Bài mới

Nhận xét mới

Nhanh hơn ánh sáng

Thế giới đang xôn xao về kết quả thí nghiệm OPERA ở Italy của các nhà vật lý. Thí nghiệm OPERA đo vận tốc của chùm hạt neutrino từ CERN (Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu) ở Geneva, xuyên ngầm qua dãy Alps, đến một máy thu ở Gran Sasso nằm ở miền trung Italy trên quãng đường dài 730km. Kết quả được các nhà vật lý thông báo là vận tốc của neutrino đo được lớn hơn vận tốc ánh sáng một lượng bằng 25 phần triệu vận tốc của ánh sáng. Đây là một kết quả chấn động thế giới, bởi vì từ trước đến nay vận tốc ánh sáng vẫn được coi là tuyệt đối.

Lý thuyết tương đối hẹp của Einstein được xây dựng trên hai tiên đề cơ bản. Một là các định luật vật lý là như nhau trong tất cả các hệ quy chiếu quán tính. Hai là vận tốc ánh sáng trong chân không là như nhau. Tiên đề đầu dễ hiểu hơn. Nó khẳng định các quy luật vật lý không phụ thuộc vào người quan sát ở trong các hệ quy chiếu quán tính khác nhau. Tất nhiên tự nhiên là phải như thế. Không thể nào xảy ra được chuyện hiện tượng vật lý trở nên khác nhau khi người quan sát đứng yên hay đang chuyển động với vận tốc không đổi. Tiên đề thứ hai có vẻ khó hiểu hơn. Nếu chúng ta đang ở trong một toa tàu đang chuyển động và ném một quả bóng thì một người đứng bên lề đường quan sát sẽ thấy vận tốc của quả bóng bằng khoảng vận tốc của con tầu cộng với vận tốc của quả bóng bay trong toa tầu. Nếu chúng ta không ném quả bóng mà phát ra một chùm tia sáng, thì vận tốc mà người quan sát đứng bên lề đường quan sát được tia sáng cũng bằng chính vận tốc mà người ở trong toa tầu quan sát được tia sáng, chứ không phải bằng tổng vận tốc của tia sáng trong toa tầu cộng với vận tốc con tàu chuyển động, như trường hợp của quả bóng. Tiên đề thứ hai có vẻ không khớp với cảm quan vật lý mà chúng ta quan sát thấy trong cuộc sống thường nhật. Sở dĩ chúng ta không cảm giác được tiên đề thứ hai vì vận tốc của ánh sáng rất lớn, gấp cỡ triệu lần vận tốc của máy bay dân dụng. Mặc dù vậy, tất cả các thí nghiệm đo đạc được đều khẳng định tính đúng đắn của tiên đề thứ hai. Lý thuyết tương đối hẹp cho nhiều hiện tượng lạ kỳ. Chẳng hạn vật chuyển động đều có độ dài và thời gian co lại so với vật đứng yên. Chúng ta không cảm giác được những hiện tượng như vậy trong cuộc sống thường nhật một lần nữa lại do vận tốc của ánh sáng quá lớn so với vận tốc của những vật trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Nếu như có một vật chuyển động với vận tốc lớn hơn vận tốc ánh sáng thì điều gì sẽ xảy ra? Nguyên lý nhân quả sẽ bị vi phạm. Nguyên lý nhân quả thể hiện nhân phải xảy ra trước quả. Đây là một nguyên lý phổ quát. Giả sử như có một mũi tên phát ra từ một cái cung bắn vào một quả táo. Mũi tên phải được bắn ra trước thời điểm mũi tên cắm vào quả táo. Bắn mũi tên là nhân, mũi tên cắm vào quả táo là quả. Nếu vận tốc của mũi tên nhỏ hơn vận tốc ánh sáng, nguyên lý nhân quả luôn duy trì: mũi tên cắm vào quả táo luôn luôn sau khi mũi tên được bắn ra. Nhưng nếu vận tốc mũi tên lớn hơn vận tốc ánh sáng, trong một hệ quy chiếu quán tính nhất định, người quan sát sẽ thấy thời điểm mũi tên được bắn và thời điểm mũi tên cắm vào quả táo trùng nhau. Ở một hệ quy chiếu quán tính khác có vận tốc tương đối lớn hơn , người quan sát lại thấy mũi tên cắm vào quả táo trước khi nó được bắn ra khỏi cái cung. Như vậy nguyên lý nhân quả bị vi phạm. Nguyên lý nhân quả bị vi phạm thì con người có khả năng trở về quá khứ như trong các bộ phim viễn tưởng của Hollywood, hay như câu ca dao của người Việt: Sinh con rồi mới sinh cha / Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông. Chính vì những nghịch lý như vậy mà phát hiện vận tốc nhanh hơn ánh sáng trở thành tâm điểm xôn xao trên toàn cầu.

