật rồi đem dạy cho người ta. Khi nghe lệnh ban xuống tức thì họ đều lấy cái học riêng của mình để bàn tán.Khi vào triều thì trong bụng chê bai. Ra ngoài đường thì xúm bàn trong ngõ, chê vua để lấy tiếng, làm khác người để tỏ là cao, bày cho kẻ dưới phỉ báng. Nếu cứ như thế mà không cấm thì ở trên uy thế của nhà vua sẽ bị giảm sút; ở dưới các bè đảng sẽ nổi lên. Nên cấm là hơn." Lý Tư, Thương Ưởng về sau đều chết thảm khốc.

Hoa lưu tô

Lưu tô

Cây này có tên khoa học là Chionanthus retusa, tên trong tiếng Anh là Chinese fringe tree. Người Trung Quốc gọi là lưu tô thụ. Do vậy tôi gọi hoa là hoa lưu tô. Tên này nghe hơi lạ tai, tôi thử tìm trong Quảng quần phương phổ nhưng không thấy. Hoa nở thành chùm như những mảng bông trắng trên cây, mỗi bông hoa có 4 cánh như muốn tạo thành một hình kim tự tháp. Hoa này rất thơm.

Ishihara Yatsuka có bài haiku sau:

hitotsubatago
saku ura shio no
kokarikeri

Tôi dịch như sau:

Hoa lưu tô
Nở bên bến cảng
Sóng thơm lừng

Bức ảnh chụp dưới đây lại không phải bên bến cảng, mà ở dưới chân núi. Hiên nhà cũng thơm lừng.

Lưu tô

Hoa phác

Hoa phac

Hoa này rất giống mộc liên và tân di, cùng chi magnolia. Hoa cũng khá giống hoa sen, có hương, màu trắng ngà. Nhưng hoa này nở muộn, đầu hè mới nở, khi cây cành lá đã xanh tươi. Một cây chỉ có độ mươi bông nở, không giống mộc liên hay tân di, hoa chi chít trên cây. Tên khoa học là magnolia obovata, cây bản địa của Nhật, nhưng Trung Quốc và Hàn Quốc cũng có. Người Nhật gọi cây này là phác mộc, do đó tôi gọi là hoa phác, để phân biệt với mộc liên và tân di. Như vậy có khi chi magnolia này có đủ loại nở hoa quanh năm.

Shuoshi có bài haiku sau
tsubo ni shite
miyama no hoo no
hana hiraku



stuck in a vase
deep mountain magnolia
blossoms open
Tôi dịch như sau:

Cắm vào bình
Cành phác thâm sơn
Hoa nở

Thật ra tôi chưa thấy ai hái hoa phác cắm vào bình.


Hoa phac

Hoa xương bồ

Xương bồ vàng

Đây là hoa Iris. Nhưng tôi sẽ không gọi là hoa diên vĩ. Trong tâm tưởng của tôi hoa diên vĩ luôn có màu tím và là hoa trên cạn. Hoa Iris này mọc ở ven hồ ao. Tôi gọi là hoa xương bồ giống như người Nhật đặt tên cho chúng. Tên khoa học là Iris pseudacorus. Chúng mọc thành cụm và có hai màu vàng và trắng. Loại hoa này chỉ có ba cánh to bên ngoài và cánh nhỏ bên trong. Hoa xương bồ nở vào tháng 5, báo hiệu mùa hè đã sang.

