Bài mới

Nhận xét mới

Đoạn kết cho câu chuyện ấn đền Trần

Câu chuyện bắt đầu từ bài viết trên báo Tiền Phong nghi ngờ ấn đền Trần là giả. Tôi đã có loạt bài viết về chuyện này. Danh sách các bài viết tôi để ở cuối bài, theo thứ tự thời gian. Kết luận của tôi là bài viết trên báo Tiền phong không có một cơ sở nào để khẳng định ấn đền Trần là giả. Các chữ khắc nổi trên ấn đền Trần, "Trần miếu tự điển",  là chữ Tống thể, đặc trưng cho thể loại khắc gỗ in ấn ở Việt Nam, phổ biến từ khoảng đầu thế kỷ 20 trở về trước. Các chữ khắc chìm trên ấn đền Trần là các chữ Hán chính tông, đọc là "Tích phúc vô cương". Ấn đền Trần không có bất cứ một sai sót nào về mặt văn phạm, ngữ nghĩa, hình thể của các chữ trên ấn.

Bài viết trên báo Tiền phong là một quy kết nặng nề, nhất là đối với Ban quản lý đền Trần nói riêng và người dân Nam Định nói chung, bởi vì nó không khác nào là một thể hiện cáo buộc rằng Ban quản lý đền Trần nói riêng và người dân Nam Định nói chung là một bọn lường gạt, bịp bợm, làm ấn giả để thu lợi từ nỗi nhẹ dạ cả tin của người dân Việt Nam trong tín ngưỡng dân gian. Tôi không phải là người Nam Định mà còn cảm thấy như vậy, thì không biết người dân Nam Định có cảm nhận như thế nào. Tôi thấy chuyện này giống như có một cô gái xinh đẹp, đang được nhiều người chiêm ngưỡng, thì bỗng ở đâu nhảy ra một kẻ hô hoán lên rằng đấy là con đĩ. Từ câu chuyện này tôi thấy có mấy vấn đề như sau:

Vấn đề thứ nhất: truyền thông đại chúng không phải là nơi để công bố các phát hiện, tìm tòi mang tính chuyên môn sâu. Vấn đề này đã có lần tôi đề cập tới nhân chuyện về An Nam đồ chí của ông Ngô Đức Thọ. Lý do rất đơn giản: ban biên tập các báo không có khả năng cũng như chuyên môn để có thể phản biện lại các bài viết có tính chuyên môn sâu. Nói trắng ra thì Ban biên tập báo Tiền phong chỉ thuộc loại "văn như hũ nút, chữ như mù" nên không thể phân biệt được đúng sai trong chuyện ấn đền Trần này. Chỉ cần một sai sót hay nhầm lẫn là có thể để lại những hậu quả nặng nề. Những công bố mang tính chuyên môn sâu cần phải công bố ở các tạp chí chuyên ngành, nơi có những chuyên gia có kiến thức phản biện. Chỉ sau khi đã công bố ở tạp chí chuyên ngành, các thông tin của bài viết mới có thể công bố trên truyền thông đại chúng. Là một người không được đào tạo về Hán Nôm mà tôi còn có thể phát hiện ra được những sai lầm trong bài viết trên báo Tiền phong, thì không lẽ các chuyên gia về Hán Nôm ở các viện nghiên cứu lại là thứ "toi cơm" không thể phản biện lại được những "phát kiến" tầm thường như vậy hay sao?

Vấn đề thứ hai: tính chuyên nghiệp của giới học thuật. Một giới học thuật chuyên nghiệp không bao giờ coi truyền thông đại chúng là nơi để công bố các nghiên cứu học thuật của mình. Công bố học thuật trên truyền thông đại chúng chỉ thể hiện một lề lối nghiên cứu nghiệp dư, thiếu tính học thuật và không nghiêm túc. Những nghiên cứu, phát hiện, tìm tòi mang tính học thuật cần phải trải qua các khâu phản biện và trao đổi học thuật.