Nhưng thực ra thí nghiệm OPERA không phải là thí nghiệm đầu tiên trên thế giới phát hiện ra vận tốc lớn hơn vận tốc ánh sáng. Năm 2007, thí nghiệm MINOS ở Mỹ, cũng bắn một chùm neutrino từ Phòng thí nghiệm Fermi ở Chicago tới một máy thu ở Minnesota, và kết quả thí nghiệm cũng từa tựa như kết quả thí nghiệm OPERA vừa mới thông báo. Nhưng thí nghiệm MINOS có kết quả không được chắc chắn, sai số lớn, do vậy nó không được công nhận. Các nhà vật lý của thí nghiệm OPERA cho biết kết quả của họ tốt hơn các thí nghiệm trước đây, và kết quả là xác quyết. Tuy vậy, cộng đồng khoa học vẫn chưa chấp nhận kết quả thí nghiệm OPERA, và đợi chờ các thí nghiệm độc lập khác để kiểm chứng. Đó là nguyên tắc chung của khoa học.

Mặc dù kết quả thí nghiệm OPERA có thể khiến chúng ta suy nghĩ về nguyên lý nhân quả bị vi phạm, nhưng thực ra vẫn còn có những lý thuyết khác, chấp nhận một số hạt hạ nguyên tử có vận tốc lớn hơn vận tốc ánh sáng và không vi phạm nguyên lý nhân quả. Loại hạt như vậy được gọi là hạt tachyon. Giả thuyết về loại hạt tachyon đã có từ lâu, nhưng từ trước đến nay chúng mới chỉ tồn tại trên giấy, trong các nghiên cứu lý thuyết. Vậy liệu có phải kết quả thí nghiệm OPERA chỉ là một khẳng định neutrino là hạt tachyon và nguyên lý nhân quả vẫn OK? Điều này vẫn đòi hỏi thêm các nghiên cứu tiếp theo để khẳng định. Hạt neutrino kể từ lúc được khai sinh cho đến nay đã cho thấy chúng là một loại hạt rất đặc biệt. Neutrino được Pauli tiên đoán trong lý thuyết trước khi thực nghiệm tìm ra chúng. Thoạt đầu neutrino được coi là loại hạt không có khối lượng, giống như hạt photon mang ánh sáng. Sau đấy các thí nghiệm khẳng định neutrino là hạt có khối lượng. Neutrino cũng được nghi là hạt fermion Majorana, tức là loại hạt mà bản thân chúng cũng đồng thời là phản hạt, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Giờ đây, với kết quả thí nghiệm OPERA, nếu được kiểm chứng là chính xác, thì neutrino lại là một ứng cử viên cho hạt tachyon. Là tachyon, hay vi phạm nguyên lý nhân quả, hay gì khác, câu trả lời vẫn ở thì tương lai.

