Bài mới

Nhận xét mới

Hoa đào

Hoa đào

Chúng ta thường hay nghĩ hoa đào như một nét đặc sắc của riêng Việt Nam. Tôi nhớ có đọc ở đâu đấy thấy có vị chức sắc từng đề nghị mang hoa đào ra nước ngoài trong tuần văn hóa Việt Nam kiểu như người Nhật khoe hoa anh đào. Nhưng thật ra như tôi thấy hoa đào thật khó có thể nói là nét đặc sắc riêng biệt của người Việt Nam. Điểm thứ nhất, hoa đào ở Việt Nam rất ít chủng loại. Quanh quẩn cũng chỉ có đào bích, đào phai, đào thất thốn, đào rừng. Quảng quần phương phổ của Trung Quốc từng liệt kê tới 13 loại hoa đào khác nhau, như phi đào, nhật nguyệt đào, uyên ương đào, thập nguyệt đào... Đào bích hay bích đào chính là thiên diệp đào trong Quảng quần phương phổ. Cái tên bích đào thoạt nghe sẽ không hiểu là gì. Bởi vì hoa đào thường màu hồng hay đỏ, nhưng chữ bích lại có nghĩa là màu xanh ngọc bích. Làm gì có loại hoa đào màu xanh ngọc bích. Tôi nghĩ nhiều người nói về đào bích nhưng vị tất đã hiểu tại sao nó lại có tên là bích. Bích không phải chỉ màu sắc của hoa, mà để chỉ màu sắc của lá như tên gọi thiên diệp đào, đào ngàn lá. Quảng quần phương phổ nói bích đào có hoa "đạm hồng", hồng nhạt. Điểm này dường như khác với quan niệm ở Việt Nam, đào bích cho hoa có màu đỏ sậm. Quảng quần phương phổ nói có loại phi đào ở Tô châu sắc hoa rất khả ái. Phi là lụa đào, tức hoa đào rất đỏ. Thụy tiên đào cũng cho hoa đỏ sẫm. Điểm thứ hai, người Việt Nam sáng tác không nhiều văn chương, thơ ca nói về hoa đào. Nếu hoa đào là nét đặc sắc của Việt Nam thì tại sao không thấy nó được đưa vào nghệ thuật cổ điển của Việt Nam để khai phá những giá trị đặc sắc của chúng. Về hoa đào người Việt chỉ có một đóng góp, đó là kỹ thuật trồng đào, hãm hoa bằng hình thức "thiến đào". Đào ở Việt Nam có cái dở là không thấy trồng ở ngoài tự nhiên ngoại trừ loại đào rừng, đào cho quả. Các loại đào đều có tên khoa học chung là Prunus  persica.

Shiki có bài haiku sau:

Furusato wa itoko no ooshi momo no hana

Tôi dịch như sau:

Cố hương
là đông anh em họ
cùng với hoa đào

Ở thời hiện đại rất ít người không bao giờ xa quê hương bản quán. Khi nghĩ về cố hương, chúng ta hình dung như thế nào? Shiki nhớ về quê hương. Nơi đấy anh em trong họ còn có nhiều người, và đặc biệt là hoa đào nở. Hoa đào nở là một ký ức về quê hương, dấu ấn trong tâm khảm. Nó lưu mãi trong lòng trên những nẻo đường phiêu bạt. Nhưng đấy là ký ức. Giờ đây ở nơi quê hương đấy hoa đào nở như thế nào, có như xưa không, như cái thưở tụ tập cùng các anh em trong họ. Các anh em đấy còn đông như xưa không, hay đã rơi rụng đi rồi. Đấy là nỗi lòng của một người con xa quê hương. Anh ở xa và anh không còn biết quê hương giờ thực sự như thế nào. Hoa đào và  anh em trong họ là nỗi khắc khoải khôn nguôi về quê hương, về tuổi thơ, về những trò chơi thưở thiếu thời. Tất cả đã xa rồi, cả về thời gian và không gian. Chỉ còn cô đọng lại hai chữ "cố hương". Có một đồng nghiệp của tôi nói rằng anh ta không biết đâu là quê hương của anh. Gia đình anh thường xuyên di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác. Ký ức của anh là những chuyến chuyển nhà. Di động và bất định. Không có hoa đào cũng như anh em trong họ. Không phải ai cũng có một cố hương.

Hoa đào

No comments:

Post a Comment