Vấn đề thứ ba: hiệu ứng từ bài viết. Không cần có kiến thức Hán Nôm, đọc bài viết trên báo Tiền phong cũng có thể nhận ra những bất ổn trong logic, lập luận và chứng cớ. Chẳng hạn như bài báo cho rằng chữ trên ấn giống phông vi tính mà không đưa ra những lập luận hay chứng cớ. Vậy mà vẫn có những người không thể nhận ra. Tôi lấy ví dụ bài viết trên báo Lao động "Quan lớn lại yếu" của Lý Sinh Sự. Tôi có thể khẳng định rằng ông Lý Sinh Sự đọc bài viết trên báo Tiền phong nhưng không hiểu gì, bởi vì trong bài viết của ông có đoạn: "Ấn cổ ở đâu không biết, vì căn cứ vào các bản ấn được bán hiện nay thì các chữ khắc trên ấn là chữ chìm, chứ không phải chữ khắc nổi như ấn cổ." Đọc tiếng Việt ngày nay còn chưa thủng, thì những thứ Hán Nôm làm sao có thể nhận định được mà đã vội giở giói châm biếm chế diễu theo kiểu truyền thống dân gian: quan lớn lại - quan lái lợn. Ví dụ ở báo Lao động này cho thấy có một hiện tượng đang xảy ra trong xã hội Việt Nam, đó là khi có những quy kết về một vấn đề nào đó,  thường là những vấn đề liên quan tới dòng chính, mặc dù không hiểu quy kết đó đúng hay sai, đều sồn sồn lên như một đám lên đồng và mặc định rằng những quy kết đó đúng. Tôi gọi hiện tượng này là "mặc cảm dòng chính". Đây là một vấn đề đáng lo ngại.

Những bài viết của tôi trong chủ đề này:

10. Phông vi tính nào?
9. Chữ Tống thể trong khắc gỗ ở Việt Nam
8. Tống thể trong in ấn
7. Chữ cương chân thư dị thể
6. Chữ cương trên bia
5. Cương cường trên ấn
4. Bàn về khai ấn
3. Khóa ấn, khai ấn, phong ấn, phất thức
2. Có phải chỉ có triện thư khắc ấn?
1. Cương có cần thổ?

31 comments:

  1. Em ủng hộ và đồng quan điểm với bác Đông A.

    ReplyDelete
  2. Hỏi bác Dong A mấy "cái":
    1. ÂN ĐỀN TRẦN có (chính) khắc: TRẦN MIẾU TỰ ĐIỂN và (phụ) khắc: TÍCH PHÚC VÔ CƯƠNG thực ra con cháu Trần tộc làm sau này (khoảng cuối thế kỷ 18 đầu tk 19 chứ không phải là ẤN được lưu giữ từ thời Trần?
    2.Ý nghĩa (duy nhất?) của các chữ khắc trên ẤN là chỉ dấu rằng Miếu nhà Trần có (ban hoặc thờ) các chữ "Tích phúc vô cương"? 4 chữ này là cứu cánh của những người đi xin bản triện?
    3. Bốn chữ "Tích phúc vô cương" thực ra là lời răn, dạy, khuyên bảo của tổ tiên dòng họ Trần cho con cháu nhằm duy trì cho họ phải luôn làm những điều tốt lành để vun trồng cây phúc ?
    4. Nếu những trả lời cho 3 "cái" trên KHÔNG SAI thì cái LỄ KHAI ẤN long trọng và được mọi người (mang tinh thần quốc gia) tín ngưỡng như vậy liệu có thỏa đáng?
    5.Entry này có là "Đoạn kết" (của Dong A) nếu có người chứng minh được rằng ấn “Trần Triều Quốc bảo” có giá trị tinh thần lớn hơn, xứng đáng hơn ấn “Trần miếu Tự điển” để xử dụng trong điển lễ khai ấn đầu năm (nếu duy trì)?

    ReplyDelete
  3. 1. Thứ nhất, tôi không biết ai làm ra ấn đền Trần, có phải là con cháu Trần tộc hay không (tôi cũng không biết là hiện nay có dòng họ nào là con cháu nhà Trần hay không). Thứ hai, ấn đền Trần được coi là có niên đại khoảng 100 năm. Tôi không biết con số 100 năm này có cơ sở khoa học vững chắc hay là chỉ phỏng đoán.

    2 và 3. Trần miếu tự điển là nơi cúng tế miếu họ Trần, Tích phúc vô cương có nghĩa là ban phúc không giới hạn. Như tôi hiểu thì tờ ấn này như một bùa chú ban phúc vô cùng cho người có nó. Ý nghĩa chỉ như vậy thôi.

    4. Về mặt tín ngưỡng dân gian tôi không có ý kiến. Về chuyện nâng cấp khai ấn thành điển lệ quốc gia tôi đã nói trong bài "Bàn về khai ấn", không nhắc lại nữa.

    5. Tôi không hiểu thế nào là "có giá trị tinh thần lớn hơn". Mỗi cơ sở thờ tự ở Việt Nam có một số ấn của mình. Tôi không biết có trường hợp nào thay thế ấn của một cơ sở thờ tự này bằng ấn của một cơ sở thờ tự khác. Về mặt tín ngưỡng thì tôi cho rằng chuyện như vậy là không nên làm, và không phải. Vấn đề tâm linh phức tạp, không phải cứ cổ hơn, đẹp hơn là thiêng hơn.

