Bài mới

Nhận xét mới

Hoa mạn đà la

"Đại hoa mạn đà la

Cây hoa này có tên gọi là "đại hoa mạn đà la" theo cách gọi của người Trung Quốc. Tên khoa học của cây hoa là Datura suaveolens hay Brugmansia suaveolens. Người Việt thường gọi cây hoa này là "cà dược dại" hay "cà độc dược". Tôi không thích cái tên "cà dược" này, và gọi cây hoa là hoa mạn đà la đại theo cách gọi của người Trung Quốc. Cái tên "mạn đà la" này mở ra cả một trời tri thức và văn hóa hơn hẳn cái tên "cà dược". Quảng quần phương phổ có chép về hoa mạn đà la. Quảng quần phương phổ dẫn Kinh Pháp Hoa, khi Phật thuyết pháp: "Khi đó trời mưa hoa Mạn-đà-la, hoa Ma-ha Mạn-đà-la, hoa Mạn-thù-sa, hoa Ma-ha Mạn-thù-sa, để rải trên đức Phật cùng hàng đại chúng; khắp cõi Phật sáu điệu vang động". Quảng quần phương phổ còn viết thêm, theo Đạo gia, sao Bắc Đẩu có Đà La sứ giả tay cầm bông hoa như vậy, do đó đời sau gọi bông hoa đấy là Mạn đà la. Trong Tử vi có sao Đà La, đi cùng với Kình Dương, thuộc loại hung tinh, chính là Đà La sứ giả của Đạo gia. Hoa mạn đà la, chép trong Quảng quần phương phổ, được coi là hoa Datura stramonium, cùng một chi với hoa Datura suaveolens này. Nguồn gốc cái tên "mạn đà la" chỉ có như vậy. Kinh sách Phật giáo hay đưa khái niệm "Mạn đà la" thành đa tầng, đa lớp, đa nghĩa, thành ra "Mạn đà la" hay được hiểu theo các nghĩa khác nhau. Tuy nhiên đây chỉ là khái niệm cây hoa mạn đà la trong văn hóa Trung Quốc, không rõ có xuất xứ gốc rễ từ văn hóa Ấn Độ không. Cây mạn đà la là thứ cây độc. Người ta có thể dùng nó để chế ra một loại ma túy hay thuốc mê với cái tên "mông hãn dược" rất hay gặp trong các truyện kiếm hiệp. Tôi nghĩ chính vì tính ma túy của nó mà kinh Phật hay nói hoa mạn đà la là vô ưu, nhưng không tìm được kinh sách khẳng định khái niệm vô ưu này. Theo thần thoại Hindu, thần Shiva hút một loại thuốc làm từ hoa Datura. Không rõ đây có phải là gốc tích vô ưu của hoa mạn đà la. "Thiên vũ tán hoa", mưa trời rải hoa, chính là nói về hoa mạn đà la trong kinh sách Phật giáo.

Tới Khê Đầu tôi thấy khá nhiều cây mạn đà la đại này. Đâu có ưu tư mà phải cần mạn đà la để vô ưu? Chiều nào chẳng mưa, sáng nào chẳng mây, thêm nỗi vô ưu, phải chăng chính là Cực Lạc?

Trần Dữ Nghĩa thời Tống có bài thơ Hoa mạn đà la sau:

Ngã phố thù bất tục
Thúy nhuy phu ngọc phòng
Thu phong bất cảm xúy
Vị thị thiên thượng hương
Yên mê kim tiễn mộng
Lộ túy mộc cừ trang
Đồng thời bất đồng điệu
Hiểu nguyệt chiếu đê ngang

Bản dịch của tôi:

Vườn tớ khác xa tục
Lá xanh phòng ngọc khơi
Gió thu không dám thổi
Như phải hương trên trời
Kim cúc khói mê mộng
Phù dung sương đắm lơi  
Cùng thời không cùng điệu
Cúi ngửa sớm trăng soi

 曼陀羅花
我圃殊不俗
翠蕤敷玉房
秋風不敢吹
謂是天上香
煙迷金錢夢
露醉木蕖妝
同時不同調
曉月照低昂
  陳與義

Đại hoa mạn đà la

5 comments:

  1. dịch thơ thế này thì bằng hiếp thơ!

    ReplyDelete
  2. Bác Đông A, em nghĩ câu thứ 2 trong bản dịch nếu dùng từ đúng hơn thì từ "phơi" chuẩn hơn là "khơi" chứ nhỉ? Từ "khơi" khó hình dung hơn với người đọc, mà như lại không sát nghĩa hơn so với nguyên bản.

    ReplyDelete
  3. Hình như Basho có 1 bài thơ, có bản dịch tiếng Việt:

    Đong đưa đôi cánh lá
    Rơi một đóa mạn đà trắng xóa
    Xuống giếng đời tối tăm

    ReplyDelete
  4. Các bác muốn tìm hiểu chi tiết thì xem ở đây này: https://1top.vn/tin-tuc/cay-man-da-la/

    ReplyDelete