Bài mới

Nhận xét mới

Nhân gian thất cách

Nhân gian thất cách là tác phẩm hoàn chỉnh cuối cùng của Dazai Osamu. Có thể nói đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Nhân gian thất cách từng được dựng thành phim, phim hoạt hình, được vẽ thành truyện tranh. Có những bộ phim tuy không dựa vào nội dung của Nhân gian thất cách nhưng được dựng từ cảm hứng từ tiểu thuyết và mang tên gọi Nhân gian thất cách. Nhân gian thất cách kể về một nhà văn tình cờ được một bà chủ quán rượu đưa cho ba quyển sổ ghi chép của một người kể về cuộc đời của chính mình từ thưở nhỏ cho đến lúc "cả hạnh phúc lẫn bất hạnh đều không có". Nhà văn đấy đọc thấy ba quyển sổ ghi chép thú vị và ông công bố chúng thành tiểu thuyết Nhân gian thất cách. Đấy là một tiểu thuyết mà người đọc có thể khai phá ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tôi thấy có ít nhất 4 vấn đề:

1. Tiểu thuyết tư
2. Cấu trúc tiểu thuyết
3. Quái
4. Hiện sinh

1. Tiểu thuyết tư

Tiểu thuyết tư (tư tiểu thuyết, shishosetsu hay watakushi shosetsu [shosetsu là tiểu thuyết]) là một thể loại văn học của văn học hiện đại Nhật Bản. "Tư" là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, có nghĩa là tôi. Về mặt Hán ngữ, "tư" còn có nghĩa là riêng, việc riêng tư, cá nhân của mình, không phổ biến cho mọi người khác biết. Như vậy đặc điểm hình thức thường thấy ở tiểu thuyết tư là tác giả sử dụng đại từ ngôi thứ nhất để tự sự. Ở đấy tác giả, nhân vật và người tự sự là một. Trong Nhân gian thất cách, có hai đại từ ngôi thứ nhất khác nhau được sử dụng. Một là watashi (tư) dùng trong lời nói đầu và lời cuối, là đại từ nhân xưng của nhà văn người tình cờ được đọc ba cuốn sổ ghi chép và công bố chúng. Hai là jibun, đại từ phản thân được chính chủ nhân ba quyển sổ ghi chép sử dụng để chỉ chính mình như một đại từ nhân xưng. Như vậy ở Nhân gian thất cách có hai cái tôi, nhưng ở một khía cạnh nào đấy, chúng là nhân vật mà cũng chính là tác giả. Về mặt nào đấy, tiểu thuyết tư có vẻ giống như tự truyện, nhưng thông thường tự truyện hay được hiểu là không hư cấu. Có những tự truyện hư cấu (fictional) và tự truyện giả (fake) nhưng tôi cho rằng chúng khác với tiểu thuyết tư. Tiểu thuyết tư là tiểu thuyết hư cấu trên nền tảng thống nhất ba là một: tác giả - nhân vật - người tự sự. Tự truyện hư cấu là tự truyện của một nhân vật hư cấu do tác giả dựng lên, không đồng nhất với chính tác giả. Tự truyện giả là tự truyện mà ký ức hay một phần ký ức là bịa. Hư cấu (fiction) và bịa (fabrication) là các khái niệm khác nhau. Một số nhà văn Việt Nam hay nói văn học là bịa là đã không hiểu sự khác nhau giữa hư cấu và bịa. Tiểu thuyết tư là hư cấu và không bịa. Nhưng về mặt cơ bản, thực chất, người đọc không thể nhận ra được những yếu tố hư cấu trong tiểu thuyết tư có phải là bịa hay không, bởi vì những yếu tố riêng tư, không một ai ngoài tác giả có thể biết được, nhưng về mặt mỹ học, tiểu thuyết tư yêu cầu tác giả không bịa ra những suy tư, tưởng tượng của mình trong lốt vỏ nhân vật của tiểu thuyết. Đặc điểm hư cấu trong Nhân gian thất cách chính là nhân vật Oba Yozo, chủ nhân của ba quyển sổ ghi chép tự sự về chính mình. Oba là nhân vật hư cấu, không có đặc điểm trùng khớp thật sự với các sự kiện của chính tác giả Dazai Osamu. Điều này có thể kiểm chứng bằng tiểu sử của Dazai Osamu, chẳng hạn lần tự tử đầu tiên của Dazai là do không hy vọng vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp cuối cùng, trong khi ở nhân vật Oba không có sự kiện như vậy.  Nhưng Oba lại chính là nhân vật với những đặc điểm tưởng tượng được tác giả hư cấu trên chính mình. Có thể thấy, ví dụ, cú tự tử của Oba với người con gái bán bar ở Kamakura là yếu tố hư cấu từ sự việc Dazai tự tử với một người con gái bán bar cũng ở Kamakura sau khi bị đuổi khỏi gia đình. Sự việc này không chỉ đơn thuần là thay tên đổi họ trong tiểu thuyết. Đấy thực sự là một hư cấu, nhưng là một hư cấu trên chính sự kiện của tác giả, và có thể thấy nỗi niềm không giả tạo của tác giả trong hư cấu: "Chỉ còn ba đồng xu. Đó không phải là tiền. Chưa bao giờ tôi nếm trải nỗi khuất nhục quái quỷ đến vậy. Nỗi khuất nhục như vậy không thể chịu nổi". Chính vì vậy mà người đọc có cảm tưởng Oba như chính là một Dazai được đưa vào văn chương và tiểu thuyết như là một tự bạch của chính tác giả. Đó là tính hấp dẫn lưỡng đôi của tiểu thuyết tư nói chung và Nhân gian thất cách nói riêng. Người đọc như vừa khai phá nhân vật của tiểu thuyết, lại như vừa khai phá chính tác giả.

