Bài mới

Nhận xét mới

Sau Auschwitz

Adorno là người Đức. Năm 1938 ông di cư sang Mỹ và trở thành công dân Mỹ. Sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc, năm 1949 ông hồi hương về lại nước Đức. Tôi thấy người Việt thường hay dẫn câu nói này của ông trong bài tiểu luận Phê bình văn hóa và xã hội: "Làm thơ sau Auschwitz là man rợ". Sau Auschwitz người ta không thể làm thơ. Sau Auschwitz mà còn làm thơ thì đấy chính là một Auschwitz. Tất nhiên Adorno đang nói với người Đức, và chuyện làm thơ này là chuyện của người Đức. Người Pháp, người Anh chẳng vì Auschwitz mà không làm thơ, cho dù có tán đồng với Adorno thế nào đi chăng nữa.

Auschwitz là giới hạn cuối cùng của sức chịu đựng của con người. Sau đấy không còn thể chịu đựng được nữa. Tất nhiên Auschwitz là của người Đức, một sản phẩm của triết lý không gian sinh tồn cho chủng tộc Đức siêu việt.

Adorno nói về thơ. Adorno nói về Auschwitz. Ông không nói về thứ khác. Thơ là một hình thức mặc khải, cá nhân và nội tại. Có hình thức nào khác giống như thơ? Có hình thức nào khác giống như Auschwitz? 

Tình thế của Auschwitz là tình thế hiếm hoi. Những tình thế khác, chưa đến giới hạn cuối cùng, có thể dễ xuất hiện hơn. Sau những chuyện như thế mà còn làm được thơ, dễ hình dung hơn. Sau những chuyện như thế mà còn làm được. Chuyện như thế là chuyện gì? Làm là làm gì? ÔI Auschwitz!


1 comment:

  1. Nói về giới hạn cuối cùng của sức chịu đựng của con người, đấy là nói về nạn nhân. Tớ nghĩ Adorno đang muốn nói về thủ phạm. Chính ông cũng có câu:
    "Auschwitz bắt đầu ở đó, nơi một người đứng và nghĩ, đó chỉ là những con vật"

    ReplyDelete