Bài mới

Nhận xét mới

Tình yêu cây sơn trà

Ơi cây sơn trà tươi tốt
Những bông hoa trắng nở khắp cành
Cây sơn trà của tôi ơi
Cớ sao bi thương đến vậy

Lời hát nhẹ nhàng thương cảm lịm dần trong hàng chữ "Anh không thể đợi chờ em một năm lẻ một tháng, anh cũng không thể đợi chờ em đến năm 25 tuổi, chỉ là  anh đợi chờ em suốt cả cuộc đời" kết thúc bộ phim Tình yêu cây sơn trà do Trương Nghệ Mưu đạo diễn. Đây là một bộ phim trữ tình lãng mạn đúng kiểu melodrama rất đặc trưng cho phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa. Từ bỏ màu sắc sặc sỡ trong mấy bộ phim gần đây của mình như Anh hùng, Hoàng kim giáp, Trương Nghệ Mưu sử dụng một tông màu ảm đạm xam xám cho bộ phim như chính nội dung của bộ phim, như chính thời kỳ mà bộ phim phản ánh. Bộ phim mở đầu với đoàn sinh viên về quê tham gia thực tiễn lao động như chủ trương của Mao Trạch Đông ở lúc bấy giờ của đất nước Trung Quốc sau cuộc Cách mạng Văn hóa một thời gian. Ở đấy, nơi cái làng có cây sơn trà ra hoa đỏ, Tĩnh Thu, nữ nhân vật chính của bộ phim, đã gặp chàng trai Tôn Kiến Tân đang tham gia đoàn khảo sát địa chất. Mối tình của họ chớm nở từ đấy. Mối tình của một cô gái lớn lên trong một gia đình nghèo khó có người cha đang bị lao cải và người mẹ bị xếp vào hàng "tư sản" với một chàng trai con của một viên quan chức thành phố với một người vợ đã tự tử vì bị xếp vào hàng ngũ "tư sản". Mối tình của họ có những trắc trở nhất định, từ hoàn cảnh xã hội, gia đình và cá nhân. Đó là một mối tình trong sáng, tươi trẻ và cũng bi thương. Trương Nghệ Mưu đã khai phá những nét trong sáng, tươi trẻ của mối tình đầu đấy. Cảnh hai người băng qua con suối trong đêm, dắt tay nhau qua một cành cây, cứ ngắn dần, ngắn dần rồi tay trong tay, cảnh hai người trên chiếc xe đạp đi quanh thành phố đầy ắp dư vị ngọt ngào của một tình yêu bỡ ngỡ, thân thiết và hạnh phúc. Mặc dù có tông màu ảm đạm, bộ phim không giấu nổi những vẻ đẹp trữ tình và lãng mạn của cảnh quay trong phim. Trương Nghệ Mưu rất già dặn trong đạo diễn. Ông đã chọn được hai diễn viên chính lần đầu tiên đóng phim rất đạt. Vai diễn của họ rất hồn nhiên, không có những kỹ xảo nghề nghiệp già dặn của những diễn viên lão làng. Đậu Kiêu trong vai Tôn Kiến Tân có nụ cười đẹp và rạng rỡ như hạnh phúc của một chàng trai đang mãn nguyện trong tình yêu. Chu Đông Vũ trong vai Tĩnh Thu thể hiện một cô gái lần đầu hưởng hương vị ngọt ngào của tình yêu đầy bỡ ngỡ, lạ lùng và hạnh phúc. Có thể nói Trương Nghệ Mưu đã thể hiện là một đạo diễn tròn vai và chỉn chu. Nhưng chỉ thế thôi. Khán giả muốn thấy nhiều hơn ở đạo diễn tài năng này sẽ không tìm thấy trong phim. Với những bộ phim như thế này, Trương Nghệ Mưu mãi vẫn chỉ là một đạo diễn tài năng, không có khả năng lưu lại những dấu ấn nghệ thuật, những nét chạm khắc thời gian trong lịch sử điện ảnh thế giới. Ông thuộc về trường phái đạo diễn "phải đạo", "phò chính thống", khó thấy được những nét nổi loạn  hay phá cách hay khai phá mới cả về nội dung lẫn nghệ thuật trong các bộ phim của ông gần đây. Liệu có phải Trương Nghệ Mưu chính là ví dụ điển hình cho "cái đèm đẹp giết chết cái đẹp"?  

