Bài mới

Nhận xét mới

Hoàng diệp

Photobucket
Tương tư hoàng diệp lạc
Bạch lộ thấp thanh đài
Lý Bạch

Đây là hai câu thơ cuối cùng Lý Bạch viết gửi cho người đã đi xa: Nhớ nhau lá vàng rụng / Móc trắng đẫm rêu xanh. Mười chữ có tới ba màu: vàng - trắng - xanh, rất đặc trưng cho mùa thu. Nỗi buồn tương tư hòa với nỗi buồn tàn thu. Những giọt móc trắng thẫm đẫm rêu xanh trong hoang lạnh đìu hiu cô quạnh của một mùa đang ra đi, như Văn Cao từng viết câu ca "Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng", một mùa thu chết, như người đã đi xa chỉ còn lại chút hương tịch liêu. Nhưng liệu có biết được chiếc lá nào sẽ rơi đầu tiên, như đánh dấu sự ra đi của một mùa thu, như nỗi nhớ bắt đầu quay quắt? Soseki có viết bài haiku sau:

Kaze ni kike izure ga saki ni chiru konoha 

Nói gió
cái nào trước tiên rơi
lá cây

Chiếc lá vàng đầu tiên rơi xuống cũng là dấu hiệu báo trước một mùa thu sẽ chết. Nhưng trong đám lá đấy ai biết được chiếc lá nào sẽ rớt xuống đầu tiên, làm một cánh bướm đón đông về. Soseki bảo nói với gió. Gió vẫn vi vu từ ngàn đời.

9 comments:

  1. Bác chuyển từ “Diệp hồng” sang “Hòang diệp” nhanh thế. Buồn tàn thu à? Chọn cái ảnh đẹp, câu thơ thật hay nhưng sao chỉ viết đôi dòng vậy. Sao biết đây là hai câu cuối cùng Thi Tiên viết gửi người đi xa? Mà “người đi xa” đó là ai? Đây là hai câu cuối trong Ký viễn (cổ phong, bát cú), một bài thơ tình trai gái rất đắm đuối có gối chăn nếp cũ phảng phất dư hương, và hiếm, của Lý Bạch. Em tò mò không biết người con gái này là ai. Thường Lý Bạch được Đường Minh Hòang sai viết thơ ca ngợi người đẹp Dương Quý Phi thì viết Thanh Bình điệu, chứ không viết cổ phong nên có lẽ người đẹp trong bài Viễn ký này là người ngọc của riêng họ Lý.
    Tên Bạch, thường mặc đồ trắng, cốt cách thanh kỳ phiêu dật, say xỉn cả đời, vớt trăng mà chết, đồn rằng viết đến hai vạn bài thơ, phóng bút làm thơ như chớp giật, viết xong là vứt bỏ. Sau, một người Triều tiên gom lại được gần hai nghìn bài, nay chỉ lưu truyền trên dưới một nghìn bài. Vậy cũng đáng để bác trích cả bài Ký viễn, nói đôi chút cảm hòai, thu hứng của bác chứ và cũng là ngưỡng mộ tiền nhân!
    Quên, bác cô đọng, riêng tư. Em lại cứ bô bô dông dài, hóa vô duyên. Xin thể tất, thể tất. Âu cũng là chút tình cuối thu. Câu "Tương tư hòang diệp lạc" có khi không đơn giản là nhớ nhau khi ngòai kia lá vàng rụng, biết đâu là nhớ nhau đến nỗi vàng cả lá, rụng cả lá cũng nên. Tàn phá thì đàn bà kém gì rượu, rất nên bảo trọng!
    Lvs

