Bài mới

Nhận xét mới

Đọc lại bài viết cũ

Một bạn đọc hỏi khiến tôi tìm lại bài viết cũ. Bài viết cách đây đã 4 năm đã hơn 50 chục mùa trăng. Giờ đọc lại và tự hỏi mình có bóng hình không và bóng hình của mình như thế nào? Có nỗi cô đơn nào không và nó ra sao? Có cái hạnh phúc của một kẻ vô danh, không cần lo tới hậu thế và lịch sử, hay ít nhất không cần phải bận tâm tới "thiên hạ hà nhân" của ba trăm năm sau. Cái hạnh phúc đấy có như cái hạnh phúc của những người lưu danh thiên cổ? Nhân sinh tự cổ thùy vô tử / Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh. Cái hạnh phúc trên những chiếc thẻ tre xanh đấy, cái hạnh phúc lúc nào cũng canh cánh trong lòng "bất tri tam bách" đấy, cái hạnh phúc lúc nào cũng phải "lưu thủ đan tâm" đấy, cái hạnh phúc đầy lo lắng về cái tương lai không có mặt mình ở đấy?

Những bóng người


Có ba con người trong lịch sử mà tôi chợt nhớ: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Cao Bá Quát. Đó là những con người cô đơn. Nguyễn Trãi từng từ quan, đi ở ẩn, rồi lại ra làm quan, kết cục ba họ bị chém. Nguyễn Du từng hăm hở vào Nam với ý định phò Nguyễn Ánh, bị Tây Sơn bắt cầm tù, rồi đến khi làm quan cho Gia Long, lại luôn đa sầu mộng (Tri giao quái ngã đa sầu mộng), đến khi ốm không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ chân xem có lạnh không rồi đi chẳng trối trăng gì. Cao Bá Quát từng làm quan, bị đi tù vì sửa bài thi, rồi lại làm quan, rồi lại làm phản, cuối cùng dòng họ cũng bị chém vạ lây. 

Không rõ vì lý do gì Nguyễn Trãi đã từ quan rồi lại ra làm quan. Có thể nghĩ rằng ông chửa chót đời. Cũng có thể cho rằng vì ông "Bui một tấc lòng ưu ái cũ / Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông". Nhưng cái cô đơn của ông là cái cô đơn tê tái, không thể sẻ chia, không thể thổ lộ: "Kim cổ vô cùng giang mạc mạc / Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu / Quy lai độc bạng lan can tọa / Nhất phiến băng thiềm quải bích tiêu". Sông thì mênh mang, mà lá thì cứ tơi bời, một con người cô độc đến tận cùng với mối hận trong lòng như mảnh trăng lạnh lẽo treo giữa vòm trời biếc. Mỗi khi đọc thơ của Nguyễn Trãi, tôi cảm thấy như cả một cõi lòng đau đớn, dằn vặt, lẻ loi của một con người.

Cái cô đơn của Nguyễn Du không như của Nguyễn Trãi, "Bạch phát sa trung hiện / Ly hồng hải thượng văn", cái cô đơn của mái đầu bạc lầm lũi một mình giữa bãi cát như tiếng chim nhạn lẻ loi trên biển cả mênh mông, không có cái rối bời của lá, cái mênh mang của trời đất, cái nỗi hận trong lòng. Với ông tiếng đỗ vũ cũng chỉ đánh dấu hết một mùa xuân, để "hồn hề qui lai bi cố hương" sau khi "mỹ nhân du du cách cao tường". Có thể vì ông "Thập khẩu đề cơ Hoành Lĩnh bắc". Có những việc không còn tự chủ được nữa.

Cao Bá Quát có những câu thơ không thể tìm thấy ở Nguyễn Trãi hay Nguyễn Du. "Xích nhật hành hà đạo / Thương sinh thán kỷ hồi", "Hà đương thế sự như hoa sự / Phong vũ giang san tận cải quan". Trong những con người của quá khứ xa xưa đấy, chỉ có mỗi Cao Bá Quát là hạ bút viết được "Bình Dương, Bồ Bản vô Nghiêu Thuấn / Mục Dã, Minh Đường hữu Võ Thang". Con đường của Cao Bá Quát đi là một con đường có điểm kết.

Còn có một con người nữa, cũng rất đặc biệt, nhưng tôi cảm thấy ông khôn quá, nên chẳng buồn nhắc tới tên ông. Ông có câu thơ "Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ / Người khôn người đến chốn lao xao". Người ta bảo ông uyên thâm khôn xét, nhưng tôi luôn ngờ về tri hành hợp nhất nơi ông.



No comments:

Post a Comment