2. Cấu trúc tiểu thuyết

Về mặt hình thức, Nhân gian thất cách có 5 chương. Chương đầu và cuối là lời nói đầu và lời cuối, dẫn nhập về câu chuyện và tự sự về nguồn gốc của câu chuyện. Ba chương ở giữa là cốt lõi của tiểu thuyết được viết ở dạng ba quyển sổ ghi chép. Như vậy ba chương ở giữa là tự sự lồng trong tự sự (chương đầu và cuối), mà điểm kết nối là bà chủ quán rượu, một người tình của Oba, và là người đưa ba quyển sổ ghi chép cho nhà văn. Ba chương ở giữa được xây dựng trên ba bức ảnh, xét theo trình tự thời gian, là diễn biến tuyến tính. Nhưng nếu phá bỏ kết cấu thời gian, đấy sẽ là ba cách tiếp cận cuộc sống con người của nhân vật tiểu thuyết. Cách đầu là cách tiếp cận bằng hình ảnh của một con người ngoan ngoãn. Cách thứ hai là cách tiếp cận kiểu quái. Ở cách cuối cùng là đồi phế. Có thể xem như đấy là ba chân vạc của cõi người. Cấu trúc như vậy sẽ phủ khắp các phổ của nhân sinh, làm nổi bật tính hiện sinh của tác phẩm. Con số ba là một con số ma quái. Nhiều hơn ba sẽ là một nhàm chán. Thực sự, tôi không rõ con số ba có ý nghĩa mỹ học gì không, nhưng giả sử không phải là ba quyển sổ ghi chép mà là năm quyển sổ ghi chép thì điều gì sẽ xảy ra? Mỹ học của năm quyển sổ hẳn phải khác với mỹ học của ba quyển sổ. Song có lẽ cuộc đời của một con người cũng không nên thử nghiệm một điều gì đó quá ba lần.

