Bài mới

Nhận xét mới

Hội hè

Bakhtin từng viết như sau về hội hè:

"Hội hè (dưới mọi hình thức) là một yếu tố nguyên thủy rất quan trọng của văn hóa loài người. Không thể lấy những điều kiện và mục tiêu cụ thể của lao động xã hội hoặc nhu cầu nghỉ ngơi của cơ thể con người để giải thích nguồn gốc phát sinh và lý do tồn tại của hội hè . Mọi thứ hội hè bao giờ cũng có ý tứ sâu rộng, với nội dung thế giới quan trọng đại. Không một sự “tập luyện” tổ chức và cải tiến lao động xã hội, không một sự mô phỏng quá trình lao động và không một sự nghỉ ngơi giải trí nào tự thân chúng lại có thể trở thành hội hè; để trở thành hội hè, chúng phải được liên thông với lĩnh vực khác của cuộc sống - lĩnh vực tư tưởng - tinh thần; chúng phải nhận được sự “phê chuẩn” từ thế giới của những mục tiêu tối cao, tức là những lý tưởng của con người, chứ không phải từ thế giới của những phương tiện và điều kiện tất yếu.

Mọi thứ hội hè đều liên quan mật thiết đến thời gian, nảy sinh trên cơ sở những quan niệm nhất định của con người về thời gian - thời gian thiên nhiên (vũ trụ), thời gian sinh vật và thời gian lịch sử. Trong mọi giai đoạn phát triển của chúng, hội hè đều gắn liền với những giây phút khủng hoảng, những bước ngoặt trong cuộc sống của thiên nhiên, của xã hội và của con người. Trong tinh thần hội hè, nhưng yếu tố diệt vong và tái sinh, biến hóa và đổi mới bao giờ cũng đóng vai trò chủ đạo. Chính những yếu tố ấy dưới nhiều hình thức biểu hiện khác nhau tạo nên cái không khí hội hè đặc thù của ngày hội.

Trong điều kiện của xã hội có giai cấp đối kháng, nhất là của chế độ phong kiến, đặc tính nói trên của hội hè, tức là tính gần gũi của chúng với mục tiêu tối cao của cuộc sống con người, với sự hồi sinh và đổi mới của vạn vật chỉ có thể được thể hiện một cách đầy đủ, đích thực và trong sáng ở hội giả trang và các hội dân gian khác. Những hoạt động hội hè ấy đã thực sự trở thành cuộc sống thứ hai của nhân dân, trở thành những hình thức thoát ly tạm thời thực tại hiện hữu để “nếm mùi” hiện thực lý tưởng - hiện thực của tự do, bình đẳng, đại đồng và sung mãn."
(Bản dịch của Phạm Vĩnh Cư)

Bakhtin phân biệt hội hè (lễ hội dân gian) với lễ hội nhà nước và lễ hội tôn giáo. Ông cho rằng hội hè là "cuộc sống thứ hai của nhân dân", một hình thức "thoát ly tạm thời thực tại hiện hữu để "nếm mùi" hiện thực lý tưởng - hiện thực của tự do, bình đẳng, đại đồng và sung mãn" (câu này Phạm Vĩnh Cư đã giải thích thêm lời của mình vào, nguyên tác chỉ là "Những hoạt động hội hè ở đây đã trở thành một hình thức của cuộc sống thứ hai của nhân dân, gia nhập tạm thời vào đế chế không tưởng của đại đồng, tự do, bình đẳng và phồn vinh").

