Bài mới

Nhận xét mới

Di sản văn hóa của Việt Nam Cộng hòa

Nhân có vụ ồn ào về quyển sách Việt Nam hướng tới một nền giáo dục hiện đại mà tôi để ý đến các sách Đăng khoa lục. Và tôi thấy các quyển Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, Quốc triều đăng khoa lục đã từng được dịch và xuất bản dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Các quyển sách này đều được Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, tức có lẽ là sách được nhà nước bảo trợ. Điều này cho thấy Việt Nam Cộng hòa đã để lại những di sản văn hóa có giá trị. Tôi không biết có những con số thống kê nào không về xuất bản ở Việt Nam Cộng hòa, nhưng tôi nghĩ rằng di sản văn hóa của Việt Nam Cộng hòa để lại không nhỏ, có tầm cỡ, và cũng không thua kém Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.  Tôi nghĩ đại khái như vậy, vì so sánh cũng rất khó, tiêu chí so sánh biết như thế nào cho hợp lý. Nhưng điều quan trọng tôi nghĩ rằng di sản văn hóa của hai miền Nam Bắc có thể bổ sung cho nhau, mỗi miền có những điểm đặc thù riêng biệt, tập hợp lại thành những thành tựu văn hóa chung của Việt Nam.

Xem thư mục quyển Các nhà khoa bảng Việt Nam tôi không thấy có hai bản dịch quyển Lịch triềuQuốc triều đăng khoa lục. Đây chính là điểm mà tôi cảm thấy không được trọn vẹn. Quyển Các nhà khoa bảng Việt Nam có thể coi là một tập đại thành về các nhà khoa bảng của đất nước trong các triều đại lịch sử. Vì mang tính chất như một tập đại thành nên chắc chắn về sau người ta sẽ chỉ dẫn chiếu quyển sách này mà thôi. Các bản dịch trước đấy sẽ bị lãng quên và có thể biến mất không để lại dấu vết. Tuy các bản dịch Đăng khoa lục trước đây chưa đầy đủ và chưa  cập nhật được địa danh hiện nay, nhưng đó là các bản dịch đầu tiên mang tính chất khai sơn phá thạch trong lĩnh vực nghiên cứu về chế độ khoa bảng trong lịch sử Việt Nam. Khi làm các tập đại thành, tôi nghĩ công lao của những người đi trước, mở đường cũng nên nhắc đến, ghi lại như những đóng góp của tiền nhân. Bản dịch Quốc triều đăng khoa lục của Lê Mạnh Liêu may mắn hơn vì Quốc triều đăng khoa lục vốn do Cao Xuân Dục biên soạn và do vậy bản dịch của Lê Mạnh Liêu được tái xuất bản trong bộ trước tác của Cao Xuân Dục. Bản dịch của Lê Mạnh Liêu được NXB Văn học in năm 2001 và do Nguyễn Đăng Na hiệu đính. Về danh chính ngôn thuận, ai cũng có thể dịch lại Quốc triều đăng khoa lục, bổ sung hoàn thiện thêm bản dịch, và làm như vậy có thể xóa sổ bản dịch của Lê Mạnh Liêu. Nhưng Nguyễn Đăng Na đã không làm như vậy. Người dịch Quốc triều đăng khoa lục vẫn là Lê Mạnh Liêu, Nguyễn Đăng Na chỉ hiệu đính lại. Tôi nghĩ đó là cách ứng xử đẹp với các di sản văn hóa.

Tôi viết về bản dịch Đăng khoa lục này chỉ như là một ví dụ về di sản văn hóa của Việt Nam Cộng hòa. Kho tàng di sản đó chắc còn nhiều hình trạng nữa, và có thể có những thứ đã thực sự bị quên lãng hay biến mất rồi. Và điều quan trọng hơn là chúng ta ứng xử với di sản đó như thế nào. Chúng ta sẽ làm lại những cái mới và coi như không biết gì về di sản đã có hay khôi phục, hiệu đính, bổ sung để hoàn thiện lại tinh hoa của một thời đã qua?


4 comments:

  1. @DA: Bài viết rất hay, nhưng tôi có 1 thắc mắc nhỏ ở đoạn này.

    "tôi nghĩ rằng di sản văn hóa của Việt Nam Cộng hòa để lại không nhỏ, có tầm cỡ, và cũng thua kém Việt Nam Dân chủ Cộng hòa."

    Tôi nghĩ hình như DA viết thiếu 1 chữ ? đúng ra phải là "...và cũng KHÔNG thua kém..." phải không DA ?

    ReplyDelete
  2. Ô, đúng là vậy. Cám ơn bác! Tôi sẽ sửa lại ngay.

    ReplyDelete
  3. bác muốn tìm mảng này thì có mấy key word: ủy ban dịch thuật, Mai Thọ Truyền, Lê Mạnh Liêu, Bùi Văn Diệm, văn khố Đà Lạt...

    không dễ tìm đâu, nhưng vẫn có đấy, ngày trước có một bà tên là gì tôi quên mất rồi, Vĩnh thì phải, có viết một bài về ủy ban dịch thuật thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục Sài Gòn, tìm lại được thì có nhiều thông tin

    ngoài ra còn một loạt người nghiên cứu độc lập cũng có nhiều đóng góp: Thạch Trung Giả, Lê Văn Siêu, Nguyễn Hiến Lê...

    ReplyDelete
  4. Bác nào muốn tìm hiểu kho tàng văn hóa đồ sộ của VNCH thì nên vào TPHCM. Tại thư viện KH Tổng hợp và KH Xã hội trên đường Lý Tự Trọng đều có kho sách hạn chế. Tính đến năm 1990 thì có lẽ nó còn nhiều hơn sách VNDCCH. Đến nay thì tôi không chắc đã còn đủ theo thư mục vì bị đánh cắp, sao chụp bất hợp pháp để tái bản, bị bóc, xé bởi những người vô ý thức. Ngày còn sinh viên, mỗi lần chúng tôi mượn chui được một quyển "ngoài luồng" mà bị mất trang, cảm thấy rất xót xa...

    ReplyDelete