Bài tanka sau ở trong Cổ kim Hòa ca tập, bài số 469, khuyết danh
Hototogisu
naku ya satsuki no
ayamegusa
ayame mo siranu
koi mo suru kana

when nightingales sing
in the sweet purple iris
of the Fifth Month I
am unmindful of the warp
on which we weave love's pattern
Tôi dịch thành thơ như sau:

Chim quyên hót
Tháng năm
Hoa xương bồ
Bên khung cửi lơ đãng
Tình yêu ta dệt nên

Hototogisu là chim đỗ quyên hay chim cuốc (cuculus canorus). Bản tiếng Anh đã dịch thành chim họa mi là không chính xác. Vế đầu và vế sau của bản tanka liên kết với nhau bằng cụm âm tiết ayame. Hai đặc trưng cho đầu mùa hạ là chim quyên và hoa xương bồ. Và cũng chính ở trong thời gian này tình yêu dễ đâm chồi nảy nở, giống như câu phương ngôn "Tháng năm người thêm trẻ". Những buổi chiều đầu hè ở các nước ôn đới rất tuyệt diệu, chiều như mật ngọt và dịu êm, khoảng thời gian rất đẹp trong năm. Ở đây lại một lần nữa thấy rằng chim quyên đã không còn là hình ảnh cuốc kêu rỏ máu nữa.

Xương bồ trắng

Xương bồ trắng

Hồ qua thảo

Hồ qua thảo

Đây là hoa đồng cỏ nội. Hoa này li tí, đường kính chỉ độ vài mm, có màu xanh tím. Tên khoa học là Trigonotis peduncularis. Người Nhật gọi là hồ qua thảo. Hồ qua có nghĩa là dưa chuột. Thân cành cây này có mùi vị giống như cây dưa chuột nên có tên gọi như vậy. Tiếng Anh là cucumber herb. Tiếng Việt có thể gọi là cỏ dưa chuột hay văn hoa là hồ qua thảo.

Đồng cỏ tháng 4 thường thấy hoa này. Những chấm sáng xanh tím li ti trên một nền cỏ biếc. Ki no Tsurayuki có bài tanka sau trong Cổ kim Hòa ca tập, bài số 25:
wagaseko ga
koromo Farusame
Furu gotoni
nobe no midori zo
iro masarikeru



My friend
Spreads wide his cloak in a spring shower;
With every fall
The green fields are
More verdant than ever.
Tôi dịch từ bản dịch tiếng Anh:

Bạn tôi
Phanh áo dưới mưa xuân
Từng hạt rơi xuống
Đồng cỏ xanh
Tươi hơn bao giờ hết

Bài tanka (đoản ca) có cấu trúc xác định, gồm 31 âm tiết chia thành 5 câu: 5-7-5-7-7, gồm hai vế, vế đầu 5-7-5 và vế sau 7-7, liên kết bằng âm điệu hay bằng ngữ nghĩa. Thơ Nhật không có quy tắc về vần và thanh như thơ Việt Nam hay thơ Hán. Khi dịch sang các ngôn ngữ khác, số lượng âm tiết trong bài tanka thường bị bỏ qua, chỉ giữ lại cấu trúc 5 câu. Ở bài tanka trên, vế đầu là một người hứng mưa xuân, vế sau là đồng cỏ. Mưa xuân khiến cho màu sắc đồng cỏ càng xanh tươi cũng như những giọt mưa xuân rơi xuống cơ thể con người càng khiến con người tươi trẻ hơn. Con người và thiên nhiên dường như đã hòa quyện làm một, không có đối lập con người - đồng cỏ - mưa xuân.

Đồng cỏ tháng 4, tháng 5 thường đem cảm giác thanh bình tự nhiên. Chẳng biết có phải vì hoa đồng cỏ nội?