Khoa học luôn vận động không ngừng, luôn hấp dẫn, cuốn hút và mời gọi chúng ta trong bí ẩn lớn lao, diệu kỳ và tuyệt mỹ của Tạo hóa.

PS: Trong nhóm tiến hành thí nghiệm OPERA  có một người Việt Nam, TS Trần Ngọc Tiềm (và không có một người Trung Quốc nào, căn cứ theo họ, nhưng người Nhật và Hàn Quốc thì có)

35 comments:

  1. Tôi nể bác quá! Lĩnh vực nào cùng xơi được.

    ReplyDelete
  2. "Là tachyon, hay vi phạm nguyên lý nhân quả, hay gì khác, câu trả lời vẫn ở thì tương lai".

    Hoặc ở thì quá khứ!

    ReplyDelete
  3. Dân vật lý lý thuyết nói chuyện có khác.

    ReplyDelete
  4. Nhà vật lý Đàm Thanh Sơn cũng đã viết về phát hiện mới này
    http://damtson.wordpress.com/2011/09/24/faster-than-light/

    ReplyDelete
  5. Hình như cái gì bác cũng biết thì phải? Bác làm em bái phục! ko rõ liệu bác DongA có thể cho anh em biết bác bao tuổi ko?

    ReplyDelete
  6. Hay quá bác Đông A ơi, mong bác tiếp tục cập nhật và phổ cập tin khoa học như thế này tới đại chúng!

    ReplyDelete
  7. Em có một thí nghiệm tưởng tượng thế này, nhờ Đông A và các bác cho ý kiến. Giả sử ta đào một đường hầm xuyên qua tâm trái đất. Nếu thả một chiếc thang máy cho nó chuyển động tự do (không ma sát) trong đường hầm thì có thể thấy thang máy sẽ chuyển động điều hòa với biên độ đúng bằng bán kính trái đất. Một nhà thực nghiệm làm việc ở trong thang máy. Giả sử rằng mọi tín hiệu thông tin từ bên ngoài không thể lọt vào trong thang máy. Hỏi anh chàng kia có thể làm thí nghiệm để xác định thang máy đang ở vị trí nào trong lòng đất được không?

    ReplyDelete
  8. Nghe nói từ những phát hiện của Einstein ta có thể kết luận: sự phân biệt hiện tại, quá khứ, và tương lai thực ra chỉ là một ảo giác ở con người. Cái ảo giác này là kết quả của cái cách con người tri giác và nhận thức về thế giới.

    Tôi cảm thấy kết luận này rất đáng tin mặc dù bản thân không đủ kiến thức vật lý và toán học để chứng minh nó.

    Xin hỏi bác Đông A bác Đàm Thanh Sơn và các bác: kết luận này có đúng không? nếu đúng thì có thể giải thích nó một cách khá đơn giản để nhiều người có thể hiểu được không?

    Cảm ơn các bác !

    ReplyDelete
  9. @kengo: nếu đo được gia tốc của cái thang máy thì xác định được vị trí của cái thang máy (2 vị trí đối xứng).

    ReplyDelete
  10. Nếu đường hầm không chạy xuyên hai cực trái đất thì chắc là đo được gia tốc phải không ạ? Thí nghiệm kiểu như đo độ dịch chuyển của kim la bàn khi thang máy chuyển động chẳng hạn.

    ReplyDelete
  11. Cái PS của bác nghĩa làm sao? Không có người TQ thì lạ hay có 1 người VN thì rất đáng tự hào?

    ReplyDelete
  12. Kengo và Đông A đang đứng trên quan điểm của Newton để bàn về cái thang máy trong đường hầm tưởng tượng, hay đứng trên quan điểm của Eistein.?
    Vấn đề trọng lượng biểu kiến khi thang máy gia tốc là Newtonian physic chẳng ăn nhập gì với thuyết tương đối và causality.

    ReplyDelete
  13. Bác Dong A bàn chuyện hoa lá cành và thông tin khoa học rất hay, còn khi bàn chuyện thời sự chính trị trong nước thì...tôi chẳng thấy hay.