9 comments:

  1. Bác Đông A làm hẳn ba entry về hoa liên quan đến cái phim trên rồi mới post bài về phim lại rất khen ngợi ở suốt đầu và thân bài trên khiến cho tôi tưởng là bác rất thích cái phim trên, tôi tự hỏi: "Bác Đông A mà cũng sến thế a?". Vừa đặt câu hỏi xong thì đọc đến đoạn cuối, hóa ra là vẫn như mọi khi.

    ReplyDelete
  2. Ở TQ có hẳn một hướng nghệ thuật (bao gồm tất cả điện ảnh, âm nhạc, văn học, thi ca...)chỉ mô tả cái đèm đẹp của thiên nhiên, đó gần như là truyền thống, họ chỉ tả cảnh chứ không diễn ý. Tôi chưa xem film này, qua mô tả của bác thì đoán vậy. Bác biết tên tiếng Anh của nó không, để tôi tìm download xem thử.

    ReplyDelete
  3. Bác Du có thể xem qua You Tube, có đủ phim qua 8 phần luôn: http://www.youtube.com/watch?v=5wwBe9jvEk8&feature=related

    ReplyDelete
  4. Rất cảm ơn bác HY, tôi là tín đồ film HD nên chắc phải đợi bản HD.

    ReplyDelete
  5. Ông Đông A viết:
    Ông thuộc về trường phái đạo diễn "phải đạo", "phò chính thống", khó thấy được những nét nổi loạn hay phá cách hay khai phá mới cả về nội dung lẫn nghệ thuật trong các bộ phim của ông gần đây. Liệu có phải Trương Nghệ Mưu chính là ví dụ điển hình cho "cái đèm đẹp giết chết cái đẹp"?
    là chưa đúng về Trương Nghệ Mưu, tôi cho là Trương Nghệ Mưu không là một đạo diễn sừng sỏ nhất của Trung Quốc hiện còn đang sống, với Phải Sống và Đèn Lồng Đỏ treo cao, ông ta bỏ quá xa các đồng nghiệp vào thời điểm ấy, một đạo diễn đẳng cấp quốc tế, đưa điện ảnh TQ lên tầm mức quốc tế, khi Đặng Tiểu Bình vừa đưa cải cách vào cuộc sống ở TQ, thì TNM đã tung cú đấm điện ảnh vào giữa mặt phe bảo thủ nếu còn rơi rớt, sau này họ TRương quay sang thỏa hiệp với chính quyền, tự trói mình làm hàng thần lơ láo với những món bổng lộc chắc chắn kinh hoàng, để cho ra đời những tác phẩm như Anh hùng hay Hoàng Kim Giáp, ngầm ửng hộ và biện minh cho độc đảng và ổn định, có lẽ nay tuổi xế chiều họ Trương trở về với mảnh ruộng Cách mạng văn hóa nơi đã tạo ra tên tuổi và chỗ đứng cho ông và cho điện ảnh TQ, ở thời điểm này tính lãng mạn melodrama của phim sẽ là điểm nhấn (không phải hừng hực cách mạng văn hóa nữa) như thế chẳng có gì lạ, tôi vẫn tin tác phẩm của TNM là rất đẹp chứ không phải chỉ ... "đèm đẹp",TNM có thừa tài năng và trình độ, muốn xem phim có nhiều kịch tính, nổi loạn, phá cách,thống dâm nên xem Kim-Ki-Duk của Hàn quốc (hay và nặng đô)

    ReplyDelete
  6. sửa lỗi:
    tôi cho là Trương Nghệ Mưu không là một đạo diễn sừng sỏ nhất của Trung Quốc hiện còn đang sống, ...
    đọc lại là
    tôi cho là Trương Nghệ Mưu là một đạo diễn sừng sỏ nhất của Trung Quốc hiện còn đang sống,

    ReplyDelete
  7. Bác "vn-roo" đánh giá Trương Nghệ Mưu: "sau này họ TRương quay sang thỏa hiệp với chính quyền, tự trói mình làm hàng thần lơ láo với những món bổng lộc chắc chắn kinh hoàng...", số liệu "chắc chắn kinh hoàng" này là do họ Trương khai báo với bác ư? Nếu đấy là điều vu khống thì thật rất thiếu lương thiện.