    ReplyDelete
  4. Tôi đồng ý với quan điểm của bác trong loạt bài này. Nhiều khi đọc báo, thấy gai mắt, tôi vẫn thường tặt lưỡi mà bỏ qua. Phải chi có một nhóm người như bác mở blog "nhặt sạn báo chí" thì hay biết mấy.

    ReplyDelete
  5. Bác Đông A ơi!
    Thật giả không phải là vấn đề, mà vấn đề là ấn này có phục vụ gì cho lợi ích của giai cấp và của dân tộc không. Rất mong bác từ vấn đề trên mà bàn về ấn này hay bất kỳ ấn nào khác.

    ReplyDelete
  6. Tôi chưa đi xin ấn đền Trần bao giờ, nhưng có xem cảnh xin ấn đền Trần được đưa lên mạng. Tôi không rõ quả ấn ấy hay, đẹp, có mãnh lực gì mà khiến người ta kéo nhau đi xin đông đến thế, thậm chí xéo giẫm lên nhau khiến một số người phải đi cấp cứu. Lại xem trên mạng, thấy có cả lãnh tụ Nhà nước đến khai ấn... Thế thì quả ấn ấy chắc phải có gì đặc biệt. Đến khi đọc các bài của bác, tôi rất thích, rất phục kiến thức uyên thâm của bác. Tôi rất tán đồng cách làm của bác, rằng nếu có gì nghi ngờ, thì ta phải phản biện. Nhưng tôi đã đọc một số bài về ấn đền Trần gần đây thì thấy cách lập luận của bác cũng chỉ là một cách lập luận thôi, còn nhiều điều mà tôi cho là bất ổn. Bác có cho phép tôi mới dám hỏi dần dà ạ!

    ReplyDelete
  7. Tất cả các vấn đề mà blog của tôi nêu ra đều có thể hỏi. Không có bất cứ vấn đề gì là không được hỏi hay thắc mắc.

    ReplyDelete
  8. Cảm ơn bác Dong A đã rất chu đáo và dân chủ. Vậy tất cả đã rõ: Thứ nhất Cái ấn mà Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết long trọng khai triện hôm đó không phải là Ấn thật của các đời vua Trần đã oanh liệt chiến thắng ngoại xâm, chỉ là dân gian đời sau làm (bùa chú?) để xử dụng tại 1 trong rất nhiều Miếu thờ tiền nhân họ Trấn.
    Thứ 2,chữ " tích" không thể có nghĩa là "ban,cho, phát"; để buộc phải hiểu theo lập luận của bác "tích phúc vô cương" là "ban phúc vô cùng".
    Thứ 3, bác không muốn hiểu "thế nào là giá trị tinh thần lớn hơn", vậy thưa bác, nếu ngẫm về ý nghĩa trên 2 ấn:"Trần triều Quốc bảo" và "Trần miếu Tự điển", cái nào hàm ý mang tính đại chúng, dân tộc hơn,dù đều nói về họ Trần?

    Dĩ nhiên không ai mang cái nọ thay cái kia vì mỗi cái phải đúng vị trí của nó, đúng nơi tương ứng, đúng ở lễ tương ứng.Cũng tất nhiên "không phải cứ cổ hơn, đẹp hơn là thiêng hơn.",nhưng những người nghiên cứu văn hóa phải chỉ cho quần chúng thấy cái nào có ý nghĩa lớn hơn. Và quan trọng hơn, để các Lãnh tụ nước nhà đi dự lễ hội dân gian đầu năm mang ý nghĩa tích cực và thực tế hơn.
    Trân trọng.

    ReplyDelete
  9. Thiều Chửu giải nghĩa chữ tích này như sau: Cho, phàm các cái của triều đình ban cho thưởng cho đều gọi là tích.

    Còn tích trữ, tích lũy lại là chữ tích khác.

