Bài mới

Nhận xét mới

Quá khích hay quá kích?

Trên facebook bác Linh có đặt vấn đề về cách dùng từ militant trong bản tin của AFP: "At least 16 militants have been jailed since last October, including another lawyer, Le Cong Dinh, and a young French-trained Internet blogger, Nguyen Tien Trung.". Cách dùng từ militant này thật đặc biệt, bởi vì từ này hay xuất hiện để chỉ các phần tử khủng bố ở Trung Đông. Tra trên wiki thấy từ militant này thật đa dạng trong cách sử dụng, vừa có thể chỉ các phần tử khủng bố như là một cách để tránh nói là khủng bố, vừa có thể trung tính, khác với từ khủng bố hay du kích. Không rõ AFP có dùng từ vội vã không và có định ám chỉ hay hàm ý gì không.

Nhưng ở đây tôi muốn nói đến chuyện khác. Từ wiki tiếng Anh của mục từ militant, tôi thấy có tiếng Nhật thế là bấm vô xem người Nhật gọi militant là gì. Wiki tiếng Nhật cho biết đó là "quá kích phái". Đến đây tôi mới phát hoảng vì tôi vẫn thường dùng trong tiếng Việt là "quá khích". Hoảng quá tôi phải tra Hán ngữ từ điển xem "quá kích" và "quá khích" như thế nào. Hán ngữ từ điển có cả hai mục từ "quá kích""quá khích". Hán ngữ từ điển giải thích "quá kích" giống như wiki tiếng Nhật, là để chỉ các phần tử extremist, trong khi đấy "quá khích" lại để chỉ một quãng thời gian chốt lát, vụt qua, như trong sách Trang tử có câu: "nhân sinh thiên địa chi gian, nhược bạch câu chi quá khích", có nghĩa là con người sống trong khoảng trời đất giống như ngựa câu trắng vụt qua, mà chúng ta thường hay nói là "bóng câu qua cửa". Như vậy phải chăng người Việt chúng ta đã dùng sai từ? Đáng lẽ phải là "quá kích" thì chúng ta lại nói là "quá khích". Để kiểm tra về phát âm của "kích" và "khích" này tôi tra thiết âm của "kích" là "cật nghịch thiết", và "khích" là "khất nghịch thiết" hay "khỉ kích thiết". Như vậy phát âm "kích" và "khích" đúng như vậy. Vậy tiếng Việt chúng ta vẫn toàn dùng sai hay sao? "Quá kích" chứ không phải là "quá khích".

26 comments:

  1. Trong tieng Phap tu militant duoc dung voi nghia nhe nhang hon, co the de chi 1 nguoi theo duoi 1 niem tin nao do hoac ung ho nhiet tinh ai do.

    ReplyDelete
  2. Cái này của bác rất hay. Em xin có ý mọn thế này:
    Bác chiết tự thì như vậy. Nhưng bây giờ bác dùng "quá kích" coi có ai chấp nhận bác không? Tôi nghĩ là không. Vì "quá khích" đã trở nên quá quen thuộc rồi, quen thuộc đến mức trở thành đúng. Còn "quá kích" dù đúng, nhưng lại lạ lẫm. Bây giờ bác thử làm một cuộc vận động toàn dân dùng từ "quá kích" xem có thành công không? Chắc là không.

    Đó là em lý luận luẩn quẩn cho vui.

    Chứ đơn giản em nghĩ nó là thế này. Bác thử đặt câu hỏi:

    "Quá kích" đúng nhưng đúng với ai? Đúng với người Hán. Còn "quá khích" đúng với ai? Đúng với người Việt. Chúng ta là người Việt và chúng ta nói tiếng Việt cho người Việt hiểu, chứ đâu phải chúng ta nói và viết để giải thích cho người Hán đâu.

    ReplyDelete
  3. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  4. Còn militant thì em hiểu là mấy thằng cha vũ trang không thuộc chính phủ - đó là khủng bố hay du kích quân thì tùy trường hợp cụ thể mà dịch.

