Bài mới

Nhận xét mới

Bàn về khai ấn

Nhân chuyện nghi ngờ về ấn đền Trần mà nảy sinh ra vấn đề lễ khai ấn có thật hay không trong lịch sử. Phần trước tôi đã trích dẫn một số tài liệu cho thấy thư tịch lịch sử có chép về khóa ấn, khai ấn, phong ấn, phất thức. Các hoạt động này chỉ là định lệ. Đến thời Minh Mạng phong ấn và phất thức mới trở thành điển lệ ở triều đình. Còn ở các địa phương phong ấn và khai ấn chỉ như là định lệ, đóng vai trò như đánh dấu ngày bắt đầu nghỉ làm việc và ngày bắt đầu làm việc trong dịp lễ Tết. Nhưng ở đây cũng thấy rằng phong ấn và khai ấn được ghi trong thư tịch lịch sử là các hoạt động của bộ máy công quyền. Vậy các đền, điện thờ có định lệ phong ấn và khai ấn không? Tôi nghĩ rằng các định lệ này quá nhỏ để có thể được ghi chép trong thư tịch. Song một điều tất yếu chắc phải xảy ra là nếu có ấn được sử dụng thì khả năng có định lệ phong ấn và khai ấn là khá cao. Vậy ấn ở đền, điện thờ được dùng vào việc gì? Ấn ở đền, điện thờ được dùng để đóng dấu lên các bùa chú. Các bùa chú có thể có các loại khác nhau như để trừ tà, đuổi yêu, chữa bệnh... Tờ ấn ở đền Trần cũng không phải là ngoại lệ. Đó là một dạng bùa chú. Hàng chữ "Tích phúc vô cương" thể hiện rất rõ đấy là bùa chú, bởi vì lá bùa này ban phúc vô cùng cho người có nó. Do vậy có thể tin rằng lễ khai ấn ở đền Trần là một định lệ, đánh dấu ngày bắt đầu hoạt động của đền Trần trong việc cung cấp bùa chú. Tôi tin rằng có lễ khai ấn thì bắt buộc phải có lễ phong ấn vào dịp sát Tết.

Bùa chú là một tín ngưỡng dân gian. Đây là phong tục hay đây là hủ tục? Tôi thấy các đền chùa ở Nhật Bản cũng bán các túi bùa nho nhỏ đeo vào người để trừ tà đuổi yêu. Bùa chú về một mặt nào đó cũng có tác dụng tích cực về mặt tâm lý. Do vậy cũng không nhất thiết phải xóa bỏ bùa chú. Chỉ cần xóa bỏ các hoạt động mê tín có tác hại cho con người như đốt bùa chú lấy nước uống chữa bệnh. Nhưng có một vấn đề quan trọng ở đây là có nên biến các định lệ mang tính chất tín ngưỡng dân gian như hoạt động khai ấn tạo bùa chú thành điển lệ quốc gia? Tôi cho rằng không nên. Chính quyền không ngăn cản các hoạt động như vậy, song cũng không nên tham gia vào. Bởi vì chính quyền không thể là một quyền thế tín ngưỡng.  


1 comment:

  1. Bài này bác Đông A viết rất hay. Xin cảm ơn đã cho đọc.

    ReplyDelete