Bài mới

Nhận xét mới

Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa

Photobucket
Yama momiji irihi wo sora e kaesu kana
Issa

Lá đỏ trên núi
mặt trời
quay vào mây

Bài haiku này của Issa có thể tạo ra những cảm nhận khác nhau. Trên núi lá phong rất đỏ, mặt trời cũng không đỏ rực rỡ bằng và lặn vào trong mây. Tôi nghĩ bài haiku này hơi khác. Lá đỏ trên núi rất đỏ và tạo thành một bầu trời đỏ rực rỡ như là mặt trời ẩn trong tầng không chiếu đỏ cả bầu trời. Những chiếc lá phong kết lại thành một bầu trời đỏ rực rỡ trùm lấy nhân gian. Ở đấy không có tâm điểm như mặt trời. Đâu đâu cũng đỏ, đâu đâu cũng rực rỡ. Đó là vẻ đẹp không dựa vào nền tảng của một cá nhân duy nhất. Vẻ đẹp của một tập thể. Tán lá - bầu trời đỏ đấy là cả một vẻ tuyệt mỹ của thiên nhiên. Nhưng không biết dưới tán lá đỏ đấy con người sẽ có cảm giác gì? Có giống như cảm giác yêu ma mà Sakaguchi từng viết dưới tán hoa anh đào nở rộ? Vẻ đẹp quá hoàn mỹ, không tưởng cũng có thể khiến con người đánh mất lý trí của mình. Đó là mặt bên kia của cái đẹp, cái hoàn mỹ và không tưởng.


Photobucket

4 comments:

  1. Rảnh vào nghe lỏm chuyện thơ phú của bác Đ.A cái coi.
    Bác đừng cười, em hay hỏi ngu lắm. Nhưng em lại cứ tưởng câu “Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa” là câu cuối bài tứ tuyệt Sơn hành của Đỗ Mục chứ ạ? Nó như vầy mà:

    “Viễn thượng hàn sơn thạch kính tà,
    Bạch vân sinh xứ hữu nhân gia.
    Đình xa toạ ái phong lâm vãn,
    Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa.”

    Chắc là bác liên tưởng hình ảnh tháng Hai, lá đỏ hơn hoa của Đỗ Mục tới bài haiku của Issa này với mặt trời thay vì lá trong tương quan so sánh sắc đỏ?

    Có thể vì nông cạn, em cũng chỉ thấy cái tứ bài haiku này hay ở chỗ mặt trời (đành) quay vào mây vì lá trên núi đỏ (đến thế). Dù sao cũng công nhận cách hiểu của bác lạ và mới; em hơi chóang bởi thấy xuất hiện cả “cá nhân” và “tập thể” rất hiện đại trong cảm xúc của bác được gợi ra từ một bài cổ thi!

    Dạ, thêm tí nữa: lá phong kết thành “chùm” thì ổn, nhưng bác viết “bầu trời đỏ rực rỡ chùm lấy nhân gian” thì có lẽ không ổn thật. Phải dùng động từ “trùm” chứ, đúng không bác?

    Thân kính, lvs.

    ReplyDelete
  2. Vâng, đúng phải là "trùm". Cám ơn bác! Tôi đã sửa lại.

    ReplyDelete
  3. Bác nói ngắn thế, không phải vì bực mình chứ? Mấy cái chính tả lặt vặt không để ý dễ mắc, chuyện nhỏ nhít thôi.
    Còn phần thơ bên trên em có hỏi, bác giảng thêm mấy câu nữa được không? Chuyện thơ phú, phong hoa tuyết nguyệt là em chúa thích nên hay hóng chuyện, dù còn dốt lắm.
    Kính, lvs

    ReplyDelete
  4. Đâu có vấn đề gì đâu. Đúng là đề mục tôi lấy từ bài Sơn hành của Đỗ Mục. Khi chụp ảnh thực sự tôi chỉ nhớ tới bài thơ của Đỗ Mục thôi. Con bài haiku của Issa về nhà mới thấy.

    ReplyDelete