Đây là một loại hoa dâm bụt. Hoa này có tên khoa học là Hibiscus syriacus, thuộc họ Cẩm quỳ (Malvaceae). Hoa dâm bụt đỏ thường thấy ở Việt Nam có tên khoa học là Hibiscus rosa-sinensis. Hoa dâm bụt có nhiều tên gọi khác nhau. Vùng Nam bộ còn gọi hoa là bông bụt. Người Trung Quốc và Nhật Bản khá thống nhất gọi hoa dâm bụt Hibiscus syriacus là mộc cận. Một số hoa khác trong chi Hibiscus còn có tên là phù dung. Hoa dâm bụt đỏ phổ biến ở Việt Nam còn được người Trung Quốc và Nhật Bản gọi là phù tang hay Phật tang. Quảng quần phương phổ tuy xếp hoa phù tang vào một mục khác với hoa mộc cận, nhưng đều nói rõ đấy là hoa mộc cận đỏ (chu cận hay xích cận). Tên phù tang là chỉ một thứ cây trong truyền thuyết ở Đông hải, có hoa rực rỡ như mặt trời, lá như lá cây dâu. Cây hoa dâm bụt đỏ cũng có các đặc điểm na ná như vậy, do vậy mà có tên phù tang. Do cây phù tang trong truyền thuyết kỳ lạ cho nên người ta cho rằng đấy là thứ cây của Phật, do đó mà có tên Phật tang. Tang có nghĩa là cây dâu. Tên dâm bụt trong tiếng Việt thật khó truy nguồn gốc. Một thuyết cho rằng "dâm bụt" là biến âm của "dâng bụt" tức là hoa dâng Phật. Tôi không mấy tin vào thuyết này bởi vì, thứ nhất, chưa rõ quy luật biến âm: âng >> âm, và thứ hai, không rõ nguồn gốc hoa dâng Phật có xuất xứ như thế nào. Tôi lại nghĩ rằng cũng có thể từ "dâu Phật" biến âm thành "dâm bụt". Ở đây chỉ có một điểm chưa rõ là quy luật biến âm: âu >> âm. Còn "dâu Phật" đã có nguồn gốc là Phật tang. Cách gọi của miền Nam "bông bụt" có lẽ dễ hiểu hơn, bông hoa của Phật. Quảng quần phương phổ còn cho biết hoa dâm bụt này còn được gọi Thuấn hoa, nguyên trong Kinh Thi, bài Hữu nữ đồng xa. Hoa dâm bụt Hibiscus syriacus là quốc hoa của Hàn Quốc. Trong tiếng Hàn hoa có tên là "vô cùng hoa". Tiếng Anh gọi hoa là rose of Sharon, theo wikipedia, có xuất hiện từ bản dịch Kinh Thánh.
Nguyễn Trãi có bài thơ Mộc cận
Ánh nước hoa in một đoá hồng
Vẩn nhơ chẳng bén, bụt là lòng
Chiều mai nở, chiều hôm rụng
Sự lạ cho hay thuyết sắc không
Bài thơ của Nguyễn Trãi là bài thơ Nôm, nhưng tên bài vẫn dùng chữ Hán để gọi tên hoa. Hoa dâm bụt thường được coi là hoa sớm nở tối tàn. Thực ra buổi chiều hoa cụp lại. Nguyễn Trãi viết "bụt là lòng" là có nghĩa gì? Hoa dâm bụt có cái nhị ở giữa hoa, nhất là hoa dâm bụt đỏ, vươn hẳn ra ngoài hoa. Không biết có phải ý Nguyễn Trãi là vậy không?
Nguyễn Trãi có bài thơ Mộc cận
Ánh nước hoa in một đoá hồng
Vẩn nhơ chẳng bén, bụt là lòng
Chiều mai nở, chiều hôm rụng
Sự lạ cho hay thuyết sắc không
Bài thơ của Nguyễn Trãi là bài thơ Nôm, nhưng tên bài vẫn dùng chữ Hán để gọi tên hoa. Hoa dâm bụt thường được coi là hoa sớm nở tối tàn. Thực ra buổi chiều hoa cụp lại. Nguyễn Trãi viết "bụt là lòng" là có nghĩa gì? Hoa dâm bụt có cái nhị ở giữa hoa, nhất là hoa dâm bụt đỏ, vươn hẳn ra ngoài hoa. Không biết có phải ý Nguyễn Trãi là vậy không?
No comments:
Post a Comment