Bài mới

Nhận xét mới

Cánh đồng

Photobucket

君が田も我田も同じ青み哉
Kimi ga ta mo waga ta mo onaji aomi kana
Issa

Ruộng của anh
ruộng của tôi
cùng xanh cả

Bài haiku này được cho rằng đã thể hiện hoàn cảnh của chính Issa. Issa không có ruộng đất. Mãi đến khi 53 tuổi, ông mới có thửa ruộng của mình. Cái cảm giác được sở hữu đó không làm tách biệt màu xanh như nhau của đồng ruộng. Song bài haiku không giới hạn chật hẹp trong ý tứ đó. Tôi nhớ tới bài thơ trong sách giáo khoa lớp một mà tôi đã từng được học: "Lũy tre xanh xanh / Làng tôi làng anh / Cùng giống nhau nhỉ / Có mái nhà tranh / Có người cày cấy / Nuôi tôi và anh". Mấy chục năm rồi tôi vẫn còn nhớ những câu thơ như vậy. Cánh đồng lúa ở đâu cũng giống nhau, đẹp và gợi nhiều cảm xúc, như là ký ức, như là thân quen, cả khi còn xanh, lẫn khi đã chín.

3 comments:

  1. Đoạn thơ trên bác nhớ thiếu mấy câu ở giữa, như thế này mới đủ ạ:

    "Lũy tre xanh xanh
    Làng tôi làng anh
    Cùng giống nhau nhỉ
    Có lũy tre xanh
    Trong lũy tre xanh
    Có con sáo sậu
    Nó hót thanh thanh
    Dưới lũy tre xanh
    Có mái nhà tranh
    Có người cày cấy
    Nuôi tôi và anh"

    Kết bài là một câu dài hơi giống khẩu hiệu:

    "Chúng ta yêu lũy tre xanh, yêu con sáo sậu, yêu anh đi cày"

    ReplyDelete
  2. Tôi gõ nhầm: Trên lũy tre xanh/ Có con sáo sậu...

    ReplyDelete
  3. Thưa bác Đông A, xin phép lạc đề 1 chút ở Entry này của bác. Đó là xin bác cho 1 số chỉ dẫn nhanh về bài "Tĩnh dạ tứ" của Lý Bạch được không ạ. Tôi có 1 số thắc mắc như sau:

    1/ Về tiêu đề: là Dạ tứ, Tĩnh dạ tứ, hay là Tĩnh dạ tư?

    2/ Từ "Sàng" ở câu 1 trong bài là cái giường ngủ, cái tràng kỷ, hay giường xếp của người Hồ, hay là thềm ( hiên nhà)? Có ông người quen của bố tôi ( nguyên là giám đốc sở, khoe học 7 năm ở TQ) dịch là "trước thềm trăng sáng lung linh" có được không? vì ông khăng khăng lập luận rằng "nhà và phong thủy thời Đường thì giường ngủ (ý nói từ "sàng") không kê gần cửa sổ... và giường ngủ thường ở tít sâu trong nhà chỉ vén màn hai bên, phía ngoài còn có rèm vải bọc xung quanh thì làm sao ánh trăng dọi vào giường được?... và nhà thơ nằm trên giường thì làm sao mà cúi đầu nhớ cố hương được? .vv.

    3/ Cũng vẫn câu 1: là Sàng tiền minh nguyệt quang hay khán nguyệt quang?

    4/ Câu 3: "Cử đầu vọng minh nguyệt" và "cử đầu vọng sơn nguyệt", cái nào là bản chính, cái nào là dị bản? và cái nào được đa số dư luận chấp nhận?

    Tôi đã tham khảo bài "Những điều không đơn giản quanh một tác phẩm tưởng chừng đơn giản" trên trang vanvn.net (http://vanvn.net/news/14/963-nhung-dieu-khong-don-gian-quanh-mot-tac-pham-tuong-chung-don-gian.html). Nhưng muốn được nghe những kiến giải của bác. Rất mong bác chỉ giáo. Hoặc bác có thể viết thành một bài mới trên blog của mình lý giải về bài thơ này (những điểm còn tranh cãi) thì thật tuyệt.

    Cám ơn bác rất nhiều.
    Bạn đọc: Thiện Minh

    p/s: đây là bài dịch của ông bạn bố tôi:

    Nỗi lòng đêm trăng
    Trước thềm trăng sáng lung linh
    Tựa như sương xuống trắng tinh khắp vùng
    Ngẩng đầu trăng sáng mông lung
    Cúi đầu lại nhớ cố hương không cùng.

    Tôi không biết chữ hán, chỉ linh cảm thấy có gì đó không ổn trong bản dịch này.

    ReplyDelete