    ReplyDelete
  10. @ Chu Nam Cuong
    Như tôi thấy có khoảng 35 chữ Hán có âm đọc là "tích", chữ tích trong ấn Trần, thì nghĩa như bác Đông A đã giải thích.
    Chữ tích bạn đang hiểu có lẽ là tích lũy, tích trữ thì chữ "tích" đó nó được viết là 積.
    Còn chữ tích trên ấn là chữ "tích" này : 錫

    ReplyDelete
  11. BÁC ĐÔNG A BÊNH VỰC ẤN ĐỀN TRẦN LÀ DO ẢNH HƯỞNG TỪ TƯ TƯỞNG CỦA CỤ ĐỒ CHIỂU?
    Tôi ít biết về chữ nghĩa, nên sẽ bàn đến chữ nghĩa ở mức độ vừa phải thôi. Thoạt tiên, cho phép tôi được nêu mấy cảm nhận của tôi về bác Đông A thông qua những gì tôi nhận thấy qua Blog này (tất nhiên, do là cảm nhận nên xin bác xem nhẹ cho phần chứng minh):
    Tôi thi thoảng có dạo qua một số blog, nhưng ít có blog nào có tính học thuật như blog của bác. Càng đọc blog bác, tôi càng mê mẩn, bởi tôi nhận thấy bác có nhiều phẩm chất thật tuyệt vời.
    Trước hết, phải nói rằng bác là người có học vấn sâu sắc, giỏi ngoại ngữ. Bác cũng có cái tính cẩn thận, rất thích tra sách nữa. Lời văn bác viết sáng gọn, có lúc rất hàn lâm, có lúc thật bình dị. Đôi khi văn bác rất giàu hình ảnh. Qua việc bác ví von ấn thiêng đền Trần với hình ảnh “gô gái đẹp”, cô đang được mọi người, trong đó có thể là có cả bác chiêm ngưỡng, bỗng có kẻ nào đấy hô hoán lên rằng cô ta là “con đĩ” (ví von, nhân hóa kiểu này kể ra tôi cũng chưa thực ưng), thế là bác “thấy việc bất bình rút vũ khí tương trợ”, hành vi đó phảng phất như trong truyện kiếm hiệp vậy. Nhưng tôi có niềm tin bác không phải chỉ có cái nghĩa khí của mấy anh võ phu, cái nghĩa khí của bác hẳn phải là nghĩa khí của cánh sĩ đại phu vậy. Tóm lại, từ hành vi trên của bác, tôi biết thêm rằng bác còn là người HỮU DŨNG nữa. Việc bác dụng công bênh vực ấn đền Trần, mà theo cách ví von của bác, tôi còn thấy hiện lên rõ nét, căng màn, hình ảnh của người anh hùng cứu mĩ nhân. Cho nên tôi cho là cạnh cái HỮU DŨNG, bác còn là ANH HÙNG. Ôi, bác thật là thần tượng của tôi đó!
    Nghĩa cử cao đẹp của bác khiến tôi chợt nhớ đến câu nói của cổ nhân, “kiến nghĩa bất vi vô dũng dã”. Nhưng câu này vốn là “hàng Tầu”, bác là Đông A cơ mà, ví không phải lúc vạn cùng bất đắc dĩ hẳn cũng không dùng hàng này. Thế thì nguồn ở đâu ra? Tôi học tập bác, tiến hành tra cứu kết hợp giữa máy móc và thủ công, mừng thay, nó đây rồi, nguồn ảnh hưởng đến bác đây rồi:
    “Nhớ câu kiến nghĩa (ngãi) bất vi,
    Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.
    Thảo nào mà tôi mỗi khi nghĩ đến bác là thấy quen quen, hóa ra bác hao hao chàng họ Lục.

    Trong bài 1 (Cương có cần thổ?) của bác, phía cuối có người com – măng, thông tin rằng họ xin được bản ấn “xịn”, “cương” có “thổ” đàng hoàng. Thông tin này chưa rõ có đáng tin hay không vì chưa thấy bà con nào xác minh. Ví như có bản ấn như thế thật, vậy quả ấn không “thổ” bác đã dụng công bênh vực là xịn, hay bản ấn có “thổ” kia là xịn? Đâu là “cô gái xinh đẹp”, đâu là “con đĩ”? Tôi thấy thật hoang mang lắm!
    Xưa, cụ Đồ Chiểu tuy đui mù nhưng tâm cụ sáng, trước sau vẫn là người ra sức hộ đạo, bảo dân, trung quân, ái quốc… tiếng thơm lưu truyền hậu thế. Nay, ví như bác lại trượng nghĩa nhầm chỗ, bênh vực “gái đĩ”, thế thì thiên hạ sẽ nghĩ thế nào về cái động cơ khoa học của bác, người ta sẽ rầm rĩ mà hỏi nhau rằng cái mục đích khoa học của bác nhắm vào đâu, phục vụ cho cái gì? Không lẽ…

    Lại xin nói thêm, bác tuy có biểu hiện nghĩa hiệp, anh hùng, nhưng bác cũng là người vô tình, vô trách nhiệm lắm. Nói thế là vì liên quan đến mĩ nhân ấn đền Trần này có nhiều điểm vô cùng thú vị, vô cùng đặc biệt mà lẽ ra bác có thể “thương cho trọn”, thế mà bác hững hờ ngoảnh mặt quay đi, để cho ấn Trần phải hờn phận tủi duyên.

