Bài mới

Nhận xét mới

Lịch sử và nghệ thuật

Cách đây hai năm, trên blog này, tôi từng đã suy nghĩ về lịch sử và hư cấu nhân xem bộ phim Tần ca. Sau đấy tôi đã không triển khai tiếp suy nghĩ của mình. Giờ đây tôi lại thấy vấn đề của hai năm trước quay lại với mình. Bây giờ tôi có thể khẳng định hai điểm sau về quan điểm của tôi về nghệ thuật và lịch sử:
1. Nghệ thuật không phải là minh họa cho lịch sử (hay nói theo kiểu của Kundera: nghệ thuật không phải là tên hầu của sử gia).
2. Hư cấu lịch sử phải nằm trong ý đồ nghệ thuật và mang tính thẩm mỹ.

Các đoạn viết sau là suy nghĩ của tôi hai năm trước, giờ đây tôi tập hợp lại. Vấn đề tôi đặt ra hai năm trước vẫn là vấn đề của hôm nay và mai sau. Tôi không nghĩ là mình đã đặt ra vấn đề trước thời đại, nhưng rõ ràng cần phải có những quan điểm nhất quán về lịch sử và nghệ thuật, không chỉ của các nhà nghệ sĩ, mà còn phải của chính người thưởng thức nghệ thuật.

Tần ca, không phải là một phim xuất sắc. Nhưng kịch bản của bộ phim này khiến tôi suy nghĩ. Kịch bản không tuân theo sự thật lịch sử ở cấp độ thô sơ nhất, cho Doanh Chính làm bạn với Cao Tiệm Ly từ thưở mới sinh. Tác giả kịch bản đã thoải mái hư hấu những câu chuyện cho các nhân vật lịch sử. Ở Việt Nam điều này rất khó được chấp nhận. Tôi nhớ có đọc đâu đó hồi dựng vở Thái hậu Dương Vân Nga, con cháu của dòng họ Nguyễn Bặc, Đinh Điền đã phản đối rất dữ dội. Giữa lịch sử và nghệ thuật, đâu là ranh giới có thể vượt qua? Sự thật lịch sử ở chỗ nào có thể nhường bước cho hư cấu nghệ thuật? Tần ca là một ẩn dụ lớn, hư cấu từ lịch sử cho cuộc chiến dành lòng người thông qua âm nhạc như một tham vọng vừa mang tính bá độc, vừa mang tính hùng tráng. Đạo thanh âm liên thông với chính trị. Và do đó từ ngàn xưa ở phương Đông người ta vẫn luôn muốn vừa kiểm soát thanh âm, vừa tạo ra những tác phẩm bất hủ, vừa mang tính tụng ca, vừa mang tính chân trị. Có gì mâu thuẫn không?

Khi xem bộ phim Tần ca của Chu Hiểu Văn tôi đã tự hỏi đâu là giới hạn hư cấu có thể của nghệ thuật khi tiếp cận với lịch sử? Tần ca từng bị chỉ trích vì đã xuyên tạc lịch sử, cho Cao Tiệm Ly làm bạn nối khố với Tần Thủy Hoàng. Bộ phim từng bị cấm, nhưng sau đó lại được cho phép chiếu. Lịch sử và hư cấu nghệ thuật là một vấn đề phức tạp. Phức tạp không chỉ cho tác giả, mà còn cho cả công chúng và ứng xử của họ đối với tác phẩm. Thế nào là phải và thế nào là không phải?

Một sản phẩm tiêu dùng độc hại cho sức khỏe của người tiêu dùng bị cấm lưu hành sẽ không có ai phản đối. Chất độc bảng A cấm lưu hành đại chúng, cũng không có ai phản đối. Trần truồng ở nơi công cộng cũng bị cấm. Những cấm đoán này dường như rất hiển nhiên và dễ dàng chấp nhận. Nhưng một sản phẩm nghệ thuật bị cấm lưu hành hay lưu hành hạn chế thường tạo ra những phản cảm. Không hẳn vì những nguy hại của một tác phẩm nghệ thuật khó xác định hay xác định không được nhất quán, mặc dù thường là như vậy, mà là nghệ thuật dường như là một địa hạt đặc biệt có những đặc quyền được miễn trừ mặc dù rất khó xác định. Ngay cả những sản phẩm tiêu dùng được xác định là độc hại cho sức khỏe cũng chỉ dựa trên những hiểu biết của con người ở thời điểm hiện tại, có nghĩa là tính độc hại của những sản phẩm đó cũng có thể thay đổi theo thời gian. Giả sử như có một tác phẩm viết rằng Trần Hưng Đạo âm mưu cấu kết với quân Nguyên, hãm hại Trần Ích Tắc, buộc Trần Ích Tắc phải miễn cưỡng nhập Nguyên thì ứng xử của chúng ta với tác phẩm như vậy sẽ như thế nào? Tác phẩm như vậy có nguy hại là xuyên tạc lịch sử và gieo rắc những đánh giá các nhân vật lịch sử dựa trên sự xuyên tạc lịch sử, phá vỡ tính ổn định của văn hóa và truyền thống. Trong nhiều trường hợp, những xuyên tạc lịch sử trong các tác phẩm nghệ thuật lại được bỏ qua vì những lý do khác nhau. Vở kịch Thái hậu Dương Vân Nga đã xuyên tạc Nguyễn Bặc, Đinh Điền câu kết với nhà Tống. Đối với những công chúng không am hiểu lịch sử, vở kịch rất dễ gieo vào tri thức của họ rằng Nguyễn Bặc, Đinh Điền là những tên phản bội tổ quốc.Tôi luôn cảm thấy không ổn ở vở kịch này. Có thể xây dựng các nhân vật hư cấu câu kết với nhà Tống xâm lược hơn là xuyên tạc các nhân vật lịch sử làm việc này. Nhân danh cái gì chúng ta có thể gán cho một người vô tội tội phản bội tổ quốc dù chỉ là trong nghệ thuật? Nếu như một tác phẩm xuyên tạc về một nhân vật có thật cùng thời thì tác giả có thể bị kiện và tác phẩm sẽ bị cấm lưu hành vì tội xuyên tạc hay bôi nhọ, nhưng xuyên tạc một nhân vật lịch sử thì dường như đấy lại là vô can, lại là nghệ thuật. Người chết không thể đội mồ sống lại để khởi kiện tác giả. Đâu là giới hạn cho phép của nghệ thuật? Liệu nghệ thuật có quyền xuyên tạc thoải mái các nhân vật lịch sử? Các nhân vật lịch sử phải chịu khổ nạn vì nghệ thuật và họ không có quyền bảo vệ sự thật về mình trong nghệ thuật?