    ReplyDelete
  2. Đấy, biết ngay mà. Nói mãi bác mới chịu tòi ra đọan này chứ trước cứ ngắn ngủn như haiku, chẳng biết thu cảm hòai nông sâu thế nào. Bác chuyên gia thơ haiku hay sao mà thấy hay đi từ haiku hoặc thế nào cũng vắt qua haiku một cái mới xong?
    - Chữ “quay quắt” bác dùng ở trên trúng và đắt.
    - “Bạch lộ thấp thanh đài”- Móc trắng đẫm rêu xanh, cũng tinh vi lắm bở sương,
    móc khác nhau ít người để ý. Bay la đà, bảng lảng là sương; chỉ khi ngưng tụ thành giọt đậu trên càng lá mới gọi là móc. “Sương” thanh bằng làm người ta dễ gieo vần và thấy có vẻ “thơ” hơn, chữ “móc” thanh trắc, lười suy nên thấy khó xử ?! Đọc câu “Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm” của Đỗ Phủ mà tưởng ra hình ảnh đạo sỹ Đông A đạp lá bước trong rừng phong, giữa móc sa tơi bời, hào hùng lắm chứ.
    Trình còi, chữ nghĩa chỉ đủ cắn chắt, không dám đùa nhả nữa. Chúc bác khỏe trong những ngày thu VN rơi rớt, cũng thơ mộng và độc đáo: vàng lên, vàng lên! đô lên theo…
    Thân kính, S.

    ReplyDelete
  3. Tôi đang tìm hiểu về haiku nên cứ phải có haiku mới xong :-)

    ReplyDelete
  4. À, ra vậy. Khi nào tìm hiểu xong, bác quăng lên đây cho bà con thưởng lãm. VN mình tinh thần văn nghệ rất cao, cũng đẻ ra một CLB thơ haiku Việt. Chữ Việt nó khác chữ Nhật, đành phá niêm 17 âm 3 câu đi thành ra rất buồn cười. Em đã thử đọc vài bài, không thấy Thiền ở đâu, sâu thẳm ở đâu, tự trách mình ngu.
    Quên, bác sửa hộ một chữ "Viễn ký" thành "Ký viễn" trong comment đầu của em với, gõ vội thì đến em cũng nhầm :d
    P/S: Thấy có người kêu gọi bác bỏ thơ phú, tranh ảnh đi cứu quốc, lại có kẻ khuyên bác thôi bàn thế sự mà nên quay về với trăng hoa, thi họa cho xong. Ý bác định thế nào?

    ReplyDelete
  5. bác Đông A hay ở chỗ ngồi bên trăng hoa bàn thế sự mà bác ;)

    ReplyDelete
  6. Hết hồn, dạ, chào Sonata mới sang chơi (NL bên kia đã tìm được tư thế hợp lý chưa?).
    Nãy giờ có mình bỉ nhân, khô cả cổ, đứt cả hơi, mờ cả mắt mà quan bác Đ.A chỉ thỉnh thỏang nhát một.
    Rã rời, thở đã. Say.

    ReplyDelete
  7. Bác Sonata đã trả lời hộ rồi. Tôi là người thích thưởng ngoạn và bàn luận. Hoa, lá, trăng, sao, thời thế, chính trị, xã hội, khoa học, nghệ thuật đều như nhau cả trong đáy mắt của tôi.

    ReplyDelete
  8. Bác Đông A, Gió không tạo ra muà màng, cũng không thay đổi thời tiết. Thiên nhiên tự chuyển mình, thế thôi. Đang cô đọng, bàng bạc, bác nghe lời bác Say kia, thêm thắt nhiều lời làm chi cho mất vẻ đẹp cuả một entry qúi hiếm?

    Đôi khi, "lá rớt rơi nhiều, đâu phải bởi muà thu", phải không?

    ReplyDelete
  9. Về Haiku, tôi thích Gs. Vĩnh Sính dịch thơ Basho sang lục bát Việt Nam rất hay:

    http://hoangphongtuan.wordpress.com/2010/08/24/basho-và-cõi-thơ-haiku-ở-nhạt-bản-vĩnh-s%C3%ADnh/

    Furu-ike ya
    kawazu tobikomu
    mizu no oto

    Trong ao xưa
    con nhái nhảy vào
    tiếng nước khua

    Ao xưa bóng rũ trưa hè,
    Nhái khua nước động, bốn bề tịch liêu!

    ReplyDelete