3. Quái

Ba cách tiếp cận cuộc sống con người của Oba chính là ba dạng biến hóa của một cá nhân. Quái (obake) là một thể loại yêu quái trong văn hóa dân gian Nhật Bản để chỉ loài có khả năng biến hóa, tồn tại tạm thời trong một hình dạng nhất định. Quái là từ mà một người bạn của Oba thốt lên khi xem bức chân dung tự họa của van Gogh. Từ vừa được thốt lên này đã chấn động Oba. Không phải chỉ vì Oba cũng có bức chân dung tự họa quái như thế, mà vì chính tâm hồn thực sự che dấu bấy lâu nay của Oba như được sổng ra. Nói như vậy, không có nghĩa Oba là một con quái đội lốt người, hay quái ở trong người. Oba là một con người thật sự, chỉ do sự mất định hướng và không đúng cách trước một cõi người không thể hiểu nổi, không thể cảm nhận nổi, không thể đồng hành nổi, không thể chấp nhận nổi mà những hình thức biến hóa để phù hợp với con người như một con quái đã xảy ra. "Cả cuộc đời tôi toàn là sỉ nhục. Tôi thậm chí không thể phỏng đoán được cần phải như thế nào để sống một cuộc sống của nhân gian", lời tự thú của Oba ngay từ những dòng đầu tiên trong quyển sổ ghi chép của mình. Đấy là cú hích khởi đầu cho những biến hóa, một quái hóa con người. Lần biến hóa đầu tiên, Oba là một người con ngoan ngoãn. Cậu bé dường như có nụ cười rất khả ái, nhưng hai tay lại nắm chặt. Cậu bé luôn che dấu những ý nghĩ thực sự của mình bởi vì không hiểu nổi thế giới xung quanh. Lần biến hóa thứ hai, với nỗi sợ con người và mong muốn không khác người, Oba cố trở thành một tên pha trò. Sau khi tâm hồn che dấu bấy lâu được sổng ra, Oba cố gắng tìm tới cuộc sống của một con người tiếp cận với thế giới xung quanh qua rượu và gái. "Tôi chẳng bao giờ nghĩ gái điếm như là con người hay thậm chí như là phụ nữ. Họ dường như giống như những người ngu đần hay điên rồ. Thế nhưng trong vòng tay của họ tôi cảm thấy an toàn tuyệt đối, tôi có thể ngủ ngon lành". Đấy chính là một hình thức biến hóa tiếp nhận một cộng đồng nhỏ (gái điếm) như một nhân gian, như thấy đấy là nơi chốn của mình, mình thuộc về nơi đấy, không cần phải che đậy hay giấu giếm, như ở cõi người trước đây. Kết thúc cuộc biến hóa lần thứ hai là một cú tự tử bất thành như một dấu hiệu cho thấy sự thất bại của một cố gắng thành nhân. Lần biến hóa cuối cùng là một chuỗi gắng gượng thành người, biến hóa như đồ thị của một hình sin, lúc lên đỉnh tưởng như yên ổn một cuộc sống con người bình thường, rồi ngay đấy lại thất bại xuống đáy, và kết quả là một phế nhân, một người "cả hạnh phúc lẫn bất hạnh đều không có". Tôi nhớ tới nhân vật Đại dương trong tiểu thuyết Solaris của Lem. Đại dương là một thực thể bí ẩn trong vũ trụ, tìm cách tiếp cận với con người, hóa thành những con người mà tâm trí của người được tiếp cận hướng tới. Ba lần tiếp cận con người của Đại dương là ba lần thất bại. Bản chất của Oba, không phải như Đại dương, một hình thức phi nhân, mà là một con người. Con người thất bại trở thành một phần tử của nhân gian - con người. Một thất cách ở cõi người. Một phế nhân như Oba cảm nhận sau ba lần biến hóa bất thành. Đấy là vấn đề về chủ thể con người.

