Bài mới

Nhận xét mới

Hoa đỗ quyên

Photobucket

岩躑躅染むる涙やほととぎ朱
iwa tsutsuji somuru namida ya hototogishu
Basho

Hoa đỗ quyên đá
nhuộm màu với huyết lệ
cuốc kêu

Bình thường chim cuốc hay đỗ quyên hay tử quy là hototogisu. Ở bài haiku này chim cuốc được viết là hototogishu, với shu được ghi bằng chữ Hán có nghĩa là đỏ. Đây là một thủ pháp nhằm chỉ nước mắt (namida) là do cuốc kêu rỏ máu. Nước mắt của chim cuốc nhuộm đỏ bụi hoa đỗ quyên. Hoa đỗ quyên nở vào đúng dịp cuốc kêu đầu hè. Cả hoa, cả chim đều có cùng tên: đỗ quyên. Một dải cùng chung văn hóa kéo dài từ Nhật Bản, vắt qua Triều Tiên, qua Trung Quốc, xuống đến Việt Nam, cũng hoa, cũng chim, cũng điển tích đấy. Không biết dải văn hóa hoa đỗ quyên, cuốc kêu rỏ máu có kéo dài sang nơi nào khác nữa không? "Đỗ vũ nhất thanh xuân khứ hĩ / Hồn hề quy lai bi cố hương", Một tiếng cuốc kêu xuân đã hết / Hồn ơi về đi thương quê nhà, một đêm trằn trọc bên dòng Hương, Tố Như rỏ lệ viết hai câu thơ hoài nhớ nơi xa cách. "Tòng kim biệt khước Giang Nam lộ / Hóa tác đề quyên đái huyết quy", Từ nay giã biệt Giang Nam mãi / Hóa cuốc về kêu rỏ máu đầm, Văn Thiên Tường một đêm bị áp giải cũng viết về ly biệt với cuốc kêu rỏ máu. "Đỗ quyên khẩu huyết năng đa thiểu / Khủng thị trưng nhân lệ trích thành", Cuốc ra rả máu bao nhiêu đấy / Sợ chính người đi lệ nhỏ thành. Đâu đâu cũng hoa, đâu đâu cũng huyết lệ, đâu đâu cũng biệt ly. Hoa thì đẹp mà sao thảm thương đến vậy?

1 comment:

  1. hoa Đỗ quyên ở Bạch Mã (T.T.Huế) có nhiều,
    không biết ở Việt Nam có phổ biến không?

    ReplyDelete