Văn chương thiên cổ sự
Đắc thất thốn tâm tri
Tác giả giai thù liệt
Danh thanh khởi lãng thùy
có nghĩa là: văn chương vốn là chuyện từ xưa, được mất chỉ có tấc lòng biết, tác giả mỗi người mỗi vẻ, nhưng danh tiếng há phải theo con sóng. Ý ông Đỗ Phủ muốn nói rằng danh tiếng mỗi người có được là phụ thuộc vào bản thân mình, chứ đâu có phải như con sóng, lúc lên lúc xuống, lúc nổi lúc chìm. Ở đây ông Đỗ Phủ chỉ nói đến danh tiếng (danh thanh), ông không nói đến thanh danh, tức là danh tiếng trong sạch. Có danh tiếng trong sạch, và cũng có danh tiếng ô trọc. Danh thanh không hẳn đã là thanh danh.
Tôi chợt nhớ tới thanh danh bởi vì tôi đọc bài viết về ông Hoài Thanh của ông Từ Sơn. Ông Từ Sơn là con trai của ông Hoài Thanh. Con bênh bố cũng là phải đạo. Nhưng ở đây tôi không muốn bàn tới phải hay không phải, đúng hay không đúng. Tôi muốn nói đến thanh danh. Ông Hoài Thanh bị ông Xuân Sách viết như thế này:
Vị nghệ thuật nửa cuộc đời
Nửa đời sau lại vị người ngồi trên
Thi nhân còn một chút duyên
Lại vò cho nát, lại lèn cho đau
Bình thơ tới thuở bạc đầu
Vẫn chưa thể tất nổi câu nhân tình
Giật mình mình lại thương mình
Tàn canh tỉnh rượu bóng hình cũng tan
Danh tiếng của ông Hoài Thanh trở thành thứ danh tiếng ô trọc trong con mắt của ông Xuân Sách: Nửa đời sau lại vị người ngồi trên. Tôi không biết ông Hoài Thanh có cảm xúc như thế nào khi nghe được câu thơ này. Chắc hẳn là đau lắm. Cái nỗi đau còn truyền lại sang cho người con, sang ông Từ Sơn. Tôi không biết cái nỗi đau này còn truyền tiếp sang cho cháu chắt của ông Hoài Thanh nữa không. Thôi thì đợi chờ xem nỗi đau về danh tiếng truyền được mấy đời. Ông Từ Sơn có cố chứng minh thế nào đi nữa, nào là ông Hoài Thanh chỉ viết có 8 bài về thơ Tố Hữu mà toàn là những bài thơ hay của Tố Hữu không ai phủ nhận được hay sự nghiệp của ông Hoài Thanh đã được nhà nước công nhận bằng giải thưởng cao quý... thì những câu thơ của ông Xuân Sách vẫn trường tồn cùng năm tháng. Những câu thơ của ông Xuân Sách đã trở thành đánh giá của dân gian rồi. Làm sao có thể xóa nổi bia miệng tiếng đời? Bình thơ ông Tố Hữu, không phải chỉ có ông Hoài Thanh, mà còn khá nhiều người khác, thậm chí là ngợi ca quá lời, nhưng không ai bị coi là "vị người ngồi trên". Có thể là không công bằng cho ông Hoài Thanh, nhưng "vị người ngồi trên" không hẳn đã là vì khen thơ hay. Thanh danh của con người càng không phải do nhà nước công nhận. Thanh danh của con người là đánh giá của dân gian.
Các cụ ngày xưa rất cẩn thận với danh tiếng. Họ sợ để lại danh tiếng không hay cho con cháu. Thanh danh ở thời xưa đấy còn giá trị hơn cả của cải, danh vị. Đó là cái nhẹ khôn gánh của hiện hữu. Cuộc đời con người chỉ có một lần, không lặp lại, do đó không thể thử nghiệm để xem danh tiếng để lại như thế nào. Cái danh tiếng tưởng nhẹ như bấc đấy lại nặng vô cùng. Một đời không gánh nổi, đời sau lại phải gánh tiếp, như ông Từ Sơn đang gánh cho ông Hoài Thanh vậy. Những cố gắng vô vọng để giữ lại chút thanh danh đã mất trong mắt dân gian là nỗi đau khôn cùng, bởi vì đấy là sự vẫy vùng tuyệt vọng để níu lại cái vốn từng không có hay vốn từng đã mất. Nỗi đau không phải của một cá nhân, mà là nỗi đau của cả các thế hệ tiếp nối, nỗi đau của cả một đại gia đình, của cả một họ tộc. Có lẽ người xưa đã chiêm nghiệm ra điều này nên giữ gìn danh tiếng là điểm thường trực trong tâm khảm của mỗi người. Không phải "nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh" như Trương Hán Siêu từng viết, mà những kẻ bất nghĩa vẫn lưu danh đến muôn đời, nhưng đó không phải là thanh danh, mà là ô danh.
No comments:
Post a Comment