    ReplyDelete
  14. @Đông A & DNL: Nếu một người đứng trên mặt đất quan sát thì thấy thang máy (cùng với cả nhà thí nghiệm) chuyển động có gia tốc. Tuy nhiên đối với nhà thí nghiệm thì anh ta sẽ ở trạng thái không trọng lượng. Ở đây đã giả thiết là KHÔNG MỘT TÍN HIỆU nào ở bên ngoài có thể lọt vào bên trong thang máy (kể cả từ trường trái đất...) Gia tốc của thang máy là trong chuyển động của nó so với mặt đất. Nhà du hành muốn đo được gia tốc này thì phải "liên lạc" với mặt đất, tuy nhiên điều này theo giả thiết là không thể.

    ReplyDelete
  15. @vn_roo: Tôi đứng trên quan điểm general covariance của Einstein. Vấn đề tôi nêu ra chưa dính dáng đến causality, nhưng nó sẽ dính đến tính constancy của speed of light (sẽ nêu lên để hầu chuyện các bác sau). Mời bác cho ý kiến về vấn đề này (trên quan điểm general relativity nhé)

    ReplyDelete
  16. @kengo:
    "Nếu một người đứng trên mặt đất quan sát thì thấy thang máy (cùng với cả nhà thí nghiệm) chuyển động có gia tốc. Tuy nhiên đối với nhà thí nghiệm thì anh ta sẽ ở trạng thái không trọng lượng. Ở đây đã giả thiết là KHÔNG MỘT TÍN HIỆU nào ở bên ngoài có thể lọt vào bên trong thang máy (kể cả từ trường trái đất..."

    Mệnh đề trên hoàn toàn dựa trên căn bản vật lý Newton, đúng người trong thang máy ở trong tình trạng phi trọng lượng tức trọng lượng biểu kiến bằng zero,... chẳng cần từ trường gì hay tín hiệu gì cả, ruột gan phèo phổi ông ta tự ..."kiểm chứng" tình trạng này ... và sẽ có hai kết quả như sau:
    1- Uỵch và ... á á á á,...
    2- Á á á á và ... uỵch .!

    ReplyDelete
  17. Bác Kengo có thể giải thích cụ thể hơn tại sao khi thả thang máy vào cái đường hầm tưởng tượng mà thang máy chuyển động điều hòa? Điều hòa có phải là từ periodic trong tiếng Anh không? Nếu là periodic thì chuyển động của thang máy phải trở về vị trí ban đầu sau 1 khoảng thời gian xác định thì mới gọi là điều hòa chứ. Chạy luôn thì sao gọi điều hòa? Theo bác thì khi thang máy đến vị trí tâm trái đất thì trạng thái của thang máy là như thế nào? đứng yên? chạy tiếp xuyên tâm hay chạy ngược trở lên? Sức hút trái đất bản chất của nó là gì?
    Em dốt lý nên nhờ các bác chỉ giáo :D

    ReplyDelete
  18. @inhainha: dĩ nhiên thang máy sẽ đạt vận tốc cực đại tại tâm trái đất; nó sẽ di chuyển đến cửa hầm phía bên kia thì dừng lại (tức thời) rồi chuyển động theo hướng ngược lại, cứ như vậy. Đấy là những gì mà một người trên mặt đất quan sát được. Vấn đề là người ở trong thang máy (không thể nhìn ra bên ngoài) có cách gì xác định được mình đang di chuyển đến vị trí nào trong lòng đất không. Có thể coi hệ qui chiếu gắn với thang máy là một hệ qui chiếu quán tính không? Nếu người ở trong thang máy thực hiện các thí nghiệm địa phương (ở bên trong thang máy) thì các kết quả thí nghiệm đó có thay đổi theo thời gian riêng của anh ta không?

