Bài mới

Nhận xét mới

Chuẩn tinh thể

Photobucket

Giải thưởng Nobel năm nay về hóa học được trao cho Dan Shechtman do đã khám phá ra chuẩn tinh thể. Tuy là giải thưởng về hóa học nhưng công trình khám ra ra chuẩn tinh thể lại được công bố trên tạp chí vật lý. Ranh giới giữa các lĩnh vực nhiều khi cũng không được rành mạch. Năm 1998 giải thưởng Nobel về hóa học cũng được trao cho Kohn, một nhà vật lý, về một công trình cũng thuộc lĩnh vực vật lý, lý thuyết phiếm hàm mật độ.

Trước tiên phải nói về tên gọi quasicrystal trong tiếng Việt. Đa số báo chí tiếng Việt dịch là giả tinh thể. Cách dịch như vậy không hẳn là sai, song cũng không chính tắc. Tiền tố quasi được quy định dịch là "chuẩn", còn tiền tố pseudo được quy định dịch là "giả". "Chuẩn" có nghĩa là gần như, giống như. "Chuẩn tướng" có nghĩa là chưa phải là tướng, nhưng cũng gần như tướng. Quasicrystal không phải là tinh thể nhưng cũng gần giống như tinh thể. Tôi hy vọng truyền thông không làm loạn thêm thuật ngữ khoa học, mà bấy lâu nay chúng vốn không được chính tắc hóa ở Việt Nam.

Có thể hình dung cấu trúc tinh thể như sau. Một sân trường trong giờ ra chơi. Các học sinh nô đùa, chạy nhảy quanh sân. Cấu trúc như vậy cho chúng ta một hình ảnh về chất khí hay chất lỏng, nếu coi mỗi học sinh như là một nguyên tử hay phân tử. Về mặt bản chất chất lỏng và chất khí không khác nhau, mặc dù trong cuộc sống hàng ngày chúng ta thấy chúng khác nhau một cách rõ ràng. Bây giờ tưởng tượng tại đúng một thời điểm tất cả các học sinh dừng ngay lập tức tại vị trí họ đang nô đùa, không chạy nhảy nữa. Như vậy chúng ta sẽ có một hình ảnh về một chất thủy tinh hay một chất vô định hình, giống như tấm kính trong suốt vậy. Bây giờ trống điểm hết giờ ra chơi, các học sinh xếp thành hàng ngay ngắn, thẳng tắp, cách đều nhau. Đấy là hình ảnh về cấu trúc tinh thể. Nếu ta dịch các hàng học sinh sang hàng bên cạnh và cứ như thế thì sân trường vẫn vậy. Đó là tính đối xứng tịnh tiến. Nếu các học sinh đứng cách nhau đều đặn theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang, thì chúng ta có thể thấy các học sinh xếp thành hàng thẳng, không chỉ theo chiều dọc hay chiều ngang, mà còn theo các đường chéo. Nếu tại mỗi hàng học sinh đầu hàng chuyển xuống vị trí cuối và học sinh cuối hàng chuyển lên đầu, và các vị trí tiếp theo tiến hành tương tự như vậy thì sân trường vẫn như cũ, không thay đổi gì. Đó là tính đối xứng gương, một loại đối xứng nằm trong nhóm đối xứng điểm. Cấu trúc tinh thể như vậy có hai tính đối xứng: đối xứng tịnh tiến và đối xứng điểm. Kết hợp hai loại đối xứng này chúng ta có nhóm đối xứng không gian của cấu trúc tinh thể. Có thể hình dung cấu trúc tinh thể như một cách lát gạch, mỗi viên gạch mang tính đối xứng điểm, và các viên gạch khác được lát bằng cách lặp lại viên gạch đầu tiên theo một kiểu nhất định. Trong ví dụ về học sinh xếp hàng có thể hình dung 4 học sinh đứng tạo thành hình vuông là một viên gạch. Các viên gạch chỉ có thể là hình tam giác, hình bình hành, hình lục giác. Nếu viên gạch có hình ngũ giác chúng ta không thể lát gạch được vì sẽ có chỗ sẽ kê nhau hay bỏ trống. Tương tự như vậy đối với hình thất giác, bát giác... Thế nhưng ngay từ thời kỳ Trung đại, các giáo đường Hồi giáo đã cho thấy có những cách lát gạch mà các viên gạch được lát không lặp lại kiểu lát như nhau được gọi là mosaic. Đấy là một dạng cấu trúc không có tính chất đối xứng tịnh tiến hay còn gọi là cấu trúc phi chu kỳ. Nhưng nếu nhìn kỹ chúng ta lại thấy gần như chúng cũng có những tính chất lặp lại, nhưng không hoàn toàn, chỉ gần như. Chúng ta có thể thấy chúng cũng tạo thành những hàng, cách nhau đều đặn, tuy không chính xác lặp lại một cách hoàn toàn triệt để, như hình vẽ ở trên. Đó là hình lát gạch Penrose, tạo từ 2 hình thoi "béo" và "gầy", do nhà toán lý người Anh Penrose nghĩ ra từ thập kỷ 1970, trước cả khi chuẩn tinh thể được Shechtman tìm ra. Đó chính là ví dụ hình ảnh về cấu trúc của chuẩn tinh thể. Với cấu trúc như vậy các tính chất đối xứng điểm như tính chất đối xứng của hình ngũ giác đều vốn không thể tồn tại trong cấu trúc tinh thể, giờ đây có thể tồn tại trong cấu trúc chuẩn tinh thể. Do cấu trúc phi chu kỳ, cấu trúc chuẩn tinh thể thường liên quan tới số vô tỷ. Ví dụ như ở lát gạch Penrose, tỷ lệ giữa số viên gạch "béo" và viên gạch "gầy" sử dụng để lát bằng đúng số tỷ lệ vàng, bằng đúng tỷ lệ giữa đường chéo trên một cạnh của hình ngũ giác đều. Tỷ lệ vàng là một số vô tỷ, do vậy không có cách nào có thể tịnh tiến cách lát gạch Penrose từ một cơ sở của một số hữu hạn các viên gạch. Về mặt toán học, chuẩn tinh thể có thể tạo ra bằng cách chiếu từ một tinh thể trừu tượng trong không gian có số chiều cao hơn xuống trong những điều kiện nhất định. Nhưng không rõ các tính chất hình học như vậy có tạo ra những tính chất vật lý khác lạ nào không. Điều này khiến chúng ta nhớ tới cấu trúc fractal, một thời cũng rất thời thượng, nhưng rồi vẫn rất khó đạt được những khám phá vật lý khác lạ và hữu ích, ngoài những cấu trúc hình học lạ mắt.

