Bài mới

Nhận xét mới

Giảo hoạt

Tolstoy có viết một tập truyện rất ngắn kể cho thiếu nhi. Tôi đọc đã lâu rồi. Trong tập truyện đó có câu chuyện về hòn đá và bà lão. Có một hòn đá nằm giữa đường, cản trở mọi người đi lại. Nhưng ai đi qua, nếu có bị vấp, cũng chỉ càu nhàu ai ném hòn đá ra dường rồi tìm cách tránh qua. Hòn đá cứ như vậy mà yên vị giữa đường. Cho đến khi có một bà lão đi qua, thấy hòn đá nằm giữa đường và bà lão bê hòn đá vất sang một bên để mọi người không còn ai bị vấp nữa.

Tôi nhớ tới câu chuyện giản dị này của Tolstoy, khi nghĩ về đặc tính giảo hoạt của người Việt. Người Việt cũng giống như những người đi đường trong câu chuyện của Tolstoy thấy có hòn đá nằm chắn đường thì chỉ tìm cách đi qua. Có thể tìm thấy vô số ví dụ trong cuộc sống Việt. Gần đây nhất là chuyện tường lửa chặn blog. Mọi người đều dễ dàng vượt qua được hòn đá - tường lửa đó và chẳng ai bận tâm tìm cách vất hòn đá đó đi. Ví dụ khác là tiền lương của công chức. Mọi người đều biết tiền lương cho công chức không đủ sống, nhưng ai cũng vẫn sống khỏe re, thậm chí là có những người giàu có, bởi vì những người đó biết cách vượt qua hòn đá - tiền lương, kiếm thêm nhiều thu nhập cho mình, thậm chí có những thu nhập vẫn từ nguồn ngân sách và hợp pháp, nhưng không phải là tiền lương.

Lối sống như vậy của người Việt dường như giống như đạo Lão, triết lý của nước hay tính giảo hoạt. Lão tử nói rằng: "Nước là vật cực mềm mà lại thắng được vật cực cứng là đá. Nước là vật cực kì mềm mại, nó luôn tìm chỗ thấp mà tới, ngày đêm chảy không ngừng, bốc lên thì thành mưa, chảy xuống thì thành sông rạch, thấm vào lòng đất để nuôi vạn vật. Tự nó không ngừng biến đổi, lại sinh ra mọi loài. Nó không tranh với ai, lựa chỗ thấp mà tới, gặp cái gì cản thì nó uốn khúc mà tránh đi, cho nên đâu nó cũng tới được." Lối sống giảo hoạt đó dường như cũng phù hợp với thuyết tiến hóa, những loài sinh vật thích nghi được với sự biến đổi của môi trường sống đều có khả năng tồn tại và tiến hóa hơn những loài sinh vật không thể thích nghi và biến đổi được.

Nhưng có một đặc điểm khác biệt của con người so với những loài sinh vật là nhân cách. Liệu "gặp cái gì cản thì uốn khúc mà tránh đi" là vẫn bảo toàn được nhân cách? Mỗi lần uốn khúc tránh đi là một lần mất đi một chút tính người. Nhiều lần uốn khúc tránh đi liệu còn giữ nổi tính người? Giấc mơ nào đáng sợ nhất cho người Việt? Đó là một sáng thức dậy thấy mình hóa thân thành con bọ.    

8 comments:

  1. có chăng, khi nhiều người vượt tường lửa (dễ dàng) thì chẳng còn ai nghĩ đến việc dùng tường lửa nữa. Chẳng phải "bất chiến tự nhiên thành" sao?

    tds,

    ReplyDelete
    Replies
    1. Lập luận như vậy cũng là một điển hình của lối sống giảo hoạt.

      Delete
  2. Như vậy mới xứng đáng được gọi là Lừa, và đang bị lừa hóa, dần dần tiến hóa thành dòi bọ.

    ReplyDelete
  3. Sự giảo hoạt đó được nấp dưới 1 "chính nghĩa" là khôn ngoan!

    Sự khôn ngoan đó chỉ dừng lại ở "định nghĩa": yên ấm cho bản thân, cho gia đình, đem lại lợi ích riêng bản thân... Mục đích cuối là bản thân được tồn tại.

    Đó có phải là cuộc sống của CON NGƯỜI hay không, có lẽ, dân Việt cần 1 định nghĩa mới!

    ReplyDelete
  4. Còn có người thấy hòn đá bên vệ đường bèn khệ nệ khênh nó ra giữa đường để "có thằng nhã chỏng vó"!

    ReplyDelete
  5. Còn có người thấy hòn đá bên vệ đường bèn khệ nệ khênh nó ra giữa đường để "có thằng nhã chỏng vó"!

    ReplyDelete
  6. Khác nào mấy bác công an giao thông ở nhà mình, thấy chỗ đó dân tình không để ý thay vì đứng trước điểm đó, thì các bác núp núp ở xa thấy dân sai các bác ùa ra bắt như bắt bọn dân (gặp cướp hay dân xã hỗi đen đố các bác công an lao ra bắt hùng hổ vậy)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dân mình lạ quá, tiên trách kỉ, hậu trách nhân. Nếu tuân thủ luật giao thông, thì công an nó núp trên trời cung chẳng làm gì được.
      Các bác muốn lấy ví dụ thì nên láy cái nào mình đúng, nó sai. Mình và nó đều sai thì nêu ra chỉ thêm xấu mặt.

      Delete