    Còn chuyện gọi ông Định là militant quả hơi lạ. Hay là AFP nhầm luật sư này với Trương Công Định?

    ReplyDelete
  5. Quan điểm của Mr. Do là sai lâu thành đúng. Nhưng vấn đề ở đây là ngôn ngữ. "Khích" có nghĩa gì? Tra trên Thiều Chửu ra được 3 nghĩa:
    - Cái lỗ hổng trên tường, trên vách
    - Lúc nhàn hạ
    - Oán

    Vậy có nghĩa nào hợp với từ "quá khích"?

    ReplyDelete
  6. Đúng là trong tiếng Pháp "militant" có nghĩa là người đấu tranh bình thường thôi. Một người biểu tình hòa bình phản đối gì đó cũng gọi là militant, chiến sĩ vì nữ quyền cũng là militant.

    Nếu trong tiếng Anh "militant" không có sắc thái đó thì nhiều khả năng người viết bản tin đó bằng tiếng Anh là người gốc Pháp, và rơi vào một trường hợp "faux-ami".

    Vụ "quá kích" của bác là là một phát hiện rất hay đấy.

    ReplyDelete
  7. @ Bác Linh: Kiểu này cũng giống mấy thằng Pháp nói tiếng Anh ấy nhỉ. Nói tiếng Anh nhưng nhấn nhá kiểu Pháp.

    @ Bác Đông A: Tất nhiên là tôi không có ý phủ nhận ý kiến của bác. Lâu nay tôi cũng nghĩ là "quá khích", không bao giờ nghĩ tới "quá kích", hôm nay mới biết. Bác phát hiện ra chuyện này thì tôi mới nhận ra "quá kích" chắc có bà con với "kích động", "kích dục", "kích thích"... Hehehe. Đó là tôi ăn ốc nói mò.
    Còn "quá khích" thì không thấy bà con gì với mấy từ có yếu tố kích động cả. Nhưng mà người ta dùng quá quen rồi, nên chăng chấp nhận nó như một từ mang nghĩa độc lập, không phải là từ quá + khích (kích).
    Mà chuyện sai sai đúng đúng này đâu chỉ có người Việt ta.
    Cả thế giới văn minh hiện vẫn gọi thổ dân da đỏ bên châu Mỹ là "người Ấn Độ" theo sau sai lầm của mấy cha nội thám hiểm ngày xưa đấy thôi.

    ReplyDelete
  8. Bác Đông A, có hai từ "khích bác" và "kích bác" mọi người cũng hay dùng lẫn và nghĩa có vẻ như nhau thế nên em đoán (mò) là người Việt cũng hay dùng lẫn "khích" và "kích", trong trường hợp "quá kích" thì lại có thêm yếu tố là phát âm qu và k liền nhau người mình nói hơi khó vì vậy mà nói chệch sang "quá khích" cho dễ hơn chăng?

    Đấy là em cứ đoán liều thế bác ạ.

    ReplyDelete
  9. Trời, bác này là Nhị Linh. Nhầm qua bác Linh. Xin lỗi!

    ReplyDelete
  10. Tôi lại nghĩ biến âm giữa k và kh là đặc trưng chuyển biến ngôn ngữ Việt Nam. Ta hay nói Kích động/ Khích động. Tôi mới đoán thôi, bác đi theo hướng này thử.

    ReplyDelete
  11. Có lẽ là vậy, nó có 2 cách đọc là kích và khích như "khích lệ", nhưng lại "cảm kích". Nhưng tôi chưa tìm được cách đọc "khích" từ đâu ra.

    ReplyDelete
  12. Tôi google ra được đoạn trích dẫn sau do Hoa Bằng viết:

    “Trong Hán Việt tân từ điển (1950) cụ Hoàng Thúc Trâm còn nêu ra nhiều chữ mọi người lầm để khôi phục lại cái đúng đưa vào sách: uỷ mị (uỷ mĩ), thống kê (thống kế), ảo giác (huyễn giác). Nhưng rồi cụ cũng đành chịu thua, ghi cả hai chữ khi thấy cái lầm phổ biến quá: điền kinh (điền kính), quá khích (quá kích)...Tuy vậy, cụ Hoàng không coi là lầm khi ghi nhận trong từ điển bao nhiêu là chữ chỉ có trong tiếng Việt hoạc theo nghĩa riêng của người Việt. Cụ gọi đó là từ Việt dụng” (Lê Xuân Mậu, tạp chí Ngôn ngữ và đời sống số 8/2000).

