Bài mới

Nhận xét mới

Côn Luân của Phượng Ca

Cũng đã lâu rồi tôi không đọc các tiểu thuyết kiếm hiệp, nói theo ngôn ngữ giang hồ là không còn "luyện chưởng" nữa. Thực ra tôi cũng không đọc nhiều truyện kiếm hiệp, không biết cái thế giới võ lâm văn chương đấy giờ phát triển ra sao, thành tựu như thế nào, có những ngôi sao nào mới nổi. Kiến thức của tôi về văn chương kiếm hiệp vẫn chỉ quanh quẩn với Kim Dung, Cổ Long, nghe thêm tới Ôn Thụy An, Huỳnh Dị. Tôi cũng không định mua bộ Côn Luân của Phượng Ca, vì thoạt đầu nghĩ rằng mình chẳng biết cái tên Phượng Ca này là ai, có khi cũng chỉ như loại Ưu Đàm Hoa, tha về chật nhà, song nghĩ lại cũng đương rảnh rỗi, chưa biết đọc gì, sao không thử luyện một bộ xem sao. Nhìn bộ Côn Luân bảy quyển cũng hơi khiếp, song nghĩ rằng truyện chưởng đọc kiểu nào cũng được, từ đầu đến cuối, hay từ cuối lên đầu, đọc xen ngang, trước sau lộn xộn thế nào cũng được, nên cũng không ngại mua về một bộ.

Có lần tôi nghĩ về thi pháp tiểu thuyết kiếm hiệp. Tôi tóm lại bằng: phiêu lưu, trinh thám, kinh dị, lãng mạn, tự sự. Một bộ tiểu thuyết kiếm hiệp thường được kết cấu trên nền tảng của 5 yếu tố như vậy. Tiểu thuyết kiếm hiệp thường hay được xây dựng trên những chuyến đi, phiêu lưu của các nhân vật. Có thể là tầm sư học đạo, truy tìm kho báu, chiến tranh đưa đẩy ... Yếu tố trinh thám thể hiện rõ nhất trong các vụ án, các cuộc tranh giành trong võ lâm. Chữ "kinh dị" không được chuẩn lắm, ý tôi muốn nói đến những thứ vượt ra ngoài hiện thực, khiến ta phải kinh ngạc hay sững sờ.Truyện kiếm hiệp nào cũng phải có "kinh dị". Võ công là một đặc điểm của "kinh dị". Những kết cấu "kinh dị" có thể kể đến như vô chiêu thắng hữu chiêu, người kiếm hợp nhất, người sử kiếm, kiếm sử người ... Lãng mạn là những câu chuyện tình lồng ghép, anh hùng - mỹ nhân, tam giác tình yêu ...Tự sự là yếu tố khó phân biệt nhất trong tiểu thuyết kiếm hiệp.  Nhưng nếu coi tự sự là một chuỗi tiếp nối các chủ đề, motive, nội dung tạo ra cấu trúc logic, nhân quả của câu chuyện, thì sẽ thấy tại sao tiểu thuyết kiếm hiệp cần phải tiến triển như vậy, chẳng hạn, tại sao đến đây nhân vật này cần phải chết.  Bộ Côn Luân của Phượng Ca không có kết cấu trinh thám, không có những bí mật, mưu kế lồng móc vào nhau, trùng lớp, mà  thường phải đến cuối truyện những bí mật mới được giải tỏa. Côn Luân chỉ có phiêu lưu, kinh dị, lãng mạn và tự sự.

Côn Luân là tiểu thuyết kiếm hiệp truyền thống. Ở đây sẽ nảy sinh ra câu hỏi thế nào là truyền thống. Truyền thống được hiểu là cấu trúc tiểu thuyết thông thường như các tiểu thuyết kiếm hiệp đã định hình trong dòng văn học kiếm hiệp. Thật ra đọc Côn Luân sẽ thấy có những cấu trúc phảng phất như của Kim Dung. Chẳng hạn như trận chiến ở Hợp Châu có nét phảng phất trận chiến trong Thần điêu đại hiệp, đoạn luận về tranh vẽ trên quạt của Lương Văn Tĩnh phảng phất như Hoàng Dung luận bức tranh lụa ở Thái hồ trong Anh hùng xạ điêu, Trung Điều Ngũ Bảo có nét như Lục cốc đào tiên trong Tiếu ngạo giang hồ.

Phượng Ca có ý thức xây dựng cấu trúc tiểu thuyết trong Côn Luân. Trong Côn Luân tiền truyện, tên các chương là tên các điệu từ khúc. Nhưng tôi nhận thấy cấu trúc của các điệu từ khúc không phản ánh vào cấu trúc các chương của tiểu thuyết. Phượng Ca chỉ mượn tên các điệu từ khúc, lấy ý nghĩa các tên gọi này làm chủ đề cho các chương, chẳng hạn, chương cuối cùng trong Côn Luân tiền truyện, có tên là Mãn giang hồng, một điệu từ, nhưng cũng chỉ hàm ý chủ đề của một chương truyện về một trận chiến tàn khốc, tựa sông loang máu đỏ, như một bản hùng ca.