Photobucket

Dương hòe

Photobucket

Xưa nay tôi vẫn hiểu thành ngữ "hoa hòe, hoa sói" chỉ sự lòe loẹt và nghĩ rằng là do hoa hòe, hoa sói lòe loẹt nên có thành ngữ như vậy. Đến khi nhìn thấy hoa của cây dương hòe tôi mới giật mình. Hoa có màu trắng, nở thành từng chùm rủ xuống, trông khá là tao nhã. Thoạt nhìn có thể ngỡ dương hòe là ngân đằng, một loại như tử đằng, nhưng có hoa màu trắng. Nhưng thật ra không phải như vậy, hoa dương hòe nhìn kỹ sẽ thấy khác hoa tử đằng. Dương hòe thuộc chi Robina (Robina pseudoacacia), còn tử đằng thuộc chi Wisteria. Hoa dương hòe rất thơm, tôi cảm thấy như hương ngọc lan. Dương hòe là tên gọi theo người Trung quốc. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì cây hoa này có gốc từ châu Mỹ, không phải cây bản địa của châu Á. Hoa của cây cũng kha khá giống hoa hòe nên có tên gọi như vậy, mặc dù cây hòe thuộc chi Styphnolobium khác hẳn. Người Nhật gọi hoa này là châm hòe. Tiếng Anh gọi hoa này là black locust. Có người nhầm cây này với bồ kết ba gai vì quả của nó khá giống quả bồ kết.

Hà Nội có phố Hòe Nhai, có nghĩa là đường hòe. Tôi không biết ở Hòe Nhai có cây hòe nào không và hoa như thế nào. Nhưng tra trên mạng đều thấy hoa hòe màu trắng hay trắng hơi xanh, không thể nào lòe loẹt được. Hay ở Việt Nam có loại cây nào khác cũng mang tên hòe? Nhưng giấc mộng dưới gốc hòe vẫn là một điển tích quen thuộc đối với người Việt.


Photobucket

Mộc qua

Photobucket

Hoa này có tên khoa học là Chaenomeles sinensis, cùng một chi với hải đường Nhật bản (Chaenomeles japonica). Cứ theo logic của tên khoa học thì hoa này ắt phải gọi là hải đường Tàu hay hải đường Trung quốc. Nhưng tên hoa hải đường lại đã được đặt cho hoa hải đường tượng trưng cho vẻ đẹp của Dương Quý Phi thuộc chi malus. Người Nhật gọi hoa này theo âm Hán Việt là hoa lê. Hoa lê trong tâm thức người Việt lại là thứ hoa trắng, chứ không hồng. Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. Thực ra trong tiếng Việt có hai loại lê khác nhau: một là cây lê thông thường, cho quả lê hơi thuôn về phía đuôi, và hai là quả moóc cọp. Tiếng Hán gọi hoa này là "mộc qua". Quả của cây này trông không giống như quả lê, tuy hình thù cũng không khác nhiều. Hài đường Nhật được người Nhật gọi là "mộc qua", rất trớ trêu. Tôi gọi hoa này là mộc qua giống như thư tịch của Trung quốc.

Hoàng Đình Kiên có bài thơ Tẩu bút tạ Vương Phác cư sĩ trụ trượng, Phóng bút cảm tạ cư sĩ Vương Phác trụ trì

Đầu ngã mộc qua sương tuyết chi
Lục niên lưu lạc phóng quy thì
Thiên nham vạn hác tu trùng đáo
Cước để nguy thì hạnh kiến trì

Tôi dịch thành thơ như sau:

Tặng tớ mộc qua nhánh tuyết sương
Sáu năm lưu lạc bặt quê hương
Ngàn hang vạn hốc tu từng đến
Chân dẫm lúc nguy hạnh thấy đường

Đầu ngã mộc qua có lẽ lấy từ Kinh Thi, Vệ phong, bài Mộc qua:

Đầu ngã dĩ mộc qua
Báo chi dĩ quỳnh cư
Phỉ báo dã
Vĩnh dĩ vi hảo dã

Ném tặng ta cành mộc qua, Ta lấy ngọc quỳnh cư đáp tặng lại, Không phải báo đáp vậy đâu, Mong sao giao hảo mãi mãi. Cành mộc qua mang biểu tượng của kết giao lương duyên. Lương duyên có thể là tình yêu đôi lứa bền chặt, cũng có thể là tình bè bạn vững bền. Hoa này tôi chưa thấy ở Việt Nam.

Photobucket

Photobucket