Bài mới

Nhận xét mới

Post lại bài viết cũ

Nhân bác Lưu Văn Say nhắc tới bài Xuân vọng của Đỗ Phủ, tôi nhớ mang máng hình như tôi đã từng thử dịch bài thơ này, thử Google xem, không tìm thấy, nhưng lại thấy mấy bài tôi viết cách đây hơn 2 năm. Giờ đăng lại đọc chơi. Bài thơ về "bạo vũ" của Cao Bá Quát kết bằng câu thơ "Xích nhật hành hà đạo / Thương sinh thán kỷ hồi", một phẫn nộ tột đỉnh của thi ca.


Tôi không biết tại sao tôi lại chợt nhớ tới mấy câu thơ trong bài thơ Xuân vọng của Đỗ Phủ. Nhiều khi những ý tứ chợt đến mà không thể rạch ròi được tại sao, vì sao, từ đâu. Mấy câu thơ này tuy toàn chữ Hán nhưng lại dễ hiểu đối với người Việt, có thể hiểu mà không cần dịch

Quốc phá sơn hà tại
Thành xuân thảo mộc thâm
Cảm thời hoa tiễn lệ
Hận biệt điểu kinh tâm

Người đời thường cho rằng Đỗ Phủ làm bài thơ này vào mùa xuân. Tôi lại nghĩ rằng mùa xuân trong bài thơ đã hết, đã là quá vãng, chỉ còn lại trong mộng tưởng. Tôi vẫn nghĩ "vọng" là một hành động gì đó không thể đạt được. "Xuân vọng" là mơ ước ngắm nhìn một mùa xuân, một hoài vọng với cái vừa qua, vừa mất, vừa mới đây thôi mà giờ đã là dĩ vãng. Thấy những thứ trôi tuột trên tay mà không biết phải làm sao có thể giữ lại và cũng không biết có nên cố giữ lại hay không, hay cứ thuận theo lẽ mà để trôi đi. Cứ phân vân như vậy, cứ rối bời như vậy, như quốc gia ngổn ngang trăm mối, tan hoang trong một sớm một chiều mà sông núi vô cảm trơ trơ giữa trời với đất, như cây cỏ um tùm khi xuân đang trôi tuột qua một mảnh thành, như những bông hoa linh cảm ứa lệ thời vừa mất, như chim muông xao xác nỗi biệt ly. Tôi nghĩ về câu thơ như vậy. Tôi không rõ tại sao lại nghĩ như thế. Mấy câu thơ này chắc đã được bình giảng nhẵn thín trong các trang sách rồi. Nhưng tôi cảm thấy như vừa mới đọc đâu đây, như hiện tại khó nắm bắt và khó hiểu này.


Suốt tối trời mưa. Tôi không chắc có phải là trận mưa đầu mùa không. Mưa đầu hạ. Trận mưa không phải là cơn mưa rào ào ạt, cũng không phải là trận mưa phùn lay lắt. Có chút gì đó lai rai, có chút gì đó dồn dập. Tôi không biết gọi là mưa gì.

Thư phòng của Lỗ Tấn có tên "Khổ vũ", Tô Đông Pha có đề tên đình "Hỷ vũ". Một cơn mưa khổ, một trận mưa vui. Trận mưa tối nay là vui hay khổ? Căn phòng của tôi không có tên, mà nếu như có đặt tên thì chắc gì đã có chữ "vũ".

Người đời hay làm thơ về mưa xuân, mưa thu, mưa đông. Mưa mùa hạ tôi ít đọc thấy. Mưa cũng là một tâm trạng của con người. Nguyễn Trãi nghe mưa suốt đêm thấy "Tiêu tao kinh khách chẩm / Điểm trích sổ tàn canh" (Tiếng lộp độp làm kinh gối khách / Giọt rơi đếm canh tàn). Cao Bá Quát lại thấy "Bạo vũ khuynh thiên lậu / Phi đào táp địa lai" (Mưa dữ nghiêng trời đổ nước xuống / Sóng tung tóe tràn mặt đất). Tôi không biết có bao giờ Nguyễn Trãi hạ bút viết "bạo vũ" hay Cao Bá Quát viết về mưa "tiêu tao" không. Nhưng tôi tin rằng họ không thể viết như vậy. Chẳng phải vì Nguyễn Trãi chẳng bao giờ thấy cơn mưa nghiêng trời đổ nước hay Cao Bá Quát chưa bao giờ nghe tiếng mưa như giọt nước đồng hồ. Họ là những con người với những bản chất khác nhau. Mà những bản chất đó lại rất chân thật ở thơ. Đọc thơ ta thấy những con người, tuy thơ không nói về người mà nói về những trận mưa.

Lý Nghĩa Sơn có viết "Hà đương cộng tiễn tây song chúc / Khước thoại Ba Sơn dạ vũ thì". Không biết bao giờ lại cùng nhau gạt ngọn nến bên song tây để kể cho nhau nghe về đêm mưa ở Ba Sơn. Nghĩa Sơn không viết về "đông song", chữ "đông" cũng hợp luật thơ, ông viết một "tây song". Một mái tây trong một đêm mưa với một ngọn nến hai người. Nhất định phải là mái tây. Cái âm hưởng của mái tây nghe man mác buồn buồn. Ở một nền văn hóa khác rất khó cảm được mái tây cho dù có đọc Vương Thực Phủ đi nữa. Mưa ở Ba Sơn. Mưa ở đó thế nào? Tôi không biết. Tôi chẳng đang nghe tiếng mưa ở Hà thành hay sao?

No comments:

Post a Comment