4. Hiện sinh

Chủ nghĩa hiện sinh có nhiều khuynh hướng khác nhau, nhưng trung tâm của chủ nghĩa hiện sinh là tính độc nhất vô nhị của sự tồn tại phi lý của con người. Ngay từ những dòng đầu tiên trong quyển sổ ghi chép của mình, Oba đã viết: "Cả cuộc đời tôi toàn là sỉ nhục. Tôi thậm chí không thể phỏng đoán được cần phải như thế nào để sống một cuộc sống của nhân gian". Đấy chính là sự mất phương hướng, không xác định trước một nhân gian dường như phi lý và vô nghĩa. Ngay từ lúc còn nhỏ, Oba đã cảm thấy sự tồn tại của những thứ xung quanh dường như không phi lý thì vô nghĩa, chẳng hạn như Oba từng nghĩ như vậy về xe điện ngầm hay ăn uống. Cho đến tận cuối cùng của những dòng ghi chép, cảm tưởng của Oba về sự tồn tại của mình là "cả hạnh phúc lẫn bất hạnh đều không có". Đó là kết quả của các thái độ hiện sinh, một sự trống rỗng, vô nghĩa của sự tồn tại của cá nhân. Các biến hóa của Oba, xét trên khía cạnh hiện sinh, chính là trải nghiệm của một cá nhân con người không phù hợp với xã hội xung quanh. Ba cách biến hóa là ba giai đoạn trải nghiệm về sự phi lý của cuộc sống con người. Giai đoạn đầu là sự phi lý của những thứ tồn tại xung quanh, như một đối nghịch với sự tồn tại của cá nhân. Giai đoạn tiếp theo là nỗi sợ hãi con người và dẫn tới sự vô nghĩa của cuộc sống con người, mà kết quả là cú tự tử ở Kamakura. Giai đoạn cuối cùng là nỗ lực phản kháng cuối cùng của cá nhân trước sự tồn tại phi lý của cuộc sống của con người. Sự phản kháng đó tồn tại dưới hình thức sa đọa và trụy lạc. Nỗ lực phản kháng đó càng gia tăng thất vọng về nhân gian, mà kết quả tất yếu của chúng là một thất cách cõi người. Nhân gian trở thành địa ngục của con người. Kết cục của chuỗi trải nghiệm hiện sinh của Oba là một nhân gian vô nghĩa, chân lý của cõi người chỉ là "mọi thứ dần trôi qua". Dazai viết Nhân gian thất cách sau tác phẩm Người xa lạ của Camus 6 năm. Do vậy mà tôi nghĩ rằng Dazai đã chịu ảnh hưởng của Camus. Nếu ở Camus là câu văn bất hủ "Hôm nay mẹ tôi mất, hay hôm qua, tôi cũng không biết nữa" thì ở Dazai ta gặp lại cảm giác trống rỗng tương tự của Oba khi nghe tin người cha của mình mất: "Tôi đã đánh mất năng lực khổ đau".  Nhân gian thất cách không chỉ là một tiểu thuyết tư, nó đồng thời còn là một tiểu thuyết hiện sinh thực thụ. Như vậy đặc tính hiện sinh của tiểu thuyết vừa mang tính hư cấu của tiểu thuyết, vừa mang tính tự thuật của tác giả.

5. Những vấn đề khác

Nhân gian thất cách có thể gợi mở nhiều hướng tiếp cận khác mà tôi sẽ không đề cập tới. Chẳng hạn vai trò của người cha như thế nào đối với cuộc đời của Oba. Xung quanh Oba toàn phụ nữ, nhưng tuyệt nhiên hình ảnh của bà mẹ Oba hoàn toàn vắng bóng trong tiểu thuyết. Liệu những đặc điểm này có ảnh hưởng tâm sinh lý thế nào đến nhân vật Oba. Trên thực tế, bà mẹ của Dazai bệnh tật và Dazai lớn lên không được mẹ chăm sóc. Những người phụ nữ quanh Oba đều là những cá nhân, xét trên khía cạnh nào đấy, đều lỡ dở, và cũng là những dạng "thất cách" ở cõi người. Nỗi khủng hoảng về sự tồn tại của cá nhân con người đối lập với xã hội dường như là tinh thần của thời đại mang tính toàn cầu trong thời của Dazai. Ở Việt Nam, hiện tượng như vậy trong cùng thời điểm (thập niên 1940) không rõ nét lắm, nhưng có thể thấy chút gì đó ở Vũ Hoàng Chương (Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa / Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh) hay thậm chí là ở Nguyễn Tuân (Chiếc lư đồng mắt cua). Cách mạng tháng 8 đã thu hút năng lực của tất mọi người theo hướng khác. Vậy hiện nay, tinh thần của thời đại là gì và điều gì đang được phản ánh ở văn chương thế giới?