Nhưng làm thế nào chúng ta có thể nhìn thấy cấu trúc tinh thể? Tất nhiên không phải bằng mắt rồi. Các nhà vật lý dùng phương pháp chiếu một chùm tia X hay neutron vào tinh thể và họ thu được bức ảnh nhiễu xạ. Bức ảnh nhiễu xạ có dạng các đốm trắng riêng biệt, rời rẽ. Sở dĩ có được những đốm trắng rời rẽ là do các nguyên tử trong tinh thể nằm trên những đường thẳng hay mặt phẳng song song đều đặn nhất định như các hàng học sinh trong sân trường. Nếu ta chiếu chùm tia X hay neutron vào một chất khí hay thủy tinh, chúng ta sẽ không thể thu được bức ảnh nhiễu xạ như vậy. Các đốm trắng trên ảnh thể hiện tính chất đối xứng của cấu trúc tinh thể. Từ bức ảnh nhiễu xạ người ta có thể xác định được cấu trúc của tinh thể và như vậy là "nhìn" được cấu trúc tinh thể. Về mặt toán học, bức ảnh nhiễu xạ chỉ là ảnh Fourier của hàm tự tương quan của mật độ điện tử của tinh thể. Đối với cấu trúc chuẩn tinh thể các bức ảnh nhiễu xạ cũng cho những đốm trắng rời rạc, giống như là bức ảnh thu được từ một tinh thể thực thụ. Và điều này rất ngạc nhiên, vì bên cạnh đấy, các đốm trắng còn tạo thành cấu trúc có tính chất đối xứng mà tinh thể thật sự không có được, ví dụ như đối xứng của hình ngũ giác đều. Chính vì điều này mà khi Shechtman thu được ảnh nhiễu xạ có đối xứng thập giác đều, các đồng nghiệp của ông đã không ai tin bởi vì tinh thể không thể cho được cấu trúc như vậy, cả về mặt logic toán học lẫn thực chứng. Họ cho rằng Shechtman đã đo phải cấu trúc tinh thể đôi. Vì không ai tin, Shechtman phải mất 2 năm, sau khi tham khảo nhiều người, mới công bố được khám phá của mình. Sau khi khám phá của Shechtman được công nhận, người ta đã phải thay đổi định nghĩa tinh thể. Thay vì định nghĩa tinh thể như truyền thống về cấu trúc có đối xứng tịnh tiến và đối xứng điểm, người ta chuyển thành định nghĩa tinh thể có ảnh nhiễu xạ có cấu trúc rời rạc. Tôi cảm thấy định nghĩa như vậy hơi kỳ quái vì phải hình dung cấu trúc tinh thể qua hình ảnh của chúng trong không gian ngược lại với không gian chúng ta đang sống. 

