Bài mới

Nhận xét mới

Đồ mi

Photobucket

Cái đêm hôm đấy đêm gì
Bóng dương lồng bóng đồ mi trập trùng
Chồi thược dược mơ mòng thụy vũ
Đóa hải đường thức ngủ xuân tiêu
Nguyễn Gia Thiều

Đồ mi là thứ hoa tạo cho tôi nhiều băn khoăn nhất. Hoa đồ mi có tên khoa học là Rubus rosifolius hay Rubus illecebrosus, song chú ý phải là chủng loại có cánh kép. Loại hoa cánh đơn của loài Rubus rosifolius trông rất xấu, không thể là thứ hoa đồ mi đã đi vào trong văn chương. Trong tập Mai Viên thảo mộc đồ phổ của Mouri Baien, một nhà khoa học Nhật ở nửa đầu thế kỷ 19, có bức vẽ mô tả hoa đồ mi. Mouri Baien cho biết có thứ hoa đồ mi trắng, vàng và hồng. Hoa đồ mi nhìn thấy giống như hoa lệ đường. Thật ra cũng không có gì đáng ngạc nhiên, vì hoa lệ đường trước khi được xếp vào chi Kerria riêng biệt, vốn có tên khoa học là Rubus japonica. Tôi không chắc bức ảnh tôi chụp ở trên có phải là hoa đồ mi. Nhìn hình dạng hoa trông có vẻ phù hợp với hoa đồ mi. Nhưng có hai đặc điểm khiến tôi hồ nghi: một là hoa nở khi cây gần như không có lá, và khi chụp tôi đã không để ý tới đặc điểm mô tả lá của cây, thành ra khuyết mất một đặc điểm quan trọng để định danh, và hai là không thấy gai trên cành. Theo bức vẽ mô tả hoa đồ mi của Mouri Baien cây hoa có gai trông như cây hoa hồng hay tường vi. Đặc điểm cây ra hoa trước khi có lá rất dễ là hoa thuộc chi Prunus, kiểu như một loại mai hay đào trắng. Nhưng cánh hoa ở đây lại không có vẻ thuộc đào hay mai. Người Nhật hiện đại cũng ít dùng tên gọi đồ mi, họ gọi là tokin-ibara hay botan-ibara (ibara là tường vi, tokin là Đông Kinh, botan là mẫu đơn), cho thấy đồ mi có dạng gần với tường vi. Hoa đồ mi có hương thơm, do vậy không thể lẫn với hoa trà (sơn trà) vốn là thứ hoa không có hương.

Trong câu thơ của Nguyễn Gia Thiều, thược dược chắn hẳn phải là hoa mẫu đơn và hải đường là hoa Malus halliana quen thuộc. Hoàn toàn có thể hiểu được câu thơ của Nguyễn Gia Thiều mà không cần biết hoa đồ mi, thược dược, hải đường trông như thế nào. Nhưng tôi vẫn cảm thấy nếu không biết các loài hoa đó ra sao thì cảm nhận câu thơ của Nguyễn Gia Thiều thiếu hẳn một bề sâu văn hóa. Đó là cách cảm nhận trên bề mặt biểu hiện của ngôn ngữ, thiếu hẳn một nền tảng trầm sâu vững chắc ở dưới cái bề mặt biểu hiện ngôn ngữ đấy. Chẳng hạn, liệu có thể viết: bóng dương lồng bóng lưu ly trập trùng? Rõ ràng là ánh nắng không thể tạo ra bóng hoa lưu ly trùng điệp (không kể tới hoa lưu ly không phải là hoa bản địa của Đông Á). Nhưng liệu Nguyễn Gia Thiều có được cái bề sâu văn hóa đấy không, hay ông cũng chỉ viết theo một cách ước lệ hình thức văn hóa du nhập từ nước ngoài, kiểu như hải đường đi với xuân tiêu. Thật khó mà biết được!

Photobucket


No comments:

Post a Comment