Bài mới

Nhận xét mới

Người cứ buồn thương cỏ cứ xanh

Photobucket

Tôi chợt nhớ tới câu thơ này của Nguyễn Du: Nhân tự bi thê thảo tự thanh. Người cứ buồn thương cỏ cứ xanh là câu thơ dịch của tôi nhiều năm trước đây. Cỏ cứ bời bời tươi tốt mà con người cứ buồn thương vô hạn. Tôi không biết tại sao xanh tươi lại cứ đối nghịch với buồn thương. Không có nỗi buồn màu xanh ngút ngàn trải tận cuối chân mây hay sao? Màu thời gian không xanh, màu thời gian tím ngắt. Nếu có chìm đắm trong tâm tưởng về một quá khứ đã qua, nơi đấy thời gian cũng không có màu xanh ngút ngàn.

Bài thơ của Nguyễn Du mà tôi dịch cách đây cũng đã lâu là bài Thanh minh ngẫu hứng. Tiết Thanh minh đã qua lâu rồi, hôm nay đã là ngày Hạ chí.

Đông phong trú dạ động giang thành
Nhân tự bi thê thảo tự thanh
Xuân nhật hữu thân phi thiếu tráng
Thiên nhai vô tửu đối Thanh minh
Thôn ca sơ học tang ma ngữ
Dã khốc thời văn chiến phạt thanh
Khách xá hàm sầu dĩ vô hạn
Mạc giao mao thảo cận giai sinh

Bản dịch thơ của tôi:

Gió đông sớm tối lộng bên thành
Người cứ buồn thương cỏ cứ xanh
Xuân đến nào thân thời trẻ khỏe
Trời bên không rượu tiết Thanh minh
Câu ca trong xóm hay canh cửi
Tiếng khóc ngoài đồng tưởng chiến tranh
Quán trọ ôm sầu khôn kể xiết
Gần thềm chớ để cỏ leo quanh

Bài thơ này có hai lần nhắc đến cỏ. Cỏ cứ xanh và chớ để cỏ mọc gần thềm nhà. Cỏ như một đối lập của chính nhân. Cây cỏ bé nhỏ nhưng lại đa nghĩa. Tìm hiểu về cỏ cây hoa lá xứ lạ tôi nhận thấy rất khó biết được tên các loại cỏ. Chúng giống nhau và cũng rất khác nhau. Có nhiều loại cỏ khác nhau, nhưng tôi chịu không thể tra được tên gọi của chúng. Cỏ trong ảnh ở trên là một loại, cỏ trong ảnh ở dưới là loại khác. Trong ảnh ở dưới cỏ tai hổ được trồng lẫn vào đám cỏ xanh. Lá cỏ tai hổ bị chìm khuất dưới đám cỏ xanh nên không trông thấy. Những bông hoa cỏ tai hổ trông như những cánh cò trắng đang đậu trong rặng tre xanh ngát. Đấy là tưởng tượng của tôi khi chụp tấm hình này.

Photobucket

3 comments:

  1. Cỏ xanh trong tiết Thanh minh hỏi sao không buồn. "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".

    "Người cứ buồn thương cỏ cứ xanh"-câu thơ này có thể đứng riêng một mình được. Từ chữ "tự" sang chữ "cứ" tâm tình nó nhiều thêm một bậc.

    Bùi Giáng từng dẫn (hình như trong cuốn Tư tưởng hiện đại) hai câu của Nguyễn Du "Thanh minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh" để khen là hay nhất cổ kim. Suốt đoạn tán thán rộng rãi thê thiết về sau ông (BG) cũng chỉ để lại những câu hỏi tu từ nhưng chủ quan em nghĩ rằng BG cũng cùng 1 tâm thế khi viết:

    Xin chào nhau giữa con đường
    Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.

    Trời đất cứ thế, kiếp nhân sinh bất quá chỉ như để lại một vệt trên cánh đồng cỏ xanh. Mùa xuân sang năm lại tươi tốt.

    ReplyDelete
  2. Nói chuyện "người buồn thương cỏ cứ xanh" em cũng mạo muội chia sẻ bài thơ em viết cách đây ít ngày ...
    Cỏ xanh ơi!
    yêu thương gửi lại
    Mùa hoa Sưa mưa trắng chân trời
    Giã biệt không lời
    Ánh mắt lạc vào muôn lối mưa rơi
    Để màu cỏ xanh ngút ngàn nỗi nhớ

    ReplyDelete
  3. Bác Đông A dịch câu này hay quá, nghe nhẹ nhàng mà sâu lắng ghê, cảm ơn bác nhé!

    ReplyDelete