Khám phá chuẩn tinh thể đã thay đổi một cách căn bản hiểu biết của con người về cấu trúc chất rắn. Nhưng từ cấu trúc đấy tới những tính chất vật lý vẫn còn là một con đường chưa rõ ràng, ít nhất trong hình dung của tôi.   

Photobucket
Ảnh nhiễu xạ của một chuẩn tinh thể (Ảnh của Nobel.org)

16 comments:

  1. Đông A dùng từ rất chuẩn.

    Có lẽ nhà vật lý đầu tiên được giải Nobel hoá học là Ernest Rutherford, người nói câu "tất cả các khoa học thì hoặc là vật lý, hoặc là sưu tập tem".

    ReplyDelete
  2. "quasi" trong cổ ngữ la tinh giống như "so" tiếng Anh và questo (modo) trong tiếng Ý hiện đại.Báo Tuổi trẻ chuyển ngữ "quasicristal" là "tựa tinh thể". Cũng chẳng là vấn đề với người trong ngành(Mr.DTS và bloger ĐA hảng hạn), nhưng gọi là "chuẩn tinh thể" người ngoại đạo dễ lầm tưởng là "tinh thể chuẩn", cũng có nghĩa "cristal" không phải là tinh thể chuẩn nữa!

    Trong quân đội( trước đây) có cấp chuẩn úy và chuẩn tướng; "chuẩn" này không phải trong "chuẩn bị-gần như" mà là "ở mức-khả năng". Là mức độ hay khả năng của một hạ sỹ quan có thể chỉ huy 1 "đô" hay một "úy"(từ cổ) quân, tương tự chuẩn tướng là một cấp tá có khả năng chỉ đạo 1 "soái" quân,khi khá được thì lên thiếu, trung, đại. :)

    ReplyDelete
  3. Cảm ơn bài viết rất hay của bác Đông A. Một người vật lý chỉ học hết lớp 12 như tôi đọc cũng thấy sáng ra được rất nhiều. Nghiên cứu khoa học và phổ biến khoa học, có lẽ rất khó biết cái nào có ích cho cộng đồng nhiều hơn cái nào.

    Về “quasi” thì có lẽ cũng phải linh hoạt để chuyển ngữ sang tiếng Việt bác ạ, kể cả trong những văn bản/diễn ngôn vật lý hay trong bất cứ khoa học chuyên ngành nào khác thì cũng vậy. Cứ thấy tiếng Anh dùng quasi liền dịch thành “chuẩn” thì rất không chuẩn. Sở dĩ vậy là vì không có và không bao giờ có một sự tương đương tuyệt đối nào giữa 2 từ/từ tố trong hai ngôn ngữ, đặc biệt là về phương diện thái độ ngữ pháp (grammatical behavior) của mỗi từ/từ tố. Sách từ pháp tiếng Anh của nhà Collins Cobuild có cung cấp một số từ /ngữ có tiền tố quasi như sau:
    Quasi-academic; quasi-atractive; quasi-autonomous; quasi-diplomatic; quasi-divine; quasi-human; quasi- industrial; quasi-judicial; quasi-legal; quasi-magical; quasi-military; quasi-moderate; quasi-moral; quasi-official; quasi-religious; Academic and quasi-academic literature; A mystical or quasi-religious experience; quasi-human automation

    Dùng “chuẩn” để đối dịch “quasi” cho mọi trường hợp nêu trên thì rất kỳ quặc. Nguyễn Thành Yến đành phải dịch những từ/ngữ này sang tiếng Việt như sau:

    Quasi-academic: bán học thuật
    Quasi-atractive: trông khá hấp dẫn
    Quasi-autonomous: bán tự trị
    Quasi-diplomatic: bán ngoại giao
    Quasi-divine: nửa thánh nửa thần
    Quasi-human: trông giống như người
    Quasi- industrial: bán công nghiệp
    Quasi-judicial: bán pháp luật
    Quasi-legal: bán hợp pháp
    Quasi-magical: như thuộc về pháp luật
    Quasi-military: bán quân sự
    Quasi-moderate: bán ôn hòa
    Quasi-moral: như thể là đạo đức
    Quasi-official: bán chính thức
    Quasi-religious: như thể là tôn giáo
    Academic and quasi-academic literature: nền văn học bác học và như bác học
    A mystical or quasi-religious experience: một kinh nghiệm gần như thuộc về tôn giáo thần bí
    Quasi-human automation: sự tự động gần giống như con người

    Những cách dịch này chưa phải đã là mẫu mực, nhưng chắc chắn nó dễ chấp nhận hơn là áp “chuẩn” cho mọi trường hợp.

    Trong một số văn cảnh, dùng “cận” để dịch “quasi” cũng rất đắt. Quasicrystal dịch thành “cận tinh thể” cũng rất hay phải không các bác? Quasi-universal Cao Xuân Hạo dịch thành “cận phổ niệm”. Nhưng “cận” cũng không đắc địa cho mọi trường hợp. Chính Cao Xuân Hạo lại xây dựng hai thuật ngữ “từ gần đồng âm” và “từ gần đồng nghĩa” để resp đối dịch “quasi-homonym” và “quasi-synonym.”

    Về câu “All sciense is either physics or stamp collecting" của Rutherford. Không rõ câu này được tác giả nói/viết ra trong hoàn cảnh nào. Song có thể khẳng định đó là một câu bông đùa hoặc ít ra cũng phải là một câu nói nhịu, trừ khi trước hoặc ngay sau khi nói/viết câu đó ông đã quy ước rằng ông dùng từ physics để chỉ tất cả mọi hoạt động tri giác và nhận thức thế giới của con người, trừ những hoạt động mà ông và cử tọa/độc giả thống nhất gọi là sưu tầm tem! Nói chung, theo tôi, dịch câu này sang tiếng Việt nhất định phải dùng chữ “đều” ta mới có được một câu văn dịch đúng chuẩn (normal):

    “Mọi ngành khoa học/tất cả mọi ngành khoa học (thì) ĐỀU hoặc là vật lý hoặc là sưu tầm tem.”

    ReplyDelete
  4. Cảm ơn bài viết rất hay của bác Đông A. Một người vật lý chỉ học hết lớp 12 như tôi đọc cũng thấy sáng ra được rất nhiều. Nghiên cứu khoa học và phổ biến khoa học, có lẽ rất khó biết cái nào có ích cho cộng đồng nhiều hơn cái nào.

    Về “quasi” thì có lẽ cũng phải linh hoạt để chuyển ngữ sang tiếng Việt bác ạ, kể cả trong những văn bản/diễn ngôn vật lý hay bất cứ khoa học chuyên ngành nào khác thì cũng vậy. Cứ thấy tiếng Anh dùng quasi liền dịch thành “chuẩn” thì rất không chuẩn. Sở dĩ vậy là vì không có và không bao giờ có một sự tương đương tuyệt đối nào giữa 2 từ/từ tố trong hai ngôn ngữ, đặc biệt là về phương diện thái độ cú pháp (grammatical behaviour)của mỗi từ/từ tố. Sách dạy từ pháp tiếng Anh của nhà Collins Cobuild có cung cấp một số từ/ngữ có tiền tố quasi như sau:
    quasi-academic; quasi-atractive; quasi-autonomous; quasi-diplomatic; quasi-divine; quasi-human; quasi- industrial; quasi-judicial; quasi-legal; quasi-magical; quasi-military; quasi-moderate; quasi-moral; quasi-official; quasi-religious; Academic and quasi-academic literature; A mystical or quasi-religious experience; quasi-human automation

    Dùng “chuẩn” để đối dịch “quasi” cho mọi trường hợp nêu trên thì rất kỳ quặc. Nguyễn Thành Yến đành phải dịch những từ/ngữ này sang tiếng Việt như sau:

    Quasi-academic: bán học thuật
    Quasi-atractive: trông khá hấp dẫn
    Quasi-autonomous: bán tự trị
    Quasi-diplomatic: bán ngoại giao
    Quasi-divine: nửa thánh nửa thần
    Quasi-human: trông giống như người
    Quasi- industrial: bán công nghiệp
    Quasi-judicial: bán pháp luật
    Quasi-legal: bán hợp pháp
    Quasi-magical: như thuộc về pháp luật
    Quasi-military: bán quân sự
    Quasi-moderate: bán ôn hòa
    Quasi-moral: như thể là đạo đức
    Quasi-official: bán chính thức
    Quasi-religious: như thể là tôn giáo
    Academic and quasi-academic literature: nền văn học bác học và như bác học
    A mystical or quasi-religious experience: một kinh nghiệm gần như thuộc về tôn giáo thần bí
    Quasi-human automation: sự tự động gần giống như con người

    Những cách dịch này chưa phải là mẫu mực hoàn toàn, nhưng chắc chắn nó dễ chấp nhận hơn là áp “chuẩn” cho mọi trường hợp.

