Bài mới

Nhận xét mới

Bát giác tiêu dao

Sách Lịch triều hiến chương loại chí viết rằng: "Lý Thái Tông mới chế ra thứ mũ gọi là "bát giác tiêu dao" bằng vàng (tên mũ, lối mũ ấy nay không khảo cứu được)". Đây có thể coi là thứ mũ "kiểu Việt" đầu tiên của vua, không phải là thứ mũ miện, mũ biện, mũ xung thiên hay mũ tam sơn vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhưng cũng rất trớ trêu về thứ mũ bát giác tiêu dao này trong lịch sử hình thành hai quan điểm khác nhau. Loại mũ bát giác tiêu dao này vốn lần đầu tiên xuất hiện trong Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ nhà Lý, Lý Thái Tông. Nhưng cũng rất không may Toàn thư lại chép thiếu một chữ, nguyên bản chỉ có "chế kim bát giác tiêu dao". Đời sau không biết bát giác tiêu dao là bát giác tiêu dao cái gì. Phan Huy Chú, Ngô Thì Sĩ cho rằng bát giác tiêu dao ở đây là mũ bát giác tiêu dao. Bản dịch Toàn thư mới của Ngô Đức Thọ cho rằng bát giác tiêu dao là cái ghế chéo hình bát giác thếp vàng. Bản dịch này cho rằng Toàn thư đã chép thiếu chữ "tọa", "bát giác tiêu dao tọa", dẫn theo Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn có chép một loại ghế xếp của người Hồ, có tên gọi là "tiêu dao tọa". Bản dịch cũ của Toàn thư lại dịch là kiệu bát giác tiêu dao.

Sự thiếu sót của Toàn thư dẫn đến không ai biết chắc bát giác tiêu dao là cái mũ, cái ghế hay cái kiệu. Nếu lập luận theo kiểu Vân đài loại ngữ có chép về "tiêu dao tọa" nên chữ chép thiếu là chữ "tọa" thì cũng có thể lập luận rằng thời nhà Tống có thứ mũ gọi là "tiêu dao cân" nên chữ chép thiếu là chữ "cân" (mũ). Nếu coi bát giác tiêu dao là mũ thì có thể phục dựng lại loại mũ này theo kiểu mũ tiêu dao của Trung Quốc, nhưng có 8 góc.

No comments:

Post a Comment