    Phần sau tôi sẽ vì bác mà chỉ ra sự vô tình, vô trách nhiệm của bác đối với mĩ nhân ấn Trần này.

    ReplyDelete
  12. Thứ nhất, vấn đề đang bàn luận ở đây là bài viết trên báo Tiền phong. Do vậy ấn đền Trần ở đây là cái ấn mà bài báo Tiền phong nói tới. Trong tranh luận không thể một người nói vật A, và người kia lại dẫn vật B. Chính vì vậy mà trong tất cả các bài viết trong chủ đề đang bàn tới tôi chỉ sử dụng ảnh chụp của báo Tiền phong, mặc dù trên mạng có những ảnh chụp khác rõ hơn. Dẫn ảnh chụp khác không những không cần thiết mà còn làm lẫn lộn vật chứng đang nói tới.

    Thứ hai, giả sử tồn tại một cái ấn khác có chữ thổ, thì khi đó vấn đề là vấn đề khác, nội dung là nội dung khác, và câu chuyện cũng là câu chuyện khác, chẳng hạn sẽ là vấn đề ấn nào mới đúng là ấn chính tông của đền Trần. Khi nào có vật chứng thì mới có thể bàn luận. Không ai lại bàn luận về cái chưa nhìn thấy.

    ReplyDelete
  13. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  14. @ Mr. Trần: Rất cám ơn bác đã chỉ giáo, song tôi vẫn bảo lưu ý kiến của mình, bởi những lẽ sau:
    - Trong Thiều chửu, dù chữ 錫 được dịch và chú thích (như bác Dong A đã nói): "Cho, phàm các cái của triều đình ban cho thưởng cho đều gọi là tích.",song đây thực là cách diễn đạt của người biên soạn tự điển "chưa tới". "phàm các cái của triều đình ban cho, thưởng cho đều gọi là tích" vậy chữ 錫 chính là CÁC CÁI CỦA TRIỀU ĐÌNH BAN CHO và phải hiểu là chính các vật vua ban gọi là "tích" - là danh từ,là bản thể các cái đó (tinh thần hoặc vật chất), chứ không có nghĩa là "cho", "ban" - động từ. Chính vì thế, trong ấn "Trần miếu Tự điển" bốn chữ "Tích phúc vô cương" chỉ dơn thuần là lời giáo huấn của tiền nhân truyền dạy cho con cháu,phải luôn làm điều lành, điều phúc; và không nên hiểu là " cho, ban phúc..."

    ReplyDelete
  15. Ngoài Thiều Chửu còn có những từ điển khác. Ví dụ như ở đây:
    http://www.zdic.net/zd/zi/ZdicE9Zdic94ZdicA1.htm

    và "tích" này được dịch là confer, bestow.

    ReplyDelete
  16. Cảm ơn bác Dong A !:)

    ReplyDelete
  17. Chào Chu Nam Cuong. Xin trao đổi thêm với bạn mấy ý sau:
    - Trích dẫn : [bốn chữ "Tích phúc vô cương" chỉ dơn thuần là lời giáo huấn của tiền nhân truyền dạy cho con cháu,phải luôn làm điều lành, điều phúc; và không nên hiểu là " cho, ban phúc..."]

    - Phân tích như bạn là chưa đúng, bởi tôi thấy nhiều câu đối hoặc hoành phi cổ nói về giáo huấn thì các cụ không dùng chữ tích 錫 này , mà dùng chữ tích này 积 (giản thể của chữ 積 - trong comment trên tôi đã nêu).
    Ví dụ trong một bức hoành phi : 积 善 餘 庆 - có bản chép - 积 善 餘 慶 (庆 là giản thể của 慶) / Nghĩa là : "Tích thiện dư khương" (Làm điều thiện sẽ được hưởng tốt lành).

    Hoặc một câu đối khác :
    Vế 1 : "Nghĩa nhân tích tụ thiên niên thịnh"
    Vế 2 : "Phúc đức tài bồi vạn đại hanh"
    Các cụ xưa dùng chữ tích 积(積) chứ không dùng chữ tích 錫 in trên ấn Trần.

