Bài mới

Nhận xét mới

Nhất dĩ quán chi

Trong Sử ký, Tư Mã Thiên chép Khổng Tử nói rằng: "Những kẻ không hạ thấp cái chí của mình, không làm nhục cái thân của mình đo là Bá Di, Thúc Tề; Liễu Hạ Huệ và Thiếu Liên, thì hạ thấp cái chí của mình, làm nhục cái thân của mình. Ngu Trọng, Di Dật ở ẩn, không nói gì về việc đời, khi làm quan thì giữ được sự thuần khiết, khi bị bỏ thì theo đúng hoàn cảnh. Ta thì không phải như họ, ta không chủ trương cứng nhắc phải thế này, hay không thể thế này." Lời lẽ này của Khổng Tử phù hợp với Luận ngữ khi bàn về quân tử: Người quân tử ở trong thiên hạ không chủ trương phải thế này hay không phải thế này, chỉ hợp nghĩa thì làm. "Nghĩa" là một khái niệm khó xác định hiển ngôn, có nghĩa là đấy là một khái niệm không có định nghĩa. Tuy không có định nghĩa, "nghĩa" cũng không phải là một khái niệm tùy tiện, ba phải. "Nghĩa" là điểm nhất quán giữa tri thức và hành động. Tri thức và hành động là tri thức và hành động của người có tri thức và hành động đấy, không phải là tri thức và hành động của thiên hạ. Thiên hạ không phải là một quy chuẩn, lại càng không phải là khuôn thước để phải thế này hay không phải thế này. Sử ký chép rằng một đứa trẻ trong làng nói rằng Khổng Tử biết nhiều, nhưng không chuyên về một mặt nào. Khổng Tử nói rằng: "Ta biết chuyên về nghề gì? Vào nghề đánh xe chăng? Vào nghề bắn tên chăng? Ta chuyên về nghề đánh xe vậy?" Ở đây ý muốn Khổng Tử phải chuyên về một mặt nào đấy là ý muốn của nhiều người, được thể hiện qua phát ngôn của một đứa trẻ trong làng. Phát ngôn của một đứa trẻ là phát ngôn ấu trĩ (ấu trĩ là trẻ con). Đấy là cách thể hiện của Sử ký. Những ý muốn một người nào đấy phải thế này hay không phải thế này, không đếm xỉa đến tính nhất quán giữa tri thức và hành động của người đấy là một ý muốn trẻ con.


1 comment:

  1. Trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung có nhân vật ngụy quân tử Nhạc Bất Quần do luyện quỳ hoa bảo điển mà phải tự thiến. Vì là ngụy quân tử (tức là còn đáng khinh hơn chân tiểu nhân) nên y rất sợ thiên hạ biết mình chỉ là kẻ tiện tiểu nhân. Bởi thế y luôn tìm mọi cách rêu rao y là quân tử và luôn miệng chê kẻ khác là tiểu nhân. Khổ một điều là người quân tử "trính chực" chẳng bao giờ phải rêu rao như vậy. Càng rêu rao y càng lộ mặt là NGỤY QUÂN TỬ. Thiên hạ tinh lắm !

    ReplyDelete