Bài mới

Nhận xét mới

Đỗ quyên

Photobucket

Tôi từng hứa sẽ viết về đỗ quyên cánh đơn. Hoa đỗ quyên cánh đơn chỉ có 5 cánh. Cây hoa đỗ quyên này thường mọc thành bụi, cao độ hơn nửa mét. Khi nở cả bụi nở trông rất đẹp. Tôi chưa thấy ai trồng trong chậu. Đỗ quyên bắt đầu trổ bông khi anh đào nở rộ. Bây giờ đỗ quyên tím và đỗ quyên đỏ đang úa dần, còn đỗ quyên trắng vẫn đang khoe sắc. Tôi không biết đỗ quyên này có bao nhiêu màu. Giữa tím và hồng trông khá na ná nhau. Tôi có cảm giác ban đầu hoa tím, sau đó nở rộ chuyển sang hồng. Hoa đỏ và hoa trắng giữ nguyên màu sắc từ lúc nở đến lúc tàn.

Bài thơ này rút từ Cổ kim hòa ca tập của Nhật bản, bài số 495, khuyết danh:

Ký ức ùa về
Trên đỉnh Tokiwa
Đỗ quyên đá bừng nở
Tình yêu câm lặng cháy bỏng hơn
Trong âm thầm tôi giữ

Đây là bản dịch của tôi từ bản dịch tiếng Anh trong Kokinshu: A Collection of Poems Ancient and Modern do L. R. Rodd và M. C. Henkenius dịch:

memories return
when on evergreen mountains
wild azaleas bloom
unspoken love burns stronger
in the silence I must keep

Rất tiếc là tôi không dịch được từ nguyên bản tiếng Nhật. Bài thơ này nếu không biết xuất xứ khó có thể ngờ đấy lại là bài thơ về một mối tính đồng tính giữa một nhà sư và chú tiểu. Tất nhiên quan niệm về tình yêu đồng tính của Nhật Bản cổ xưa không giống như ngày nay. Hoa đỗ quyên trong bài thơ là hoa đỗ quyên đá (nham đỗ quyên), và về sau Kitamura Kigin đã lấy tên "Đỗ quyên đá" này để làm tên cho một tập thơ về đề tài đồng tính luyến ái. Núi Tokiwa không biết chắc chắn ở đâu, có thể ở Kyoto, theo chú thích trong bản tiếng Anh. "Toki wa" còn có nghĩa là "thời gian, khi", và bản dịch tiếng Anh dịch thành evergreen, mãi xanh, như thời gian bất tận, không có điểm đầu, không có điểm cuối như tình yêu của con người. Phải nhìn thấy hoa đỗ quyên nở mới cảm nhận được hết bài thơ này. Đỗ quyên khi nở cả bụi cây bừng lên rực rỡ như tình yêu cháy bỏng nhưng lại âm thầm.

Các nền văn hóa khác nhau đã dùng hoa đỗ quyên để hàm ý những thứ khác nhau. Việt Nam theo Trung Quốc nên liên tưởng đỗ quyên đến chim cuốc như nỗi lòng nhớ nước. Người Nhật lại thấy hoa đỗ quyên như một tình yêu cháy bỏng đầy hoài vọng âm thầm.

Photobucket

Photobucket

2 comments:

  1. Bác DA có biết sự tích đỗ quyên mà lý bạch nói đến trong bài thơ này không. Kể cháu với:
    Thục quốc tằng văn tử quy điểu
    Tuyên Thành hoàn kiến đỗ quyên hoa
    Nhất khiếu nhất hồi trường nhất đoạn
    Tam xuân tam nguyệt ức Tam Ba

    ReplyDelete
  2. Đây là điển tích phổ biến về chim cuốc (đỗ quyên, tử quy): vua nước Thục mất nước hóa thành chim cuốc, đêm đêm nhớ nước kêu, do vậy câu thơ đầu tiên, Nước Thục từng nghe về chim cuốc, là nói ý này.

    ReplyDelete