    ReplyDelete
  18. Cảm ơn Mr. Trần đã chia sẻ. Nhân đây nhờ (các) bác giải thích điều này: Nếu ấn Trần miếu Tự điển dùng để khai ấn đầu năm (nhằm) ban phúc lành cho thiên hạ thì những chữ TÍCH PHÚC VÔ CƯƠNG chắc phải ở vị trí chính triện, bốn chữ TRẦN MIẾU TỰ ĐIỂN (mang tính chỉ dẫn địa lý) phải nhỏ và ở vị trí phụ, nghĩa là vị trí của 2 câu trong Ấn phải đảo lại thì chữ "tích" hiểu theo giải thích của các bác mới là có lý!
    Tôi thực sự không biết Hán-Nôm, chỉ là suy nghĩ và thắc mắc hầu mong tiến bộ, mong bác thể tất :)

    ReplyDelete
  19. "Một giới học thuật chuyên nghiệp không bao giờ coi truyền thông đại chúng là nơi để công bố các nghiên cứu học thuật của mình"

    Bác nói rất đúng. Nhớ lần bác mắng ai đó (tôi quên mất) về vụ "công bố" chữ "Mạt" trên báo TTVH rất chính đáng.

    ReplyDelete
  20. Lâu lắm không thấy bác Đông A post bài thơ Haiku nào rồi. Mải mê bút chiến quá...
    Cho em hỏi có phải có bài Haiku mà khi dịch sang tiếng Việt là: "Anh là muối ướp lòng em tươi mãi" không bác?

    ReplyDelete
  21. @ Chu nam Cuong. Bạn cứ để ý các con dấu từ xưa tới nay sẽ thấy: Hầu hết các hàng chữ / đặc trưng hoặc logo / biểu trưng của đơn vị ban hành con dấu thường sẽ được bố trí ở giữa, ngoài ra phần phụ chú (nếu có) thường ở xung quanh.

    ReplyDelete
  22. @ Mr. Trần: Vâng, quả là thế bác ạ. Phần chính (ở giữa, chữ lớn) phải là "nội dung" và "mục đích" của bất kỳ loại "con dấu", ấn triện nào; phần phụ chú luôn nhỏ hơn, để xung quanh hoặc phía dưới. Ấn "Trần miếu Tự điển" cũng phải vậy. Vậy nên hàng chữ "Tích phúc vô cương" chỉ là phụ chú, không phải là mục đích chính để xử dụng ấn này.Cám ơn bác!

    ReplyDelete
  23. Báo TP thì vẫn chưa có đoạn kết bác ơi: [http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=190213&ChannelID=2] . Nếu bác rảnh, bác xử luôn VNN đi bác, cũng chuyện chữ nghĩa, lịch sử tầm bậy nữa: [http://www.tuanvietnam.net/2010-03-30-thuc-hu-chuyen-nguoi-viet-nhay-mua-trong-le-te-ma-vien]

    ReplyDelete
  24. Vấn đề Mã Viện là một vấn đề phức tạp trong tín ngưỡng Việt Nam. Người Việt thờ thần cũng rất phức tạp, thở đủ kiểu, ác thần, dâm thần... Gò Đống Đa cũng có đền thờ Sầm Nghi Đống. Tài liệu của Trung Quốc thì tôi còn có thể kiếm được, chứ tài liệu của Việt Nam thì bó tay. BBC có bài viết về tục thờ Mã Viện từ mấy năm trước:

    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/entertainment/story/2005/06/050629_mavienextract.shtml

    ReplyDelete
  25. http://www.tienphong.vn/Phong-Su/503111/Su-that-an-Den-Tran-o-Thai-Binh.html Câu chuyện vẫn chưa có đoạn kết như bác muốn, bác Đông A ơi!

    ReplyDelete
  26. Đấy là ấn ở đền ở Thái Bình, không phải ấn ở đền Trần Nam Định. Chúng chẳng có liên quan gì với nhau. Cái đền ở Thái Bình cũng là đền mới xây.

    ReplyDelete
  27. Nhưng mà cũng kỳ quái có những người cứ thích tương những thứ vốn thuộc chuyên môn hẹp lên mặt báo đại chúng. Tôi chịu không thể nào hiểu được cả báo chí Việt Nam lẫn những người được gọi là có chuyên môn.