Ứng xử dân gian đối với các nhân vật lịch sử có thể phát lộ ra những cách tiếp nhận sự thật lịch sử khác. Vụ án Lệ chi viên của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ được dân gian sáng tác thành chuyện rắn báo oán. Bỏ qua những đặc điểm vay mượn có thể từ các nền văn hóa khác vốn là đặc điểm khá phổ biến của các câu chuyện dân gian, chuyện rắn báo oán có thể coi là một là một tác phẩm nghệ thuật tiếp cận lịch sử. Dân gian có thể thoải mái biến các nhân vật lịch sử thành rắn, thành hổ mà không gây ra những phản cảm về xuyên tạc lịch sử. Những chi tiết hư cấu mang tính phi thực như vậy tuy không phải là sự thật lịch sử nhưng cũng không xuyên tạc những nhận thức lịch sử về các nhân vật lịch sử được nói đến. Tức là ở đấy không có mâu thuẫn đối kháng giữa hư cấu và lịch sử.


6 comments:

  1. Chỉ có bác ĐÔng A mới có thể nghĩ ra cái môn nghệ thuật lấy lịch sử ra làm trò đùa của nghệ thuật?

    ReplyDelete
  2. Nếu so ra thì Tam Quốc Diễn Nghĩa cũng "xuyên tạc" rất nhiều so với chính sử, mà dễ so sánh nhất là Tam Quốc Chí chẳng hạn.

    Quo Vadis cũng bịa rất nhiều về các nhân vật lịch sử, bên cạnh những nhân vật hư cấu.

    Cách đây vài năm, phút cuối đời của Trần Quang Diệu, trong một tác phẩm văn chương, cũng được "kể" theo một hướng khác so với những gì chúng ta từng được nghe.

    Kết luận là xuyên tạc hay không xuyên tạc tùy vào cách nhìn nhận vấn đề của anh. Cụ thể là anh coi những thông tin mà anh có được lâu nay mặc nhiên đúng, hay chỉ là những giả thuyết, và việc anh, với tư cách là một nghệ sĩ sáng tác, có quyền đưa ra những giả thuyết mới cho một sự kiện, con người nào đó hay không.

    Bây giờ nếu có những tác phẩm nghệ thuật viết rằng cụ bà Dương Vân Nga và (vụ khác) cụ ông Lý Công Uẩn giết vua thì có phải là xuyên tạc không? Tôi nghĩ là khó có thể nói chắc chắn 100% là xuyên tạc được, vì trước hết là chính sử tờ mờ, hoặc không giải thích thỏa đáng, hoặc thiếu lô dích. Chính sử mà như thế thì tại sao những tác phẩm nghệ thuật lại tự giới hạn mình bằng cái lằn ranh xuyên tạc hay không xuyên tạc.

    Điều này cũng tương tự như cái chuyện mũ mão mà bác Đông A đang bàn đấy thôi...

    ReplyDelete
  3. "rõ ràng cần phải có những quan điểm nhất quán về lịch sử và nghệ thuật, không chỉ của các nhà nghệ sĩ, mà còn phải của chính người thưởng thức nghệ thuật."
    Quá áp đặt, nghe giống như huấn thị của đảng.
    Dumas nói Lịch sử là cái đinh để treo các tác phẩm của mình.
    Ý kiến của đám đông thì phải khác nhau. Đừng triết lý và cho rằng chỉ có mình đúng, mọi người sai bét hết.

    ReplyDelete
  4. Không thấy có chữ "những" à: "những quan điểm nhất quán về lịch sử và nghệ thuật".

    ReplyDelete
  5. @Do nói như vậy các bác nghệ sĩ muốn sáng tác lịch sử thế nào? bà kon phải chịu à?

    ReplyDelete
  6. @Thaydoi73: Nếu những sáng tác ấy được làm ra để bán cho hội sử học hoặc bảo tàng thì cũng nên cân nhắc việc "sáng tác", còn bán cho dân xem thì vô tư. Nhân vật lịch sử được "sáng tác" và nói vống lên nhiều nhất là Hồ Chí Minh đấy, sao không ai nói gì cả?

    ReplyDelete