Bài mới

Nhận xét mới

Tràng An

Cách đây ít lâu có bạn hỏi tôi rằng Tràng An là chỉ Hà Nội hay chỉ Hoa Lư. Tôi có trả lời rằng tuy trong lịch sử Hoa Lư còn có tên gọi là Tràng An nhưng Tràng An tựu trung vẫn để chỉ Hà Nội, như Tràng An tứ hổ mà Phạm Đình Hổ có viết tới trong Vũ trung tùy bút. Gần đây lại thấy ông Vương Trí Nhàn viết về Tràng An: "Những cái hay cái đẹp ngoài ta, bao giờ cũng gợi ý muốn chiếm đoạt, nhưng nếu thích quá mà vơ vào mình bằng được, thì lại là một việc nhảm. Người xưa có thể làm như thế. Nhưng người xưa cũng đã tỉnh ra một phần, nên chỉ dùng Tràng An nơi cửa miệng, chứ không đưa nó vào ngôn từ chính thức. Ngày nay chúng ta càng phải tỉnh hơn". Tôi đọc mà thấy phì cười, vì thấy ông Vương Trí Nhàn có hai chữ "tràng an" cũng chưa thủng.  Theo Hán ngữ đại từ điển, "Tràng An" (hay "Trường An") có hai nghĩa: một nghĩa là tên địa danh, kinh đô các triều đại Hán, Đường ở Trung Quốc, như ông Vương Trí Nhàn giải thích. Nghĩa thứ hai của "Tràng An" là chỉ đô thành, kinh đô. Nghĩa này xuất hiện từ thời nhà Đường. Trong bài thơ Kim Lăng của Lý Bạch có câu: "Tấn gia nam độ nhật / Thử địa cựu Trường An". Hiển nhiên Kim Lăng không thể là Trường An. Trường An trong câu thơ "Thử địa cựu Trường An" của Lý Bạch chỉ có nghĩa là đô thành, "Đất này là đô thành cũ". "Tràng An tứ hổ" mà Phạm Đình Hổ viết chính có nghĩa là tứ hổ ở đô thành. Câu thơ "Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" cũng với nghĩa như vậy. Nghĩa đô thành của "Tràng An" là hiện tượng ngôn ngữ bình thường, được sử dụng trong văn chương, cũng giống như trường hợp Kyoto của Nhật chính là "Kinh Đô", vừa là một địa danh, vừa có nghĩa là đô thành. Người Việt Nam sử dụng Tràng An để chỉ Hà Nội chính là sử dụng nghĩa đô thành của từ "Trường An", hoàn toàn không phải "thích quá vơ vào mình bằng được" như ông Vương Trí Nhàn phán. "Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" có nghĩa là dẫu không thanh lịch cũng người đô thành.

2 comments:

  1. thế là giống kiểu gọi xe máy là honda ấy nhỉ

    ReplyDelete
  2. Thợ thuyền như em cúng biết Tràng An là loại Thị Thành "Cao Cấp" có từ xưa cho tới nay từ Tây An cho tới Đông Đô Hà Nội dưng có nhiều nhà cứ "riêng hoá " nó ra làm của riêng chỗ nào đó thôi nên nó lằng nhằng làm cho "chúng cháu" khó hiểu lắm

    ReplyDelete