    ReplyDelete
  28. Tôi liếc qua quả ấn đền Trần ở Nam Định, cũng là ấn mới làm, rõ ràng là khắc sai. Loạt bài Đông A bênh vực quả ấn này chỉ là một mớ tư biện cấp thấp thôi. Mới rồi, tôi có hỏi cánh thợ khắc ấn ở Hà Nội, mới hay là được khắc ở phố cổ (bác Đông A muốn khắc thì thôi cho địa chỉ). Tôi đọc bài về ấn ấy trên Tiền phong, thấy tay nhà báo ấy viết không được chặt chẽ lắm, nhưng dẫu sao còn thuyết phục hơn loạt bài của Đông A trên blog nhiều.
    Ở bài về ấn đền Trần tại Thái Bình, tay này viết oách hơn, cánh Thái Bình không cãi lại được, vì trò bịp của họ đã bị lật tảy rồi.
    Tôi xem cả bài tay này đăng ở trang Bô-xít, có thêm đoạn nói về ông họ Chu, cho là ông ta tên là Chu Tại Văn. Cái đó đúng, nhưng khi nói hai chữ "Nhật Lợi" có thể là tên tự hoặc tên hiệu của ông họ Chu kia thì sai bét. Từ đó cho thấy tay này không phải chuyên gia ấn chương.
    Tôi thấy cánh quan chức Thái Bình và Nam Định rõ bậy, đem đồ rởm về dùng, còn mời cả Chủ tịch nước về đóng, rồi phát/ bán cho nhiều vạn dân... việc làm như thế là "khinh cợt quỷ thần, coi thường muôn dân, 'khi quân' phạm thượng", xưa, tội này có lẽ phải chém không chỉ một tên. Vậy mà Đông A có vẻ lại muốn bảo vệ cánh ấy, hay là bác có hợp tác làm ăn với họ, hoặc giả là "môn hạ" của đám ấy chăng? Tự nhiên tôi nhớ cái "mặc cảm dòng chính" của Đông A mà thấy nó rất ngớ ngẩn và rẻ tiền.
    Tôi cho báo chí cần có những bài thế này, để vạch mặt bọn bậy bạ, làm trong sạch môi trường văn hóa. Tôi thấy bài Tiền phong đã đăng ai đọc cũng hiểu cả, không chỉ vạch ra nguồn gốc của quả ấn đền Trần Nam Định mà còn đánh động về phong trào "khai ấn" đang ngày càng có xu hướng lan rộng. Thế mà tại sao Đông A lại không hài lòng, cho là "chuyên môn hẹp" nhỉ?. Chả lẽ theo bác thì báo chí chỉ cần lá cải thôi chăng? hay là báo chí thì cần bảo bảo vệ bọn buôn thần bán thánh kia?
    Độ này xem bài bác Đông A viết thấy nhiều chỗ lẩm cẩm quá!
    Tôi nghĩ bác Đông A nên dịch mấy bài thơ, hoặc sớt hoa cỏ đưa lên cho bà con xem là hợp nhất.
    Tôi đánh giá cao nhất về Đông A về trình độ sớt, dù có đôi lúc cũng chưa xuất sắc lắm.

    ReplyDelete
  29. Tôi thì lại cho rằng nói mà không có bằng chứng là vô nghĩa.

    Truyền thông đại chúng không thể đăng những bài đòi hỏi kiến thức chuyên môn, vì ban biên tập không thể phản biện được. Những bài đòi hỏi kiến thức chuyên môn đã có các tạp chí chuyên ngành, nơi có các chuyên gia cùng lĩnh vực phản biện. Nếu vấn đề là vấn đề mà đại chúng có thể quan tâm thì tờ báo có thể đề cập tới vấn đề đấy bằng cách lấy ý kiến một vài chuyên gia va những người liên quan trong lĩnh vực đang bàn tới để độc giả tham chiếu, chứ không phải đăng một bài viết thuộc chuyên môn riêng biệt thể hiện ý kiến của một người. Chẳng hạn chuyện ấn này, báo có thể hỏi ý kiến các chuyên gia ấn chương, hỏi Bộ VHTTTD, hỏi địa phương... Tất nhiên tôi nghĩ rằng những việc như thế quá sức và quá tầm của Ban biên tập báo Tiền phong. Trình độ của báo thiếu niên, nhi đồng khó có thể kỳ vọng được gì. Chẳng thế mà chuyện người ta bịa ra chuyện phỏng vấn phố cổ với UNESCO để đùa chơi mà không phân biệt được nổi.

    Một người nghiên cứu chuyên nghiệp không bao giờ lại đi đăng những thứ tìm tòi, nghiên cứu trên báo đại chúng. Người nghiên cứu chuyên nghiệp luôn cần phản biện chuyên nghiệp lại nghiên cứu của mình trước khi công bố chính thức. Tôi thấy, chỉ có những người nghiên cứu nghiệp dư của xứ An-na-mit mới thích đăng các thứ gọi là nghiên cứu ở báo đại chúng.