Đối chiếu quan niệm về hội hè của Bakhtin vào các lễ hội ở Việt Nam có thể thấy những khía cạnh lý thú của chúng. Ví dụ như hội phát ấn đền Trần. Phát ấn đền Trần trở thành một hình thức của cuộc sống thứ hai của nhân dân, bởi vì nền chuyên chính vô sản đã xây dựng và kiểm soát một hệ thống tổ chức nhân sự chặt chẽ, mà ở đấy dường như nhân dân không có vai trò gì có thể tham gia vào tổ chức nhân sự đấy. Như vậy, phát ấn đền Trần là một hình thức tạm thời thoát ly hiện thực, để gia nhập vào một giấc mơ của bình đẳng và phồn vinh trong sự nghiệp. Mỗi lá ấn là một biểu hiện của bình đẳng và phồn vinh trong sự nghiệp. Điều này giải thích vì sao dân chúng tham gia một cách tự nguyện và hăng hái, bất chấp cả nguy hiểm tính mạng vào đêm phát ấn. Đó là khoảnh khắc thăng hoa khỏi hiện thực với ước mơ về một hiện thực bình đẳng và phồn vinh. Những giải thích theo kiểu lý do mê tín, buôn thành bán thánh, khoảng trống trong tâm linh sau một thời gian dài theo lý tưởng cộng sản hay phản ánh sự bát nháo của xã hội đều không thích hợp, và chưa thấy được bản chất của hội hè dân gian. Làm sao có thể giải thích được sự tham gia vào đêm phát ấn ở đền Trần của cụ già trong ảnh?  Cụ già đâu còn mong được thăng quan tiến chức gì? Điều đó chỉ có thể lý giải được bằng "cuộc sống thứ hai của nhân dân" được phê chuẩn bằng lý tưởng tối cao của con người: bình đẳng, tự do, đại đồng và phồn vinh. Tham gia vào đêm hội hè đấy là thực hiện cuộc sống thứ hai của mình, một tạm thời thoát ly hiện thực, gia nhập vào một thế giới lý tưởng của bình đẳng và phồn vinh. Người ta sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng của mình vì lý tưởng như vậy, mặc dù không nhận thức được động lực đã thôi thúc mình tham gia vào cuộc hội hè đầy hiểm nguy. Chỉ có những lý tưởng cao cả của con người như vậy, cho dù chỉ là một thứ không tưởng và tạm thời, mới xứng đáng để mạo hiểm tính mạng của chính mình. Đó là điều dễ hiểu.

Hội hè dân gian, như phát ấn đền Trần, có tác dụng làm ổn định xã hội và chính trị, bởi vì ở đấy nhân dân thoát ly khỏi hiện thực, xả ra khỏi mình những bất công của cuộc sống hiện thực, để trở nên cân bằng trở về cuộc sống hiện tại sau khi kết thúc hội hè. Nếu không có hội hè, những bất công trong xã hội tích tụ trong nhận thức của nhân dân, không còn có "cuộc sống thứ hai" để lánh vào hay xả ra, sẽ biến thành lực lượng cách mạng để thực hiện một cuộc sống tự do, bình đẳng, đại đồng và phồn vinh. Đó cũng lý giải tại sao trước khi có những cuộc cách mạng nổ ra, các hội hè bị xếp xó và quên lãng. Như vậy tùy thuộc vào quan điểm muốn ổn định xã hội và chính trị, hay muốn có biến động và thay đổi xã hội mà cổ xúy hay bài xích hội hè. Bài xích và dẹp bỏ hội hè là một con đường nhanh chóng thúc đẩy dân chúng đến với cách mạng tạo ra bất ổn xã hội và chính trị. 

Photobucket


6 comments:

  1. Nhu cầu về tinh thần, vật chất của con người là đa dạng và vô hạn. Một xã hội ổn định phải biết kiểm soát, sắp xếp và thoả mãn các nhu cầu theo thứ tự ưu tiên cho dân chúng thông qua (bởi)nhà cầm quyền(NN). Các dạng lễ hội của con người là hoạt động xh phản ánh cơn đói khát (nhu cầu) của công chúng,chính điều này thường được các tổ chức chính trị (hoặc cá nhân-đạo giáo)tận dụng,ngõ hầu hướng tâm lý công chúng theo hướng mong muốn.
    "Những giải thích theo kiểu lý do mê tín, buôn thành bán thánh, khoảng trống trong tâm linh sau một thời gian dài theo lý tưởng cộng sản hay phản ánh sự bát nháo của xã hội đều không thích hợp, và chưa thấy được bản chất của hội hè dân gian."(trích Đ.A)Nhận định này vu vơ và có tính lưỡng định (giống như)của các thầy dùi láu cá và cơ hội. Bởi,tuỳ thuộc quan điểm, những cách giải thích các hiện tượng xã hội dù phiến diện đến đâu thì nó cũng phản ảnh một mặt nào đó của hiện tượng,góp lên một một cách nhìn tổng quát và xuyên thấu.
    "Đạo 3 đấu" hay cuộc cm nông dân trong lịch sử cận đại Trung Hoa là một ví dụ về sự bức bách của các nhu cầu.(buồn cười là những người tham gia phải góp 3 đấu lương chứ không hề được "phát lương"!)
    Sự lộn xộn và bát nháo của các Lễ hội VN gần đây thể hiện sự mất kiểm soát nhu cầu(cả vật chất và tinh thần) nói chung của chính quyền, có khả năng là tiền đề của những khủng hoảng sâu rộng.
    Và tất nhiên, những người tích cực (như bác ĐA)sẽ cố gắng ngăn chặn,có phải thế không ạ?

    ReplyDelete
  2. Cái entry "chết cháy..." hình như là một "dấu hỏi" của bác, và bác đợi xem phản ứng của chính quyền xem có khá hơn không?
    Bác đóng cửa "còm" cũng phải. :D

    ReplyDelete
  3. Đặc tính quan trọng của hội hè là nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nước và tổ chức tôn giáo. Do vậy, sự can thiệp của nhà nước hay tôn giáo vào hội hè là một việc làm không tưởng. Ngay cả trong trường hợp can thiệp được thì chuyện cưỡng bức này sẽ biến hội hè thành lễ hội nhà nước hay lễ hội tôn giáo, tức là thực chất đã xóa bỏ hội hè.

    ReplyDelete
  4. Tôi cũng có một bộ ấn đền Trần để trên bàn thờ gia tiên, nhưng tôi không có nhu cầu tham gia trực tiếp lễ nhận ấn.

    ReplyDelete
  5. Thực sự ngạc nhiên về sự trong trắng vô tư của bác. Lằn ranh để phân biệt "hội hè" và "lễ hội" chỉ là một chút tính chất của mỗi loại, "hội hè" mang nhiều tính tự phát, "lễ hội" là có tổ chức, có kịch bản. Song cả 2 luôn có 1 trung tâm để khởi phát,dù hạt nhân của hội hè chỉ là Cụ tiên chỉ hoặc 1 nhóm ngươì có thực lực và uy tín.
    Ý nghĩa của cụm từ "truyền thông không truyền thông" là mục tiêu chiêu thức của đạo giáo hoặc chính quyền để can thiệp,hỗ trợ, tài trợ, tổ chức hoặc cả lơ kệ các hội hè và lễ hội dân gian.

    Chắc không ai phản đối Lễ khai ấn và Phát lương, mọi người chỉ kinh hãi sự máu mê của quá nhiều người và có vẻ như được chính quyền khuyến khích dù rất yếu kém trong công tác tổ chức.
    (trân trọng:)

    ReplyDelete
  6. Các Mác nói "tôn giáo là thuốc phiện" ĐCS đã dùng luận điểm này để bài bác tôn giáo, nhưng đến nay hình như họ sử dụng chính chiêu này để ... biến nhân dân thành con nghiện một tương lai ảo, và xã hội "ổn định" như ông Đông A viết:

    "...Hội hè dân gian, như phát ấn đền Trần, có tác dụng làm ổn định xã hội và chính trị, bởi vì ở đấy nhân dân thoát ly khỏi hiện thực, xả ra khỏi mình những bất công của cuộc sống hiện thực, để trở nên cân bằng trở về cuộc sống hiện tại sau khi kết thúc hội hè. Nếu không có hội hè, những bất công trong xã hội tích tụ trong nhận thức của nhân dân, không còn có "cuộc sống thứ hai" để lánh vào hay xả ra, sẽ biến thành lực lượng cách mạng để thực hiện một cuộc sống tự do, bình đẳng, đại đồng và phồn vinh. "

    ReplyDelete