    ReplyDelete
  19. Tôi Google thấy Einstein có nói thế này:

    "People like us, who believe in physics, know that the distinction between past, present, and future is only a stubbornly persistent illusion."

    Rất mong các bác am hiểu vật lý chỉ giáo thêm cho.

    Cảm ơn các bác.

    ReplyDelete
  20. Kengo: Tại sao người trong thang máy lại ở trạng thái không trọng lượng? Không trọng lượng ở tâm trái đất thôi chứ, các điểm khác trong lòng trái đất vẫn có trọng trường mặc dù nhỏ hơn trên măt đất cơ mà.

    ReplyDelete
  21. @DNL: cái bác nói đến là trọng lực (lực hút mà trái đất tác động lên người + thang máy - theo quan điểm Newton.)

    ReplyDelete
  22. @DNL: trạng thái không trọng lượng xảy ra khi thang máy chuyển động với gia tốc bằng gia tốc trọng trường theo chiều vào tâm trái đất.
    Khi ấy hai chân nhà khoa học không nhận được lực nâng của sàn thang máy như khi thang máy đứng yên. Nếu nhà khoa học đứng trên bàn cân, và thang máy rơi tự do thì kim của cân chỉ 0 kg. Tức là trọng lượng biểu kiến bằng không.
    @ kengo:Khi thang máy gia tốc: hệ quy chiếu ấy không phải hệ quy chiếu quán tính. Hệ quy chiếu quán tính chỉ áp dụng khi nó hoặc đứng yên hoặc chuyển động với vận tốc không đổi.
    Do tình trạng mất trọng lượng nên nhà khoa học khi rơi tự do sẽ kêu:
    Á á á... Khi thang máy dừng đột ngột sẽ bị đập huỵch vào sàn thang máy, hoặc ngược lại bị ném huỵch vào trần thang máy rồi mới kịp kêu á á á....

    ReplyDelete
  23. @vn_roo: "Khi thang máy gia tốc: hệ quy chiếu ấy không phải hệ quy chiếu quán tính. Hệ quy chiếu quán tính chỉ áp dụng khi nó hoặc đứng yên hoặc chuyển động với vận tốc không đổi.": đứng yên hoặc chuyển động với vận tốc không đổi so với cái gì ạ? Hệ qui chiếu gắn với thang máy là một hệ qui chiếu tự do. Trong khuôn khổ thuyết tương đối rộng (có kể đến hấp dẫn, theo quan điểm Einstein), hệ qui chiếu tự do thì quán tính. Khi không kể đến hấp dẫn, không-thời gian là phẳng - nghĩa là tensor độ cong Riemann-Christoffel của nó triệt tiêu tại mọi nơi, do đó ta luôn chọn được một lớp các hệ qui chiếu (tọa độ) mà ở đó mọi kí hiệu Christoffel của không-thời gian triệt tiêu tại mọi điểm. Những hệ tọa độ (qui chiếu) như vậy được gọi là quán tính. Tuy nhiên, khi có hấp dẫn tensor R-C không triệt tiêu thành ra không thể có một hệ tọa độ nào mà ở đó mọi kí hiệu Christoffel triệt tiêu, nghĩa là không thể có hệ qui chiếu quán tính (theo nghĩa thông thường.) Do đó khi kể đến hấp dẫn ta chỉ có thể nói đến các hệ qui chiếu tự do. Điều này cũng như là trong không gian Euclid thì có khái niệm "đường thẳng", nhưng qua không gian phi Euclid thì ta chỉ có các "đường trắc địa."

    Xin nhắc lại câu hỏi: người trong thang máy có thể làm thí nghiệm cục bộ để xác định vị trí của mình (so với tâm trái đất) được không?

    ReplyDelete
  24. Vì thang máy chuyển động do lực hấp dẫn và vận tốc của thang máy quá nhỏ so với vận tốc ánh nên tôi áp dụng quy tắc vật lý Newton, hệ quy chiếu ấy không quán tính.

