Bài mới

Nhận xét mới

Einstein vẫn đúng?

Tháng trước cả thế giới xôn xao về kết quả thí nghiệm neutrino nhanh hơn ánh sáng của thí nghiệm OPERA. Giờ đây một thí nghiệm khác, thí nghiệm ICARUS, song hành cùng thí nghiệm OPERA thông báo bằng chứng cho thấy neutrino không thể nhanh hơn ánh sáng. Thí nghiệm ICARUS cũng đo chùm neutrino từ CERN ở Thụy Sĩ xuyên ngầm qua dãy Alps đến Gran Sasso ở Italy. Nhưng thí nghiệm ICARUS không đo vận tốc của neutrino, mà tìm kiếm bức xạ Cherenkov của chùm neutrino. Bức xạ Cherenkov là bức xạ điện từ của một hạt tích điện chuyển động trong một môi trường với vận tốc lớn hơn vận tốc pha của ánh sáng trong môi trường đấy. Hiện tượng bức xạ này được nhà vật lý Liên Xô Cherenkov khám phá, và được hai nhà vật lý Liên Xô là Frank và Tamm giải thích bằng lý thuyết. Năm 1958 Cherenkov, Frank và Tamm được trao giải thưởng Nobel về bức xạ Cherenkov. Bức xạ Cherenkov tương tự như hiện tượng tiếng nổ âm thanh do máy bay siêu thanh tạo ra khi bay với vận tốc lớn hơn vận tốc âm thanh. Sau khi thí nghiệm OPERA công bố về vận tốc nhanh hơn ánh sáng của neutrino, hai nhà vật lý Mỹ Cohen và Glashow công bố một tính toán lý thuyết cho thấy nếu neutrino chuyển động nhanh hơn ánh sáng thì chúng sẽ mất mát năng lượng rất nhanh thông qua phát xạ cặp electron-positron, tương tự như bức xạ Cherenkov. Glashow từng được giải thưởng Nobel về lý thuyết tương tác yếu cùng với Weinberg và Salam. Công bố của Cohen và Glashow cho thấy kết quả năng lượng đo được của chùm neutrino trong thí nghiệm OPERA mâu thuẫn chính với kết luận neutrino nhanh hơn ánh sáng cũng của chính thí nghiệm OPERA. Thêm vào đó, thí nghiệm ICARUS khẳng định không quan sát thấy phát xạ cặp electron-positron hay bức xạ gamma từ chùm neutrino, và như vậy đã bác bỏ kết luận neutrino chuyển động nhanh hơn ánh sáng của thí nghiệm OPERA. Vậy thí nghiệm OPERA có sai sót ở đâu không hay vẫn đúng, vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Nhưng hiện nay đã có ít nhất một thí nghiệm khác, thí nghiệm ICARUS, bác bỏ nó, tuy không trực tiếp đo vận tốc neutrino, mà thông qua phân tích phân bố năng lượng của chùm neutrino. Einstein vẫn là một tượng đài vững chắc, dường như không thể bị lật đổ và thách thức bất kỳ ai muốn húc đầu vào đấy. 

9 comments:

  1. Thế bác Đông A còm thế nào với luồng ý kiến cho rằng Thuyết tương đối không phải là của Einstein, mà là của Hilbert

    ReplyDelete
  2. Chắc không phải là Hilbert mà là Poincare. Tuy nhiên Poincare đã cho rằng có thời gian thật và thời gian biểu kiến, do vậy vẫn chưa thực sự xây dựng được thuyết tương đối. Mặc dù vậy, tên của ông vẫn được đặt cho nhóm Poincare, nhóm đối xứng của thuyết tương đối.

    ReplyDelete
  3. Không đâu bác ạ, đã có những tài liệu chứng tỏ phương trình cơ bản trong Thuyết tương đối là của Hilbert.

    ReplyDelete
  4. Nếu là phép biến đổi Lorentz thì tất nhiên chúng đã được biết trước bài báo về thuyết tương đối của Einstein và Einstein biết điều đó.

    ReplyDelete
  5. Mời bác đọc đoạn đầu trong trang sau
    http://bookz.ru/authors/igor_-6afarevi4/shafar02/page-31-shafar02.html (bác có thể tìm đọc toàn văn dễ dàng trên net). Kính bác.

    ReplyDelete
  6. Chắc là JanSb nói về phương trình Hilbert-Einstein của thuyết tương đối rộng (thuyết tương đối tổng quát). Einstein công bố phương trình này ngày 25/11/1915, Hilbert công bố ngày 20/11/1915. Tuy nhiên chắc chắn Hilbert chịu ảnh hưởng lớn của Einstein. Ý tưởng quan trọng nhất, "Trường hấp dẫn là hình học" là của Einstein. Đọc thêm Pais, Subtle is the Lord: the Science and the Life of Albert Einstein, khoảng trang 280.

    ReplyDelete
  7. Tôi có một post trước damtson's nhưng hình như 'bị thu hồi'.

    ReplyDelete
  8. Cái mà JanSb nói đến có lẽ là tác dụng Hilbert-Einstein do Hilbert (vốn là nhà toán học thuần túy) đưa ra.

    Về hai thí nghiệm OPERA và ICARUS, kết luận rất đơn giản là: Vận tốc ánh sáng không phải là hằng số mà phụ thuộc vào hấp dẫn. Tốc độ ánh sáng trong đường hầm (hấp dẫn mạnh) thì lớn hơn so với trên mặt đất. Neutrino chuyển động trong đường hầm với tốc độ lớn hơn C ở mặt đất nhưng vẫn phải nhỏ hơn C ở đường hầm, nghĩa là không thể có bức xạ Cherenkov.
    Nếu giả thuyết về sự non-constant của C là đúng, thì người ngồi trong thang máy rơi tự do xuyên qua tâm trái đất có thể làm thí nghiệm đo vận tốc ánh sáng (local) để xác định vị trí của thang máy (so với tâm trái đất.)

    ReplyDelete
  9. Cảm ơn bác Đông A cuối cùng cũng cho 'in' post của tôi, chứ không mọi người cứ 'đoán già đoán non'. Regards.

    ReplyDelete