Bài mới

Nhận xét mới

Hoa bìm bìm

Hoa bìm bìm

Hoa này ở Việt Nam có rất nhiều. Nhưng lại chủ yếu là cây dây leo. Hoa bìm bìm ở trên là hoa bìm bìm Nhật. Tên khoa học là Calystegia japonica. Đây là loại cây bụi, thân thảo. Ban ngày hoa nở, nhưng đến tối lại cụp lại. Vì vậy người Nhật gọi hoa này là "trú nhan", dung nhan chỉ thấy vào ban ngày. Tôi không rõ bìm bìm ở Việt Nam có cụp lại vào buổi tối không. Người Trung Quốc gọi hoa này là "đả oản", có lẽ vì trông giống cái khuôn làm oản. Tiếng Anh gọi hoa này là bindweed hay morning glory. Cái tên morning glory giống như "trú nhan" của Nhật. Tôi không hiểu "bìm bìm" có nghĩa gì. Đôi khi tôi thấy cũng kỳ quái, tên hoa có thể hiểu tường tận trong các ngôn ngữ xa lạ, nhưng với tiếng mẹ đẻ lại không hiểu chúng có nghĩa gì. Hoa này dường như không có gì đặc sắc về vẻ đẹp, nhưng vì chỉ nở vào ban ngày nên có khá nhiều bài haiku nhắc tới. Cũng kỳ lạ. Bài haiku sau của Issa, một trong bốn nhà thơ nổi tiếng nhất của Nhật Bản (Basho, Buson, Issa, Shiki):

hirugao ni fundoshi sarasu kozo kana

Bản dịch tiếng Anh của D. G. Lanoue:

in day flowers
airing out his loincloth...
little boy

Còn đây là bản dịch của tôi:

Hoa bìm bìm
Chiếc khố phơi
Chú tiểu

fundoshi là chiếc khố trong trang phục cổ điển của Nhật. Trong một số lễ hội ngoài đường ở Nhật tôi vẫn thấy người ta đóng khố rước kiệu. Hoa bìm bìm giống như chiếc khố phơi của chú tiểu nhỏ. Tôi thấy đôi khi haiku chỉ là những hình ảnh rời rạc, liên kết nhau bằng liên tưởng. Một bài haiku rất ngắn nên dường như nhịp điệu của thơ chỉ còn là quãng nghỉ ngắt câu. Kiệm lời, trầm ngâm dường như là đặc điểm của thơ ca Nhật. Nhưng đây cũng là thế mạnh để thơ ca trở thành một thứ văn hóa quần chúng, khi chúng không đòi hỏi hoặc kỹ năng niêm luật gò bó hoặc phóng túng nhưng trong một âm luật không tường minh.


Hoa bìm bìm

1 comment:

  1. Hoa này ở VN cũng cụp lại vào buổi tối. Cây này cùng họ với cây rau muống, hoa rau muống cũng cụp vào buổi tối.

    ReplyDelete