    Tôi nghĩ, ban đầu Trương Nghệ Mưu phản kháng với nhà cầm quyền, như bác nói trên. Khi Trung Quốc phất lên, ông quay sang "phản kháng" lại phương Tây, những khán giả đang nhìn vào cái khán đài đấu bò nơi người ta dùng tấm vải đỏ để đánh gục chú bò tót sừng sỏ. Như một thứ tự ái cuả tinh thần dân tộc, hay "mi có biết chúng ông là ai không?" Cho nên Trương tuyên bố không quan tâm đến Oscar. Tương tự, có đạo diễn Hoa kiều đã làm cuốn phim "Dark Matters".

    Nếu như Cao Hành Kiện, Lưu Hiểu Ba phản kháng chế độ, thì những nhà văn Hoa kiều như Bette Bao Lord hay Amy Tan tuy viết về Trung Quốc thời kỳ đen tối lại rất gượng nhẹ. Sao họ không dùng tự do và kiến thức cuả mình (chồng cuả Bette Bao Lord là đại sứ Mỹ tại Trung Quốc) để lên tiếng "nói giùm" nhân dân trong nước? Họ hèn nhát, bị mua chuộc chắc?

    Một số phim cuả Trương thời gian gần đây tuy hoành tráng nhưng lại không "đẹp" như những cuốn phim đơn sơ lúc đầu là vậy.

    ReplyDelete
  8. Hôm qua đã xem một phần phim Under the hawthorn tree của Zhang,... thấy "trình" điện ảnh của họ Truơng vẫn quả là thuộc hàng ... đại quốc, hãy so Trương với Lý An: hai gã đều có ống kính tuyệt đẹp (cinematography), Trương và Lý cùng có những tiểu tiết đắt giá để đánh gục hoàn toàn những khán giả khó tính nhất: ví dụ, khi quay về thời kỳ sau CM văn hóa đời sống kinh tế khó khăn, các trẻ em phải làm thêm nghề gấp phong bì tại nhà mình, điều này ai sống ở VN những năm 70-80 chẳng lạ gì phong trào làm tiểu thủ công tại gia, họ Trương cần bao nhiêu kiên nhẫn để sưu tầm lại được những thể loại phong bì gấp tay và các em bé được huấn luyện gấp thực thụ như có nghề? đó chính là đẳng cấp của đạo diễn, kỹ càng tỷ mỷ phải cỡ như S. Spielberg mới có được, con mắt phiên phiến chắc chắn bỏ qua những tiểu tiết ấy, vì thế nên điện ảnh VN đến bây giờ vẫn ngớ ngẩn cực kỳ (chính các đạo diễn VN đếch hiểu gì về điện ảnh đúng nghĩa) làm phim đứa trẻ con cũng biết là đồ dzỏm ... phải chờ Rừng Nauy của Trần Anh Hùng xem có khá hơn không. Mùa Len Trâu cũng quá nhiều chi tiết vô lý và vớ vẩn.

    ReplyDelete
  9. Tôi cũng vừa đọc xong cuốn Cùng Anh Ngắm Hoa Sơn Tra của Ngải Mễ. Phải nói là rất cảm động.
    Cùng Anh Ngắm Hoa Sơn Tra được Ngải Mễ sáng tác dựa theo một câu chuyện có thật (nhật ký của Tĩnh Thu), câu chuyện buồn về một tình yêu trong sáng nhưng dang dở. Câu chuyện xảy ra vào thời điểm cuối của cuộc Cách mạng văn hóa tại Trung Quốc (1974), những năm 70 của thế kỷ 20. Tĩnh Thu - một học sinh trung học phổ thông xuất sắc được chọn tham gia biên soạn tài liệu giáo khoa và được cử về một vùng nông thôn để tìm hiểu lịch sử thôn ấy. Tại đây, Tĩnh Thu gặp Tôn Kiến Tân (Ba) một trí thức đẹp trai, thông minh và hiểu biết. Những rung động ngọt ngào đã đến làm cho hai trái tim ấy nở hoa. Họ yêu nhau, một tình yêu trong sáng mà tình yêu ấy có một nhân chứng vĩnh hằng là cây sơn tra.

    Ngay khi phát hành (2007), Cùng Anh Ngắm Hoa Sơn Tra đã chiếm vị trí bestseller ở Trung Quốc, rồi nó được dịch sang 20 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt (2010); được ĐD Trương Nghệ Mưu dựng thành phim như bác ĐA đã giới thiệu.

    ReplyDelete