6 comments:

  1. Các phim bác Đông A giới thiệu trên blog đều rất hay. Em đã xem Nhân gian thất cách và Tự thú rồi.

    Tiếc là em chưa đọc truyện Nhân gian thất cách. Em thấy bản điện ảnh và bản hoạt hình khác nhau khá nhiều.

    ReplyDelete
  2. Bác Đông A hay bạn Tân có biết tên tiếng Anh của hai bộ phim điện ảnh và hoạt hình của phim này là gì không, để tôi tìm thử?
    Cảm ơn nhiều!

    ReplyDelete
  3. Tên của bộ phim là The fallen angel. Còn phim hoạt hình nằm trong chùm phim hoạt hình 12 tập có tên là Aoi Bungaku Series (4 tập đầu). Chùm phim hoạt hình này toàn về các tác phẩm văn học kinh điển hiện đại của Nhật Bản như của Soseki hay Akutagawa.

    ReplyDelete
  4. Rất vui và rất lộn xộn.
    - Tiểu thuyết tư: bác nói lòng vòng rốt cuộc nó cũng là tiểu thuyết tự sự thôi. “Tự sự” của ai, “tư” là tư nào? Là nhân vật chính chứ ai. Nhân vật ấy sống, nói, nghĩ, cảm thế nào được thuật trực tiếp, xuyên suốt và là giai điệu chính của cuốn sách. Thế thôi. Đừng lôi tác giả vào đây mà luận tác giả chính là hay giống nhân vật chính, giống mấy phần, vì quá thô thiển. Chẳng có quy phạm nào bắt buộc tác giả phải thế này thế khác (nếu thế còn gì là văn chương nữa). Người đọc sẽ tưởng tượng và đó là phần lý thú.
    - Con số 3 ma quái (3 cuốn sổ ghi chép): có lẽ không phải là tình cờ thật mà có dụng ý. Tôi cũng không chắc lắm nhưng nghĩ có thể người Nhật giống (bị ảnh hưởng?) của người Trung Quốc về con số 3. Xét Kinh Dịch, số 2 là số nhiều đầu tiên nhưng không đủ nói hết về tòan bộ thế giới-trời, đất và vạn vật giữa trời đất (trong đó có con người), phải số 3 mới đủ. Và các số nhiều lớn hơn 3 thì thừa mà thiếu bởi rối lọan vì không bao quát hết, không phải biểu tượng độc đáo.
    - Hiện sinh: bác viết “Chủ nghĩa hiện sinh có nhiều khuynh hướng khác nhau, nhưng trung tâm của chủ nghĩa hiện sinh là tính độc nhất vô nhị của sự tồn tại phi lý của con người” tôi e không ổn rồi. Có chăng, nó phù hợp với hiện sinh của Sartre và Camus thôi. Camus thì say sưa phi lý, Sartre thì buồn nôn kiếp người đến độ bảo”mỗi người đều sinh ra không lý do, kéo lê cuộc đời vì nhu nhược, rồi chết vì ngẫu nhiên”. Hehe bàn về triết học nghe gớm quá, tóm lại nói đại khái, triết học hiện sinh là triết học về ý nghĩa cuộc nhân sinh, nôm na tí nữa-là triết học về con người.
    Vô phép, bàn nhăng cuội cho vui. À, phần “quái” bác viết hay.
    Thân ái, LVS

    ReplyDelete
  5. Bác LVS ơi, bàn thì bàn. Việc gì phải rào đón bàn nhăng cuội cho vui.

    ReplyDelete
  6. Cám ơn bác Đông A.

    ReplyDelete