Bài mới

Nhận xét mới

Lá đỏ

Photobucket

Gọi là lá đỏ nhưng chủ yếu để chỉ lá phong vào mùa thu, tuy có nhiều loại lá khác cũng cho sắc đỏ vào mùa thu. Lá đỏ theo âm Hán Việt là hồng diệp và còn được gọi là lá thắm. Truyện Kiều có câu "Thâm nghiêm kín cống cao tường / Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh". Tôi vẫn không biết làm sao đề được thơ lên cái lá đỏ, tuy màu sắc rất đúng, mực đen nền đỏ. Tôi nghĩ "thắm" là màu đỏ, như trong câu thơ "Có phải duyên nhau thì thắm lại / Đừng xanh như lá, bạc như vôi". Nhưng ngày nay chắc hẳn không mấy ai dịch "hồng diệp" thành "lá thắm" nữa. Lá đỏ trông như hoa, như trong câu thơ của Đỗ Mục "Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa".

Shikou có bài haiku sau:

urayamashi utsukushuu natte chiru momiji

và tôi dịch như sau:

Đáng yêu sao
trở nên tuyệt mỹ
những chiếc lá đỏ rơi

Bài haiku này được giảng giải như sau: yamazakura là hoa anh đào núi. Hoa anh đào này rã cánh khi nở tới lúc đẹp nhất, như một biểu tượng cho võ sĩ như chết vinh còn hơn sống nhục, hay như câu "ngọc nát còn hơn giữ ngói lành". Cũng giống như vậy, lá đỏ trở nên đẹp nhất chính là lúc những chiếc lá bắt đầu rời cành. Làm sao có thể tóm được chính giây phút những chiếc lá đỏ rời cành rơi xuống? Tôi nghĩ về duyên. Không có duyên thì không thể gặp được giây phút tuyệt mỹ nhất của tự nhiên.

Bỗng nhiên tôi nhớ tới câu thơ của Nguyễn Đình Thi "Gặp em trên cao lộng gió / Rừng lạ ào ào lá đỏ". Tôi chiếu bài haiku của Shikou vào câu thơ của Nguyễn Đình Thi. Cái giây phút gặp người con gái ở một khu rừng lạ trên cao chính là giây phút tuyệt mỹ nhất. Đấy là khoảnh khắc cực kỳ đẹp như chính phút giây đạt tới đỉnh điểm tuyệt mỹ của những chiếc lá đỏ. Có những lúc đọc thơ ta lại cảm thấy một điều gì đấy rất mới và lạ.

Photobucket

7 comments:

  1. Đặc biệt lá phong mùa thu ở Âu châu thì vàng, ở châu Á và bắc Mỹ thì đỏ. Bác Đ.A có nhận thấy điều đó không ạ?

    ReplyDelete
  2. Vâng, đúng là các loại phong khác nhau. Nhưng cây ngô đồng cho lá vàng cũng hay bị gọi là cây phong.

    ReplyDelete
  3. Phong ở Mỹ cũng có loại lá vàng và loại lá đỏ.

    ReplyDelete
  4. nhận xét rằng:
    "...lá phong mùa thu ở Âu châu thì vàng, ở châu Á và bắc Mỹ thì đỏ."
    thực ra là chưa hiểu gì về phong, tất cả các cây phong lá đều ... xanh !
    Khi mùa thu đến lá phong ngừng quang hợp từ từ và chất diệp lục bay dần đi hé lộ mầu vàng rồi chuyển dần sang đỏ,...là chất anthocyanin, ở châu Âu mùa thu quá ngắn khiến cho lá phong chưa kịp đỏ đã rụng ... cho nên một người ở Sài gòn mà ngêu ngao: cây bàng lá đỏ là ... sạo sự, cây bàng Sài gòn lá quanh năm xanh ... thi thoảng mới có một chiếc lá đỏ còn cây bàng ... xịn Hà nội, lá đỏ ... 100% không mập mờ...

    ReplyDelete
  5. Ông thi sỹ viết: "Rừng Trường Sơn ... ào ào lá đỏ" chắc cũng ... ba xạo nốt. Có thể ông ghé qua khu rừng bị dioxine làm ... lá đỏ???

    ReplyDelete
  6. Cháu thấy hình như tiếng Nhật'kaede' cũng mang nghĩa là lá đỏ,có gì khác với 'momiji' ko ah?

    ReplyDelete
  7. Kaede chính là cây phong, đọc theo âm Hán Việt cũng là phong. Momiji đọc theo âm Hán Việt là hồng diệp. Hồng diệp vừa chỉ cây phong lại vừa chỉ lá đỏ vào mùa thu.

    ReplyDelete