    ReplyDelete
  13. "militant" được hiểu chung nhất trên báo chí và trong ngôn ngữ nhiều nước là dân quân có yếu tố vũ trang và bạo động. AFP dùng từ militant cho LCĐ và NTT là không đúng với hình thức đấu tranh của họ.

    Còn vụ quá kích hay quá khích em nghĩ chẳng cần băn khoăn lắm. Ngôn ngữ có tính xã hội và võ đoán mà. Tiếng Việt có nguồn gốc từ Hán nhưng phát triển và thay đổi trong xã hội Việt đôi khi chẳng cần lý do. Mai này, có lẽ nhiều người không nói ối trời ơi, ối giời ơi nữa mà nói úi dùi ui. Lại tội nghiệp bác Đông A tra từ điển chữ dùi. Hehe,

    ReplyDelete
  14. Dạ, em cũng là Linh, không dám tham gia bình luận, chỉ hỏi ý kiến thôi ạ.

    Hồi còn đi học, thày giáo dạy chuyên văn có đưa ra vi dụ về chuyện "sai lâu thành đúng" với "vênh như bố vợ phải đấm". Thày nói, đúng ra là "vênh như khố dợ phải lấm" nhưng dân gian dùng sai lâu rồi và dần dần giải thích theo chiều hướng thuận cho cách dùng" vênh như bố vợ phải đấm" nên nó mặc nhiên được dùng thông đụng hơn trong ngôn ngữ nói( đôi khi cả viết).
    Em cũng chẳng hiểu thế nào, nhưng một hôm thử mượn situation để dùng " vênh như khố dợ phải lấm" thì bị hỏi lại ngay: Mày nói gì cơ?.

    Túm lại là chẳng ai hiểu gì cả.

    Các bác toàn bình luận rất nghiêm túc, câu cú cẩn thận nên em rất ngại, nhưng hỏi thì vẫn thích hỏi. Các bác có thời gian và có hứng thú thì giải thích giùm nhé.

    Em thấy ý của bác Đỗ "...nên chăng chấp nhận nó như một từ mang nghĩa độc lập, không phải là từ quá + khích (kích)" không tồi tý nào ạ.

    ReplyDelete
  15. "Khố rợ phải lấm", có người giải thích là phương ngôn Thanh Hóa, sau này bị đọc chệch đi thành "bố vợ phải đấm". Hiện tượng này không lạ trong số các thành ngữ, nhất là thành ngữ gốc Hán, như "lang bạt kỳ hồ" hiện nay đại đa số người Việt Nam hiểu sai hết so với nghĩa gốc.

    Hóa ra quyển của Hoàng Thúc Trâm có nói tới hiện tượng "quá khích"/"quá kích" rồi, cám ơn bác donga đã chịu khó đi tra.

    ReplyDelete
  16. Cảm ơn bác Nhị Linh.
    Em lại còn viết sai chính tả cái câu " khố rợ phải lấm" nữa mới đau chứ.

    ReplyDelete
  17. "Khố rợ phải lấm" nghĩa là "khố của bọn mọi rợ bị lấm (bùn)" đúng ko?

    ReplyDelete
  18. Về từ militants, các từ điển dịch là "người đấu tranh". Cũng giống như BBC, tôi nghĩ ở đây không có vấn đề gì lắm

    ReplyDelete
  19. Phiền bác Nhị Linh giải thích cho mọi người rõ thành ngữ "lang bạt kỳ hồ" có nghĩa gốc là như thế nào nhỉ?
    Còn về vụ "militants" thì chẳng thấy có vấn đề gì, cả khi nó được hiểu theo nghĩa là đấu tranh có vũ trang và một chút "tiền" bạo động.