    Trong một số văn cảnh, dùng “cận” để dịch “quasi” cũng rất đắt. Quasicrystal dịch thành “cận tinh thể” cũng rất hay phải không các bác? Quasi-universal Cao Xuân Hạo dịch thành “cận phổ niệm”. Nhưng “cận” cũng không đắc địa cho mọi trường hợp. Chính Cao Xuân Hạo lại xây dựng hai thuật ngữ “từ gần đồng âm” và “từ gần đồng nghĩa” để resp đối dịch “quasi-homonym” và “quasi-synonym.”

    Về câu “All sciense is either physics or stamp collecting" của Rutherford mà bác ĐTSơn dẫn lại. Không rõ câu này được tác giả nói/viết ra trong hoàn cảnh nào. Song có thể khẳng định đó là một câu bông đùa hoặc ít ra cũng phải là một câu nói nhịu, trừ khi trước hoặc ngay sau khi nói/viết câu đó ông đã quy ước rằng ông dùng từ physics để chỉ tất cả mọi hoạt động tri giác và nhận thức thế giới của con người, chỉ trừ những hoạt động mà ông và cử tọa/độc giả thống nhất gọi là "sưu tầm tem":-) Nói chung, theo tôi, dịch câu này sang tiếng Việt nhất định phải dùng chữ “đều” ta mới có được một câu văn dịch đúng chuẩn (normal):

    “Mọi ngành khoa học/tất cả mọi ngành khoa học (thì) ĐỀU hoặc là vật lý hoặc là sưu tầm tem”
    :-) :-)

    ReplyDelete
  5. Chu Nam Cuong nói mới là hay !

    ReplyDelete
  6. Chào anh Đông A,
    "Nhưng từ cấu trúc đấy tới những tính chất vật lý vẫn còn là một con đường chưa rõ ràng, ít nhất trong hình dung của tôi."
    Em cảm giác rằng nó sẽ dẫn đến các hiệu ứng của hệ disorder, chẳng hạn định xứ hóa. Ý tưởng đó là vì em liên hệ với khái niệm kicked-rotor, về mặt nào đó là giả (chuẩn) tinh thể một chiều theo thời gian (kicked-time axis)? Em đoán thêm là nhìn từ khía cạnh khác, có thể coi chuẩn-tinh thể là một nhiễu loạn mất trật tự từ tinh thể truyền thống, bằng cách coi số thực là một số rất gần với số hữu tỉ, mà trường hợp số hữu tỉ hoặc số nguyên có lẽ ta quay về với "thực-tinh thể" (dù chưa tìm hiểu số này là cái gì nhưng em đoán chắc là thế). Từ đó có thể thấy nó hoàn toàn có thể dẫn đến tính chất không tầm thường của, chẳng hạn điện tử trong đó, hoặc phonon liên kết. Mặt khác câu hỏi có tồn tại một chuẩn tinh thể vật lý hai chiều hay không, so với có tồn tại một tinh thể vật lý hai chiều hay không cũng thú vị đấy chứ ạ?
    PS: Bác Đông A viết sai chính tả chữ "trìu tượng" :P

    ReplyDelete
  7. @Chúc Thành: đã sửa lại lỗi chính tả. Thanks.

    @Hải Văn: có những từ thuộc loại thuật ngữ của một chuyên ngành khoa học, và có những từ không phải là thuật ngữ của chuyên ngành khoa học đấy, do vậy cách dịch khác nhau. Về vấn đề dịch thuật thuật ngữ cách đây mấy chục năm Hoàng Xuân Hãn đã bàn tới, trong đấy có vấn đề dịch các gốc từ trong khoa học. Tiền số quasi có nhiều trong vật lý và có cùng một ý nghĩa như quasiparticle, quasistatic, quasicrystal... chuẩn hạt, chuẩn tĩnh, chuẩn tinh thể. Thuật ngữ khoa học của 1 chuyên ngành không thể dịch cùng 1 tiền tố thành các từ khác nhau, bởi vì dịch như thế là đã đánh mất tính khoa học của chúng. Ngoài ra trong vật lý người ta còn có khái niệm pseudocrystal, paracrystal nữa. Giả tinh thể cho pseudocrystal, cận tinh thể cho paracrystal.