    ReplyDelete
  25. @vn_roo: cứ cho rằng hệ qui chiếu thang máy là phi quán tính (chuyển động có gia tốc so với một hqc quán tính nào đó) thì người ở trong thang máy, bằng các thí nghiệm, phải xác định được giá trị gia tốc đó đúng không ạ? Tôi đố bác ngồi trong thang máy làm thí nghiệm mà xác định được gia tốc chuyển động của thang máy đối với trái đất đấy!

    ReplyDelete
  26. @kengo:
    Thí nghiệm thú vị nhất bác có thể làm trong thang máy rơi tự do là đánh giá độ dài của đường hầm:
    Nếu nghe uỵch rồi mới .... Á á á thì đường hầm dài ... 2 mét,
    Nếu nghe á á á á .... Rồi .... Uỵch thì đường hầm rất dài ... He he !

    ReplyDelete
  27. Đành hy vọng bác dtson tình cờ mà ghé lại đây rồi leave comment vậy.

    ReplyDelete
  28. Tôi cũng vốn là người yêu thích tìm hiểu về vật lý lượng tử và vật lý vũ trụ. Và thật sự khâm phục về sự hiểu biết và kiến giải của bác Đông A.

    Vận tốc ánh sáng trong chân không là như nhau đối với mọi người quan sát là vấn đề khó hiểu đối với mọi người, tui cũng thế. Hai tàu vũ trụ A, B với vận tốc mỗi tàu là 0,8C (C là vận tốc ánh sáng) bay ngược chiều nhau. Khi đó phi hành gia ngồi trên tàu A đo đc vận tốc của B đối với tàu A nhỏ hơn C (chứ không phải là 1,6C) thì thật sự là phi lý và khó hiểu quá đi mất.
    Theo thuyết tương đối thì ta có cảm giác vận tốc ánh sáng trong chân không là một "lời nguyền của thượng đế" mà con người không thể vượt qua. Lời nguyền đó làm cho con người không thể kiểm soát được chiều thứ 3+1 của không-thời gian, làm cho con người không thể biết trước được tương lai hoặc quay về quá khứ.
    Hôm rồi tui có xem một phim khoa học về Lịch sử chinh phục vũ trụ của con người. Nhà làm phim nói rằng khi chinh phục vũ trụ thì do sự bao la của vũ trụ và do "lời nguyền" là không có gì bay nhanh hơn vận tốc AS. Mà ngôi sao gần chúng ta nhứt cũng phải đi mất 4,5 năm AS. Nhưng rồi nhà làm phim nói chắc chắn rằng con người 1 ngày nào đó với trình độ khoa học kỹ thuật của mình sẽ chế tạo được những con tàu bay nhanh hơn AS. "Vì con người vốn không biết bay đến khi anh em nhà Wright chế tạo máy bay thì con người biết bay. Khi đó không có người nào nghĩ rằng con người có thể bay nhanh hơn âm thanh, thì nay con người đã nhanh hơn âm thanh và nhanh hơn rất nhiều. Không ai có thể nghĩ là con người có thể đặt chân lên mặt trăng, thì nay con người đã làm được chuyện đó. Vậy nên không có lý do gì con người lại không thể không đi nhanh hơn AS!".

    Tôi muốn hỏi bác Đông A nhìu hiểu biết. Vậy chứ con người có thể làm được chuyện đó không? Hoặc giả một nền văn minh kỳ vĩ nào trong vũ trụ (đương nhiên là vũ trụ của chúng ta nhìn thấy) có thể làm được điều là chế được con tàu bay nhanh hơn AS hay không? Hay "lời nguyền của thượng đế" kia luôn đúng, và những sự "vi phạm" chỉ là cá biệt?