Điểm mới trong Côn Luân của Phượng Ca là đã đưa ra nền tảng toán học và thiên văn của võ công. Thực ra hai nền tảng này cũng đã xuất hiện trong các tiểu thuyết kiếm hiệp trước đây, nhưng đến Côn Luân chúng trở nên rõ nét, cơ bản và đặc sắc. Có lẽ đây là điểm thành công của Phượng Ca. Côn Luân đã thoát ra khỏi sự phân chia chính tà, địch ta như thường thấy trong các tiểu thuyết kiếm hiệp. Ở Côn Luân hành sự của các nhân vật không nhất thiết phải thế này, hay không phải thế này, mà chỉ hợp theo nghĩa dưới tác động của những thay đổi của bối cảnh xung quanh. Đấy là thân phận con người trong những giai đoạn biến động của lịch sử rất mỏng manh, dễ thương tổn, đầy bất trắc và khó đoán định.



10 comments:

  1. Cảm ơn sự chia sẻ cái hay của Côn Luân.Tôi đang ngập ngừng vì cả bộ >400.000/tiếc.Vì nhiều lần mua sách về đọc xong thấy chán và phí. Thấy giới thiệu cô dịch giả không lấy nhuận bút của 4.000 bản in để giảm giá cho đầu sách.Phục lăn.
    Đông A cho ý kiến cái vụ phạt an Quát(?) 30.000.000 đồng?

    ReplyDelete
  2. Bộ này cũng đắt, nhưng tôi mua mất 315000. Tôi nghĩ trên mạng chắc thể nào cũng có ebook, chịu khó google thì đỡ tốn tiền :-)

    Nói chung sách của Việt Nam khá đắt. Có lần tôi thử so sánh giá sách ở VN và giá sách trên amazon cùng 1 quyển (1 quyển là bản dịch tiếng Việt, quyển kia cũng là quyển đấy nhưng là bản dịch tiếng Anh) thông qua PPP thì thấy giá sách ở VN đắt hơn. Thực chất sách của VN là mặt hàng độc quyền. Rất tiếc nhà nước không làm gì để giảm giá sách. Thực ra nếu mọi người đồng tâm có thể tẩy chay, không mua sách.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Toi rat thich doc truyen kiem hiep,ma thu that bo ra gan 400k mua 1 bo truyen toi phai suy nghi lai,vi minh kinh te khong co du da nhieu,ban co the share cho minh doc duoc khong,minh o binh duong,tp tdm hoac ai co thi share dum minh

      Delete
  3. không mua sách nữa thì e "triệt để" quá, theo tôi cái cần trong tình thế giá sách cao là có thêm các thư viện mở cửa rộng rãi cho mọi đối tượng. Những thư viện lớn ở Saigon hiện nay chỉ mở cửa cho SV mà thôi.

    nhưng với người mê sách thì giá có thế nào họ cũng sẽ mua (dù mua ít lại) mà thôi.

    ReplyDelete
  4. ở VN mua sách lậu được mà :)

    ReplyDelete
  5. Nói thật thì mình chẳng biết đến truyện của Kim Dung, Cỏ Long hay Ôn Thụy An gì cả, đơn giản vì mình chưa bao giờ đọc truyện kiếm hiệp, cho đến khi biết đến Côn Luân.
    Cũng tình cờ mình đọc 1 bài giới thiệu nên mới mò bản onl đọc thử, là bản dịch của Alex ở vietkiem.
    Cá nhân mình ko thích bản dịch này lắm nhưng đã bị câu truyện cuốn hút. Định mua sách nhưng ko biết chất lượng dịch của sách thế nào. Dù sao cũng hơn 300.000đ, ko phải số tiền nhỏ nên muốn hỏi ý kiến bạn để tham khảo (tránh sao này lại hối hận :-s).

    ReplyDelete
  6. Tôi nghĩ bản sách in cũng chính là bản online. Nếu đọc được online thì cần gì phải mua bản in.

    ReplyDelete
  7. Đúng như bạn nói, đã đọc onl rồi thì mình cần gì mua sách in (trừ khi tâm huyết lắm mới mua mà lưu lại 1 bản) nhưng CL mình chỉ tìm đc đến Q4 phần 2, còn 2Q cuối rút cuộc cũng phải mua sách in. Hừm, 316k, thật cũng không ít.
    Bản in cũng ko giống bản onl, những chỗ dùng từ ngữ hơi hiện đại quá trong bản onl đã được chau chuốt nhiều hơn,tính ra thì mua cũng đáng :).

    ReplyDelete
  8. bây giờ mà comment thì chắc muộn màng lắm nhỉ, nhưng phải nói thật, đối với tôi, bỏ một số tiền như thế để mua Côn Luân tôi cảm thấy xứng đáng. Thời buổi hiện nay, giữa một rừng sách đủ loại thượng vàng thì ít mà hạ cám thì nhiều, Côn Luân quả là một tác phẩm hay.

    ReplyDelete
  9. Phần đầu của CL rất tuyệt. Mình thích cách tác giả lồng toán học vào võ công, làm công phu cũng trở nên logic hợp lý và khoa học hơn. Nhưng phần sau của truyện bắt đầu đề cập nhiều đến chuyện tình cảm lằng nhằng rắc rối dây dưa của nv chính, đặc biệt là cái kiểu đi đâu cũng vương tơ tình như thế.

    Nhất là đến Q7 rồi là bực ko chịu được, tình cảm ko dứt khoát thì dù có lấy cái cớ hiệp nghĩa gì đi nữa vẫn làm độc giả như mình rất khó chịu. Tóm lại thì anh ấy cũng ko thoát được cái bóng kiếm hiệp cổ điển đó. (Điều này làm mình khá thất vọng, có lẽ là hy vọng nhiều quá nên mới thất vọng nhiều như vậy :-<)

    ReplyDelete