Bài mới

Nhận xét mới

Mưa và hoa đào

Photobucket

Bài haiku sau của Buson:

Ame no hi ya miyako ni toki momo no yado

và bản dịch của tôi:

Ngày mưa
kinh đô xa cách
ngồi nhà với hoa đào

Buson làm bài haiku này khi ông đang ở chính Kyoto, đất thần kinh. Trời mưa nên ông không đi đâu được, ngồi nhà ngắm hoa đào. Ông đang ở kinh kỳ nhưng lại cảm thấy kinh kỳ xa xôi vạn dặm. Mưa không phải là khoảng cách mà lại tạo ra khoảng cách. Tôi nhớ tới câu: Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách, mưa không phải khóa mà giữ được người. Mưa giữ chân người là một ý. Mưa tạo ra ngàn dặm xa xôi là ý khác. Mưa như đưa người về một địa điểm khác, không phải là nơi đang ở. Ở đây mà lại cách xa đây. Nguyễn Bính có câu thơ: Ở Ngự viên mà nhớ Ngự viên. Đấy là khoảng cách về thời gian, là ký ức, là đi tìm thời gian đã mất. Ở kinh đô mà lại lại xa cách kinh đô cũng là ký ức, đi tìm không gian đã mất. Hoa đào ngợi nhớ về ký ức, như bài haiku của Shiki: Cố hương / là đông anh em họ / cùng với hoa đào. Ngồi nhà ngắm hoa đào, ký ức về kinh kỳ như tái hiện lại một kinh kỳ, ở đây, mà không phải ở đây, ngàn trùng xa cách. Kinh kỳ trong ký ức xa xôi. Mưa tạo ra khoảng cách. Khoảng cách không gian lại kết hợp với hoa đào tái tạo ký ức về thời gian, tạo ra khoảng cách về thời gian như đi tìm một thời đã vĩnh viễn xa rồi.    

Photobucket

No comments:

Post a Comment