Bài mới

Nhận xét mới

Tại sao phải chọn quốc hoa?

Trong những năm tháng của một thời đã qua nhà thơ Tế Hanh từng chua xót viết câu thơ: "Khi quanh ta toàn những người thiết thực / Thấy bó rau xanh không thấy đóa hoa hồng". Một thời kỳ người ta không còn có cảm giác về hoa, cho hoa là một thứ phù phiếm, vô ích, không được bằng một bó rau xanh. Đó là vì gian khó chăng? Tôi không nghĩ như vậy. Trong những năm tháng gian khổ nhất trong chiến tranh, giữa bom rơi đạn nổ, nhà thơ Dương Hương Ly vẫn viết câu thơ; "Ta vẫn thầm hái hoa tặng nhau". Không phải không có hoa để phải thầm hái, mà là chiến tranh đã chia ly con người, không có cơ hội gặp mặt nhau để tặng nhau những bông hoa thực sự. "Bông hoa vươn thẳng, hắt một tia sáng trắng dịu lên vầng trăng đỏ ối - lúc này đây - giữa không gian khét lẹt và nóng bỏng, anh đã gặp lại hình ảnh này", đây là câu văn trong lá thư của một người chiến sĩ từ tiền tuyến gửi về trong truyện ngắn Có một đêm như thế. Tôi không có trải nghiệm về chiến tranh, không biết những năm tháng khốc liệt đấy, nhưng tôi tin rằng những năm tháng đấy vẫn đầy sắc màu và ngát hương của hoa.

Thế giới ngày nay là một thế giới đa dạng của các bản sắc. Các dân tộc, các đất nước đến với nhau khám phá những bản sắc mà mình chưa biết hay còn xa lạ. Việt Nam đang hội nhập và tham gia vào quá trình toàn cầu đấy. Có nhiều cách, nhiều hình thức, nhiều phương pháp khác nhau để khám phá những bản sắc đó, và mỗi dân tộc, đất nước đều phải sẵn sàng giới thiệu những bản sắc của mình. Đó không phải chỉ là thông lệ, mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ. Hoa là một hình thức khám phá bản sắc. Hoa không phải chỉ có màu sắc và hương vị, hoa còn chứa đựng chính trong nó những tầng lớp văn hóa của mảnh đất nuôi dưỡng nó. Blog của tôi là nơi giới thiệu rất nhiều hoa của vùng Đông Bắc Á, như những khám phá của riêng tôi về những vùng thế giới nơi tôi từng ghé qua. Các quốc gia trên thế giới lựa chọn quốc hoa như một giới thiệu và khẳng định bản sắc của mình qua những bông hoa. Ngắm hoa hải đường tôi nhớ tới Dương Ngọc Hoàn mà thực trên cõi đời này tôi đâu có biết nàng con gái họ Dương đấy như thế nào. Nhìn hoa chămpa tôi như thấy một đất nước Lào với những chùa chiền đất Phật. Thật khó nói, nhưng những bông hoa - quốc hoa như là những sứ giả của các đất nước mang đến cho tôi tâm hồn đất nước và con người của họ. Hoa chứa đựng những thông điệp, những ý nghĩa sâu thẳm mà ngôn ngữ nhiều khi không diễn đạt được. Phật Tổ ngày xưa chỉ lặng lẽ lấy một cành hoa đưa lên và chỉ có Ca Diếp mỉm cười. Thông điệp  trao đổi giữa Phật Tổ và Ca Diếp thông qua một cành hoa. Không phải ai thấy hoa cũng cũng mỉm cười. Cũng như nhà thơ Tế Hanh từng chua xót không phải ai cũng nhìn thấy đóa hoa hồng, những người thiết thực chỉ thấy bó rau xanh thôi.

Có những buổi lễ trong giấy mời ghi rõ yêu cầu người tham dự phải mặc lễ phục. Áo phông, quần bò không thích hợp. Không phải áo phông, quần bò không đẹp, mà vì áo phông, quần bò không thích hợp trong nhận thức chung về buổi lễ đấy. Các nước ASEAN đều có quốc hoa chính thức, ngoại trừ một nước duy nhất là Việt nam. Khuyết quốc hoa của Việt Nam khiến các nước ASEAN thiếu tề chỉnh, không tiến hành được các trao đổi và giới thiệu bản sắc các nước ASEAN với nhau và với thế giới qua hình thức hoa. Một tình thế rất bất tiện cho Việt Nam trong hội nhập với các nước xung quanh và thế giới.  Các nước trên thế giới chưa có quốc hoa cũng ở trong những hình thức bất tiện mà chính họ cũng đang nỗ lực lựa chọn quốc hoa cho mình. Trung Quốc đang tiến hành lựa chọn quốc hoa là một ví dụ. Nhật Bản chưa có quốc hoa chính thức, khác với nhiều người nghĩ, vì họ ở trong một tình thế đặc biệt. Hoa anh đào được coi là biểu tượng của đất nước và con người Nhật Bản, nhưng là một thứ quốc hoa de facto, chưa được Chính phủ Nhật Bản thông qua, bởi vì Hoàng gia Nhật đã có biểu tượng hoa cúc từ lâu trong lịch sử của mình. Đấy dường như là một điều không thể lựa chọn được đối với người Nhật. Việt Nam không ở trong tình thế như nước Nhật và không có lý do gì để mà khước từ lựa chọn quốc hoa. Nếu giữa những quan điểm, ý kiến khác nhau về quốc hoa mà Việt Nam không thể lựa chọn được một quyết định cuối cùng thì điều này chỉ chứng tỏ rằng Việt Nam là một đất nước chia rẽ và mỗi người Việt chỉ biết đến mỗi một mình mình mà thôi. 

2 comments:

  1. Bài này của bác đã đăng trên Tiền phong số 181 Thứ Tư ngày 30-6-2010, 1/2 trang 8 và có tên Nên có quốc hoa và online với link: http://www.tienphong.vn/Van-Hoa/505213/Nen-co-quoc-hoa.html

    ReplyDelete