Bài mới

Nhận xét mới

Tự thú

Photobucket

Một âm mưu trả thù, một tội ác và trừng phạt hay một xã hội bế tắc và vô cảm? Bộ phim Tự thú (hay Cáo bạch, hay Confessions) của đạo diễn Nakashima Tetsuya là một bộ phim nặng nề và ám ảnh. Cách dựng phim của đạo diễn Nakashima rất hay, nhưng tôi lại không thể chỉ ra được tính thẩm mỹ của nó, chỉ là cảm nhận đơn thuần. Bộ phim là các tự sự tự bạch về tội ác và trừng phạt. Câu chuyện bắt đầu ở một lớp học trung học cơ sở (học sinh dưới 14 tuổi). Một lớp học ồn ào, nghịch ngợm của lứa tuổi vị thành niên trước kỳ nghỉ mùa xuân. Cô giáo của lớp học tuyên bố đây là buổi dạy cuối cùng của cô. Cô sẽ nghỉ dạy. Một bài giảng về Mạng. Một tự bạch bắt đầu. Tự bạch về cuộc sống của cô, về gia đình vừa bất hạnh vừa hạnh phúc của cô, về đứa con gái của cô, niềm hạnh phúc duy nhất và vô bờ của cô. Rồi một tội ác đã xảy ra, cướp đi niềm hạnh phúc đấy của cô. Kẻ gây ra tội ác lại là hai học sinh trong lớp, cô gọi là A và B. Tuy không nêu đích danh hai học sinh phạm tội, nhưng bằng lời kể của mình, mọi học sinh trong lớp đều biết ai là kẻ phạm tội. Cô giáo tuyên bố cô đã trả thù kẻ phạm tội bằng cách pha vào sữa uống của hai học sinh phạm tội một chút máu nhiễm HIV. Cô trả thù như vậy vì luật pháp không kết tội tội phạm vị thành niên và hai học sinh phạm tội không biết quý trọng mạng sống của người khác. Đấy là một bài học cho họ. Kết thúc một tự bạch. Một cú hích cho khởi động sự việc. Câu chuyện tiếp theo của phim là diễn biến sau tuyên bố như vậy của cô giáo. Tự bạch của học sinh A, tự bạch của một nữ học sinh trong lớp có cảm tình với A, tự bạch của học sinh B, tự bạch của mẹ học sinh B. Các tự bạch này vừa khai phá những diễn biến tiến triển tiếp theo của câu chuyện, vừa mở ra những hoàn cảnh sâu, ẩn khuất nằm ở đằng sau tội ác. Đó là những vấn đề của cá nhân và gia đình, hai thành tố nền tảng của xã hội, đồng thời trong đó có cả những vấn đề của xã hội như truyền thông, luật bảo vệ trẻ em vị thành niên... "... trên thế gian này có những người có thể… hay nói cho đúng hơn không phải là có thể mà có toàn quyền làm đủ mọi việc ngang ngược, phạm đủ mọi tội ác, và với họ thì luật pháp không đụng chạm đến được", câu văn của Dostoyevsky được cậu học sinh trong bộ phim nhắc tới. Cậu ta nói thêm "mỗi một cuộc sống đều quan trọng, mỗi một cuộc đời đều tươi đẹp, không một sinh mạng nào có thể bị tước đi". Nhưng đó chỉ là mặt phải của cuộc đời. 

Cấu trúc từ những câu chuyện tự bạch của bộ phim có gì đấy phảng phất như cấu trúc truyện ngắn Trong rừng trúc của Akutagawa. Nhưng ở bộ phim Tự thú này, cấu trúc tự bạch không giống như truyện ngắn của Akutagawa. Ở truyện ngắn của Akutagawa, các câu chuyện là các điểm nhìn khác nhau của các cá nhân khác nhau về cùng một sự vụ. Ở bộ phim Tự thú, các tự bạch là các câu chuyện tuy của các nhân vật khác nhau, nhưng đều xoay quanh, tiến triển và khai phá trên cùng một sự vụ, và đều thống nhất. Có thể thấy một số cảnh phim lập đi lập lại. Bộ phim rất chậm và có tông màu đen xanh xám, ảm đạm, nặng nề và ám ảnh như chính câu chuyện của phim, như mặt trái của xã hội Nhật Bản hiện đại. Âm nhạc của phim rất hay, những bài hát tiếng Anh nho nhỏ, một số đoạn nhạc cổ điển. Nữ diễn viên đóng vai cô giáo là Matsu Takako. Tôi bất ngờ nhận ra nữ diễn này, người từng đóng vai người vợ trong bộ phim Vợ gã Villon của đạo diễn Negishi Kichitaro. Một vai diễn hoàn toàn khác, tuy không chiếm toàn bộ thời lượng của phim, Matsu Takako diễn xuất rất tốt, một cô giáo lạnh lùng và vô cảm sau bất hạnh của cuộc đời mình.

Tôi nghĩ về bộ phim, về cách thức trừng phạt tội ác của cô giáo. Cô giáo có quyền thay thế pháp luật trừng phạt tội ác không? Cô giáo dường như đóng vai trò của một Thượng Đế, lạnh lùng và vô cảm. Một cú hích ban đầu và các sự việc cứ tự nhiên diễn biến tiếp, chuẩn xác như theo một ý định khởi thủy của Thượng Đế, mà quyền lựa chọn quyết định cuối cùng lại ở chính con người nằm dưới sự quan phòng của Thượng Đế. Trở thành Thượng Đế, con người đã đánh mất đi những tình cảm cốt lõi của con người. Đó là tình người. Bộ phim không đánh giá về hành động của cô giáo như con người không có quyền đánh giá Thượng Đế. Đánh giá thuộc về người xem. Liệu người xem có thể trở thành Thượng Đế để phán xét không? Tội ác và trừng phạt vẫn là một vấn đề nặng nề và nhức nhối từ muôn thưở.

1 comment:

  1. Link download bittorent của phim này (bản BDRip 720): http://hdreactor.org/512767-priznaniya-confessions-kokuhaku-2010-bdrip-720p.html

    ReplyDelete