    ReplyDelete
  20. Chuyện đông chuyện tây trên Kiến thức ngày nay

    Câu hỏi : Theo tôi được biết thì câu '' lang bạt kỳ hồ '' là một câu trong Kinh Thi. Nó không có nghĩa là sống lang thang rày đây mai đó. Tại sao người VN lại dùng nó theo nghĩa này ?

    Ông An Chi trả lời : Đúng như ông nói, Lang bạt kỳ hồ là một câu trong Kinh Thi của Trung Hoa.

    Lang là chó sói, bạt là giẫm đạp, kỳ là một đại từ thay thế cho danh từ lang còn hồ là cái yếm da dưới cổ của một loài thú.

    Vậy lang bạt kỳ hồ là con chó sói giẫm lên cái yếm của chính nó ( nên không thể bước tới được ).

    Hán Việt Tân Tự Điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng và chú như sau : " con chó sói giẫm lên cái phần da cổ của nó, lúng túng không biết làm sao. Chỉ sự lúng túng khó xử. Ta lại hiểu là sống trôi dạt đây đó ( không hiểu tại sao )".

    Điều mà quyển tự điển trên ghi " không rõ tại sao " chính là điều mà ông hỏi, Chung quy cũng là do từ nguyên dân gian mà ra. Không biết được ý nghĩa đích thực của câu đang xét, người ta đã liên hệ các thành tố của nó với những yếu tố mà mình đã biết : lang với lang thang, bạt với phiêu bạt, hồ với giang hồ, chẳng hạn. Thế là thành ra cái nghĩa " sống lang thang rày đây mai đó " như ông đã nêu.

    Chẳng những thế, người ta còn lược bỏ hai tiếng kỳ hồ mà nói gọn thành lang bạt để diễn tả cái ý nghĩa trên đây. Qủa vậy, Từ Điển Tiếng Việt 1992 đã ghi nhận : " lang bạt : sống nay đây mai đó ở những nơi xa lạ ". Nhiều quyển tự điển khác cũng làm như thế vì hai tiếng lang bạt đã trở thành một đơn vị từ vựng thông dụng trong tiếng Việt.

    Từ nguyên dân gian đã tạo ra nhiều trường hợp oái oăm. Xin nêu thêm một thí dụ quen thuộc. Có nhiều người, kể cả nhà văn, nhà báo và nhà giáo, đã dùng yếu điểm thay cho nhược điểm. Họ nghĩ rằng yếu ở đây chính là yếu trong mạnh được yếu thua, yếu thế, ốm yếu....mà không hề ngờ rằng đó lại là yếu trong quan yếu, chủ yếu, yếu lĩnh, yếu nhân .........Thực ra, yếu điểm là điểm quan trọng, còn nhược điểm thì mới là chỗ yếu. Nếu hiểu theo lối từ nguyên dân gian trên đây thì yếu nhân sẽ là người yếu. Nhưng thật ra đó là nhân vật quan trọng.

    ReplyDelete
  21. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  22. Tôi nghe nói từ VẤN NẠN có nghĩa là vặn vẹo, hỏi để làm khó nhau hả bác?

    Tuy nhiên, hiện nay thì người ta sử dụng từ này theo dạng blending của vấn đề + tệ nạn (problems).

    Với lại, các bác cũng cần xét tới sự thay đổi nghĩa của từ theo thời gian. Chẳng hạn, thời Phan Bội Châu hình như khốn nạn có nghĩa là "khó khăn" (khốn khổ khốn nạn), còn thời này có nghĩa là "mất dạy".

    Cái kỹ thuật blending đôi khi tạo ra những từ rất buồn cười. Chẳng hạn: danh lam - thắng cảnh thì thành "danh thắng", giao hưởng và hợp xướng thì thành "giao hợp"...