    Bác hãy trả lời theo... "tình cảm" thôi, đừng theo lý thuyết... tương đối nhé. Câu trả lời em tự trả lời cho mình là "Không thể! Đối với con người, còn 1 nền văn minh khác thì.... không biết, hihi".

    Còn mọi người thì sao?

    ReplyDelete
  29. @Hide_man: mặc dù khoảng cách giữa trái đất và các ngôi sao là rất lớn, tính bằng nhiều năm ánh sáng (NAS), con người vẫn có thể đi đến đó trong khoảng thời gian ngắn (trăm năm trong cõi người ta!) Điều này là bởi vì khi ta di chuyển đến ngôi sao với vận tốc gần bằng ánh sáng (nên nhớ vận tốc ở đây là giữa ta và ngôi sao nhé) thì khoảng cách giữa ta và ngôi sao sẽ bị co lại và không còn là nhiều NAS nữa mà chỉ một vài NAS (cái này tùy vào vận tốc của tàu tiệm cận đến C như thế nào). Do đó việc ta du hành đến các vì sao là hoàn toàn có thể.
    Tiện đây có bài toán du hành mời các bác giải chơi:
    Giả sử có một hành tinh có sự sống, cách trái đất 100 NAS và không có chuyển động tương đối so với trái đất. Một nhà du hành vũ trụ xuất phát tại trái đất vào năm 2100, hướng thẳng về phía hành tinh đó. Hành trình du hành của anh ta chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 là cho tàu tăng tốc với gia tốc không đổi a = g (gia tốc trọng trường, 9.8m/s^2), và tại thời điểm Tc (theo đồng hồ riêng của nhà du hành) thì chuyển ngay sang giai đoạn 2 là hãm tàu với gia tốc đúng bằng a để cho khi vận tốc tàu (so với hành tinh) về zero thì tàu vừa đáp tới hành tinh. Hỏi:
    1. Tc bằng bao nhiêu?
    2. Khi nhà du hành tới hành tinh kia thì đồng hồ anh ta chỉ bao nhiêu? còn đồng hồ ở trái đất chỉ bao nhiêu?

    ReplyDelete
  30. @Kengo: Vấn đề co lại của thời gian thì em hiểu. Nhưng vấn đề mọi người đang bàn là "Có thể có thứ gì nhanh hơn AS trong chân không không?" Vì nó dẫn tới một nghịch lý là Luật nhân quả không còn đúng nữa. Ở đây bác Đông A nói là cơ học lượng tử chấp nhận một số ngoài lệ ở mức các hạt hạ nguyên tử.

    ReplyDelete
  31. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  32. @Hide_man: khi một vật được xác định (bằng thực nghiệm) là có thể di chuyển với tốc độ lớn hơn tốc độ ánh sáng trong chân không, thuyết tương đối hẹp của cụ Einstein không còn áp dụng được chứ KHÔNG phải luật nhân quả bị vi phạm. Có mỗi cái chuyện giản đơn như vậy mà các bác cũng không thông, đến nản!

    Rất tiếc chuyên ngành của bác Đông A là chất rắn chứ không phải high energy ^^

    ReplyDelete
  33. Thí nghiệm lần 2 cũng có kết quả tương tự, bác Đông A có bình luận gì không ạ? http://www.washingtonpost.com/national/health-science/second-experiment-confirms-faster-than-light-particles/2011/11/17/gIQAlRlTWN_story.html

    ReplyDelete
  34. Nói chung là tôi không tin tưởng, bởi vì tự mình phát hiện sai khó lắm. Thí nghiệm lần 2 vẫn do OPERA tiến hành. Bây giờ chỉ có thể đợi Fermilab hay Super K thôi. Có khi cũng phải mất một vài năm.

    ReplyDelete
  35. Hình như cái gì bác cũng biết thì phải? Bác làm em bái phục! ko rõ liệu bác DongA có thể cho anh em biết bác bao tuổi ko?website designing softwareForum Link Building company

    ReplyDelete