    ReplyDelete
  30. Bác nói như thể bác là người nghiên cứu chuyên nghiệp. Thế mà bác lại coi bài trên Tiền phong kia là bài nghiên cứu, trong khi nó cũng chỉ nhàng nhàng là bài báo chí thôi, cho thấy bác đề tay tác giả quá, đồng thời cũng lộ ra chất nghiệp dư của mình rồi.
    Với cánh báo chí, đăng bài này ráng họ có hỏi người nọ người kia rồi.
    Tôi thấy Tiền phong có trích đăng cái công văn của Cục Di sản. Đây có thể là chỗ dựa để họ quyết định đăng cũng nên.
    Bác viết "Chẳng hạn chuyện ấn này, báo có thể hỏi ý kiến các chuyên gia ấn chương, hỏi Bộ VHTTTD, hỏi địa phương... Tất nhiên tôi nghĩ rằng những việc như thế quá sức và quá tầm của Ban biên tập báo Tiền phong". Bác viết thế là sai toét, cánh báo ấy đi hỏi mấy chỗ kia có gì mà quá sức. Điều thú vị là tôi có hỏi mấy chỗ quen, mới hay là sở dĩ có công văn nói trên vì trước đó, người ta đã lập một Hội đồng giám định quả ấn, Hội đồng đó của Bộ Văn hóa, mà thành phần gồm 1 phó GS, 2 tiến sĩ, 1 thạc sĩ, là các vị chức sắc đại diện Cục Di sản mà mấy bảo tàng lớn ở Hà Nội; mời thêm TS Nguyễn Công Việt ở Viện Hán Nôm. Phía còn lại của Hội đồng là 4 vị chức sắc của Sở Văn Hóa Thái Bình. Trong số này, có lẽ chỉ có ông Nguyễn Công Việt có nghiên cứu về ấn chương, số còn lại có lẽ cơ bản là không biết gì về cái này. Xem biên bản giám định (ngày 7 tháng 5 năm nay), thấy phần mô tả quả ấn, đo đạc nọ kia thì chi tiết, phần kết luận chỉ tàm tạm, còn sai nhiều kiến thức sơ đẳng (chẳng hạn nhìn rồng Hán thì bảo là chi tiết thường thấy trên đồ đồng hồi Thương - Chu...). Ở nước ta, có một số ít người dụng công tìm hiểu về ấn chương, song hình như chuyên gia thì hơi ít. Bác bảo hỏi chuyên gia, vậy thì anh báo chí hỏi ai? ông Việt chăng? Hỏi Bộ Văn hóa? là mấy vị trong hội đồng kia chăng? Hỏi địa phương? là mấy vị đại diện địa phương có mặt trong hội đồng kia chăng? Ô hô, nếu mà biết thì họ đã không đem quả ấy tầm bậy ra đóng lăng nhăng như thế. Cho nên tôi nói bác lẩm cẩm là cấm có nó oan cho bác đâu.

    ReplyDelete
  31. Ồ, thế nào là 1 nghiên cứu cũng là câu hỏi hay đấy. Nhưng có những thứ đòi hỏi kiến thức chuyên môn nhất định mà đại chúng thì không thể nắm vững được. Ví dụ như bài về ấn đền Trần ở Nam Định, ông Lý Sinh Sự ở báo Lao Động đọc đã không thể nắm bắt được nội dung là một ví dụ minh chứng.

    Người đọc cần biết các ý kiến của những người khác nhau như chuyên gia, hay những người có liên quan, không phải vì ý kiến của họ nhất định đúng, mà vì đó là những ý kiến đem lại những điểm nhìn tham chiếu cho người đọc. Đấy là cái độc giả cần, những điểm nhìn tham chiếu, bất kể những ý kiến đó như thế nào, thực sự đúng hay thực sự không đúng. Có được những điểm nhìn tham chiếu, độc giả mới dựa trên những tri thức của mình vốn có, đánh giá về vấn đề đang xảy ra. Không nhìn thấy được những điểm nhìn tham chiếu trong một vấn đề, chỉ nhìn thấy một cách nhìn, một cách đánh giá là biểu hiện không đủ sức lẫn cả khả năng. Chuyện phố cổ là ví dụ rõ ràng nhất. Nếu hỏi ý kiến của những người liên quan đến phố cổ thì đã không mắc hỡm. Nhưng vì đã không nhận ra sự cần thiết của những điểm nhìn tham chiếu, chỉ nghĩ rằng hỏi ý kiến những người liên quan là vô bổ, không cần thiết, cho nên cơ sự nó mới ra nông nỗi như vậy.

    ReplyDelete