    ReplyDelete
  23. Chào bác Đông A. Trong bộ từ điển Thiều Chửu cũng có từ "khích" viết dạng này 郤, với nghĩa của nó là "bất hòa" (không hòa hợp?) khi đứng sau chữ "hữu" ví dụ "hữu khích"(有郤). Trong trường hợp này được tg diễn nghĩa là : "Hai bên không hòa hợp với nhau". Bác phân tích theo hướng đó xem sao.

    ReplyDelete
  24. cảm ơn bác ĐôngA và các bác nhiều. Rất bổ ích. Tôi rất yêu thích thành ngữ nhưng bây giờ thấy nhiều thành ngữ đã không còn giữ được ý nghĩa nguyên sơ nữa.

    ReplyDelete
  25. "Câu" là con ngựa non, có sức chạy nhanh, chạy khỏe. Nói "câu" chứ không nói "ngựa câu" bác Đông A ạ.
    LVS

    ReplyDelete
  26. Bác Đông A kính



    Tôi vẫn thường đọc qua blog của bác, nhân thấy có vấn đề kích hay khích được đặt ra rất thú vị nên vội ghi vài ý mọn xuống cùng trao đổi:



    1. Quá kích 激 có trong tự điển HV của Đào Duy Anh (bản tôi tra là 1931). cũng như kích 激 lệ ... Tương tự như trong tự điển Việt Hoa Pháp (1937) của Gustave Hue - không thấy dùng quá khích, khích lệ ...



    2. Khích 激 (không phải kích) có mặt trong Việt Nam Tự Điển (hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo 1954)



    3. Quá kích 激 (quá khích) - hai cách dùng tương đương ghi trong tự điển HV của Nguyễn Văn Khôn (bản tôi tra là 1960)



    4. Tầm Nguyên Tự điển VN (Lê Ngọc Trụ/LNT - 1993) dùng khích (không dùng kích) - cố học giả LNT dựa vào phiên thiết rất nhiều trong cuốn này!



    ...v.v...



    Hiện nay rõ ràng là các cụm từ quá khích, khích lệ ... rất là phổ thông (trong đó có tôi dùng). Xem kỹ Khang Hy (Đường Vận, Quảng Vận/QV, Tập Vận/TV) thì kích quả là cách đọc theo phiên thiết (cát lịch thiết, cật nghịch thiết ...). Tuy nhiên, còn một cách đọc nữa là cát điếu thiết âm khiếu 吉弔切,音叫 (A) cho ta thấy hai hiện tượng: phụ âm cuối tắc đã mất đi (như giọng Bắc Kinh bây giờ là jī) và phụ âm đầu tắc k- đã xát hoá thành phụ âm xát (cuối lưỡi) kh- (hay /x/). Hiện tượng này không thấy trong các tiếng Quảng Đông gik1, Hẹ git1, Nhật geki/keki Hàn kyek ... Vài trường hợp tương tự là khùng - cuồng 狂 (cự vương thiết QV), khăn - cân 巾 (cư ngân thiết TV)...v.v... Trong các từ láy ta cũng thấy cú rú > khú rú ... kềnh - khèn (so với kèn)...



    Ngoài ra khi dùng các từ ghép thì cũng có những thay đổi cho hoà thanh điệu (vowel harmony), điều hoà phụ âm ... Nên khiêu kích có thể trở thành khiêu khích cũng như kích liệt > kịch liệt, nước miệng > nước miếng ...



    Tóm lại, có cơ sở giải thích được phần nào khả năng đọc kích thành khích

    Vài hàng rất tóm tắt thân gởi và cùng đóng góp



    Nguyễn Cung Thông



    (A) 叫 thật ra phải đọc là kiếu (theo phiên thiết - cát điếu thiết, cổ điếu thiết ĐV, TV)

    ----------------

    Đây là lời nhắn bác Thông từ Úc gửi cho tôi: Giao & Du men

    Toi co doc qua bai viet ve ki'ch hay khi'ch cua bac Dong A, voi ghi vai y kien nhung khong post len duoc - neu co the nho hai ban goi cho bac Dong A de bac doc xem sao ...

    Cam on truoc nhe

    Nguyen Cung Thong

    ReplyDelete