    ReplyDelete
  8. Bác ĐA được Mr Đàm khen ngợi là dùng từ rất chuẩn, tuy nhiên theo tôi chữ “nhiễu xạ” của bác ĐA chỉ “chuẩn” … một nửa. Chữ (từ) “nhiễu xạ” ở đây là interference, có cách dịch khác là “giao thoa”, trong chữ “nhiễu xạ” vế “nhiễu” thì đúng nhưng vế “xạ” thì sai: vì interference là sự nhiễu loạn của hai “xạ” khác nhau: riêng chữ “xạ” ở đây dùng cho một loạt các loại “xạ” như:  “bức xạ” (radiation), “tán xạ” (diffraction), “phản xạ” (reflection), “khúc xạ” ( refraction) …vv và vv.  Chữ interference chỉ sự giao thoa (hay nhiễu loạn) giữa hai “xạ” cho nên nó không có tiếp vĩ nghữ (Sần) –tion. Và interfernce dứt khoát không phải “xạ”. mà có vẻ là “hương” thì đúng hơn. Vụ đụng xe khác với những chiếc xe bị đụng.

    Đúng là hữu xạ tự nhiên hương: hai “xạ” (beam of electron chẳng hạn) giao thoa (interfer) với nhau một cách cộng hưởng (constructively) hay trừ hưởng (destructively) sẽ tạo ra những kết quả rất đẹp mắt như hình hai trong bài viết rất hay này của bác: đúng là Hữu Xạ (diffraction) tự nhiên Thoa (interference).

    ReplyDelete
  9. tán xạ đã được dùng cho scattering. interference là giao thoa. diffraction là nhiễu xạ.

    ReplyDelete
  10. Và Mít tơ Đàm rất thâm thuý:
    Bác Đông A viết rất "chuẩn" nhưng không rõ "chuẩn" đây là chuẩn nào?
    Chuẩn - quasi hay chuẩn -standard ?
    Đúng là Chuẩn không cần ... Chuẩn.
    Không cần Chuẩn mà ... Chuẩn.

    ReplyDelete
  11. Bài này của bác ĐA viết hay và tiệm cận vấn đề hơn nhiều bài trên báo và blog nổi tiếng khác.

    ------
    Vấn đề dịch ra tiếng Việt các từ khoa học nước ngoài đúng là chưa bài bản và thống nhất.

    Người Nhật đã làm điều này rất tốt khi phiên âm Nhật tự những từ không có nghĩa tương đương với Nhật ngữ. Giúp người Nhật tiếp cận với Khoa học Kỹ thuật rất nhanh.

    Nhiều Trí thức, và quasi-Trí thức đang kêu gào Khai sáng, rồi Khai trí v.v... Nhưng toàn đao to búa lớn như dân chủ vs dân trị rồi Triết học này triết học kia v.v..., những việc thiết thực giúp dân đen và phù hợp nghề nghiệp của họ nhất là từ những điều đơn giản thì không thấy có mấy người làm.

    ReplyDelete
  12. @Tám Huế: Hơơ, nếu giao cho bác ĐA làm (thiết kế việc chính xác + quản lý công tâm) thí chúng nó lấy giề chia nhau, :)

    ReplyDelete
  13. Vấn đế là Tám Huế lại dùng từ "chuẩn" nữa rồi: Đông A là trí thức hay chuẩn - trí thức. Bài "kẻ giấu mặt" của ĐA, chẳng qua "nhặt" một số ý từ bài A Cosmic Conundrum mà thôi à...

    ReplyDelete
  14. @vn_roo: tớ dùng với nghĩa tương tự cái này nè:
    "Quasi-divine: nửa thánh nửa thần
    Quasi-human: trông giống như người"

    ReplyDelete
  15. Chao ban, minh moi vao blog cua ban lan dau tien va cung chi doc so qua may bai. Tuy nhien minh thay blog nay rat thu vi va bo ich.
    Cam on ban rat nhieu va hy vong minh se co thoi gian de vao blog cua ban nhieu lan hon nua.
    print cartridgenon profit fundraiser

    ReplyDelete