Bài mới

Nhận xét mới

Hoa hồng, tường vi, tầm xuân, mân côi...

Photobucket

Trong các loại hoa, có lẽ, hoa hồng có nhiều tên gọi khác nhau nhất. Hoa hồng, tường vi, tầm xuân, mân côi ... đều chỉ các loại hoa thuộc chi Rosa. Trong quyển Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Đỗ Tất Lợi chỉ liệt kê hai loại cây của chi  Rosa, là tầm xuân và kim anh. Theo Đỗ Tất Lợi, tầm xuân là cây Rosa multiflora, tức là cây tường vi theo cách gọi của người Nhật và người Trung Quốc. Đỗ Tất Lợi cũng chú thích rằng cây Rosa rugosa là cây mai quỷ, mà tôi gọi là mân côi theo tên gọi của người Trung Quốc. Ông còn cho biết, một loại cao lương cho lên men, cất qua hoa mai quỷ làm thành rượu mai quế lộ nổi tiếng của Trung Quốc. Hoa tầm xuân trong tiếng Nga là шиповник, cũng được dùng đồng nghĩa như Роза, tức là hoa hồng. "Cạnh bụi tầm xuân nở hoa đỏ thắm / Là lối đi dưới hàng cây đoạn âm u", câu thơ được nhắc tới trong một truyện ngắn của Bunin, là tầm xuân - hoa hồng đang nói tới. Đấy là các tên gọi chính tắc. Việt Nam lại có câu ca: "Trèo lên cây bưởi hái hoa / Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân / Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc / Em có chồng anh tiếc lắm thay." Nụ tầm xuân xanh biếc này không thể là cây tầm xuân thuộc chi Rosa. Không hiểu tại sao nụ tầm xuân lại nở ở vườn cà. Nụ tầm xuân không hồng hay trắng (giả như tầm xuân trong câu ca chính là tầm xuân theo đúng pháp danh khoa học) mà lại xanh biếc, như một điều bất thường, không ngờ tới, không chờ đợi, như người con gái hóa ra đã lấy chồng mà bao lâu nay cứ tưởng hãy còn son. Không biết câu ca có phải ý tứ như vậy không?

Issa có bài haiku sau:

Furusato ya yoru mo sawaru mo ibara no hana

và tôi dịch như sau:

Cố hương
càng gần lại càng đau
hoa tầm xuân

Ibara là loại hoa tường vi - hoa hồng hoang dã. Bài haiku này Issa viết khi ông trở về thăm quê nhà và viếng mộ người cha của ông. Ông gặp lại người mẹ kế và người em cùng cha khác mẹ, nhưng họ lạnh nhạt với ông vì sợ tranh chấp gia tài thừa kế. Ông ra đi và viết bài haiku trên. Hoa tầm xuân có gai, cách xa trông rất đẹp, nhưng lại gần vồ vập thì lại bị gai đâm. Đó là nỗi lòng tâm sự của Issa. Các nhà thơ Nhật Bản hay viết "Cố hương ...." như bài haiku của Shiki: "Cố hương / là đông anh em họ / cùng với hoa đào". Với Shiki cố hương là hoa đào. Với Issa cố hương là hoa tầm xuân. Với tôi cố hương là hoa gì?   

Photobucket

5 comments:

  1. cho tôi hỏi Bác Đông A là màu hồng hoặc trắng mà nở vào mùa hè, ng ta hay gọi là Tường Vi thì thật ra nó tên gì ?http://farm1.static.flickr.com/83/233981416_87e50091b3_o.jpg

    ReplyDelete
  2. Đấy là hoa bằng lăng. Người ta còn gọi là bách nhật hồng, tử vi. Hoa có màu trắng, hồng, tím, phớt tím. Tôi có viết về hoa này ở đây:
    http://donga01.blogspot.com/2009/09/hoa-bang-lang.html

    ReplyDelete
  3. Người Trung Quốc gọi hoa đấy là tử vi, chứ không phải là tường vi.

    ReplyDelete
  4. cảm ơn bác Đông A, vì hồi tôi còn nhỏ có nghe loáng thoáng vi vi gì đó, và sau này thì thấy trên mạng cũng nói sai.

    ReplyDelete
  5. cho e hỏi muốn mua giống hoa này ở đâu ạ ?

    ReplyDelete