Bài mới

Nhận xét mới

Long thành cầm giả ca

1. Long thành cầm giả ca là bộ phim lấy bối cảnh ngày xưa (thế kỷ 18) duy nhất trong số các bộ phim chào mừng Đại lễ Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Tôi không gọi bộ phim này là phim lịch sử hay cổ trang. Bối cảnh của bộ phim là giai đoạn Lê-Tây Sơn-Nguyễn, đầy tao loạn của lịch sử. Đây là một giai đoạn tang thương, mà tương tự nó chỉ còn có ở thời hiện đại. Trước những biến động khôn lường của lịch sử thân phận con người trong những giai đoạn tao loạn như vậy thật mỏng manh, dễ bị thương tổn và đầy bất trắc. Đấy là những bối cảnh mà nghệ thuật có thể khai phá tới tận cùng sâu thẳm thân phận của con người. Đấy cũng là những bối cảnh mà nghệ thuật vì những lý do nào đó không thể khai phá được thân phận con người ở thời lịch sử hiện đại vừa qua có thể lấy chúng làm bối cảnh tương đồng để khai phá. Long thành cầm giả ca là thân phận của một ca nương trong thời tao loạn. Long thành cầm giả ca là cuộc đời của một thi bá Việt Nam - Nguyễn Du. Nhưng rất đáng tiếc, mặc dù thời lượng của bộ phim khá dài, khoảng hai tiếng đồng hồ, bộ phim quá hời hợt, chỉ lớt phớt minh họa được một chút giai đoạn đầy tao loạn đấy cùng với thân phận con người trong buổi tao loạn của lịch sử. Bộ phim thiếu chiều sâu và những khai phá về con người. Có thể thấy rằng bối cảnh của bộ phim là một giai đoạn dài của lịch sử, từ Lê-Trịnh, qua Tây Sơn, đến Nguyễn sơ, và do vậy bộ phim đã quá loãng không tập trung được vào một chủ đề nhất định để khai phá chiều sâu của nó. Long thành cầm giả ca chỉ như là một bộ phim minh họa.

2. Phục trang và ngoại cảnh của phim tốt. Đúng là ngoại cảnh Việt Nam. Trang phục phù hợp với hình dung của tôi về giai đoạn đấy, tuy màu sắc áo mặc của quan lại tôi chưa kiểm tra được với thư tịch. Phim đã miêu tả được lối đi chân đất của người Việt, nhưng bàn chân của các diễn viên quá trắng (ví dụ như vai quân lính) khiến cho lối đi chân đất trở thành giả tạo. Lời thoại của phim có vấn đề. Nguyễn Khản không thể gọi thẳng tên tục của chúa Trịnh. Nguyễn Du gọi Nguyễn Nễ anh cùng mẹ với mình là Nguyễn huynh thì rất không ổn. Loại đàn mà ca nương trong bộ phim sử dụng là đàn nguyệt, phù hợp với Nguyễn Du viết trong bài Long thành cầm giả ca, Nguyễn cầm. Nhưng đàn nguyệt không phải là loại đàn sử dụng trong ca trù. Đàn nguyệt được sử dụng trong hát chầu văn. Trong phim có đoạn ca nương hát bài Tỳ bà hành và gảy đàn nguyệt, như vậy rất không ổn.

3. Long thành cầm giả ca là bộ phim đầu tiên của đạo diễn Đào Bá Sơn mà tôi được xem. Đạo diễn đã có những cố gắng tìm tòi nhất định, như học hát với chum, tay ngâm thuốc bắc. Nhưng ngay ở những tìm tòi này tôi vẫn thấy thiếu chiều sâu của sự việc, như khai phá đặc điểm mới lạ của học hát với chum. Đó chỉ như là minh họa và cũng không tận dụng được những tìm tòi mới lạ này để khai phá về thân phận con người.

4. Tôi hơi bất ngờ khi thấy bộ phim Long thành cầm giả ca được chọn làm phim chính thức để trình chiếu kỷ niệm dịp Đại Lễ. Giai đoạn mà bộ phim thể hiện là giai đoạn Thăng Long loạn lạc, ly tán, tàn phai và thoái trào. Chính cái giai đoạn đấy Thăng Long đã đánh mất vị trí là trung tâm chính trị của đất nước. Chính cái giai đoạn đấy tư tưởng  của Bắc Hà với Thăng Long là trung tâm đã trở nên thủ cựu trước làn gió mới từ phương Nam thổi đến. Cái giai đoạn đấy rất không thích hợp để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Nó bẽ bàng và phôi pha. Thăng Long trong bộ phim cũng như thân phận của người ca nương bi đát, không có lối thoát và không có hậu. Tôi thực sự không muốn khoáy sâu thêm về chuyện ai lại làm phim về con đĩ (ca nương) để đặt lên bàn thờ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thật là, trăm quan có mắt như mù, đem thân con đĩ dâng thờ tổ tiên. 
 

28 comments:

  1. Bác Đông A, chuyện chọn phim này có thể là bị động, có lẽ đầu tiên bộ phim Đường tới thành Thăng Long được chọn để trình chiếu nhưng do bộ ấy không được thông qua nên mới chọn Long thành cầm giả ca.

    ReplyDelete
  2. Bác ơi, nỗi buồn này dù sao vẫn thật và có cái hồn Việt Nam đầy hơn với sự việc kia. Nghĩ cũng buồn thật.

    ReplyDelete
  3. Những gì bác viết cuối bài nặng lời quá!
    Ca nương cũng là một con người, một thân phận trong xã hội phong kiến cũ.Cái thân phận mà chính Nguyễn Du cũng trân trọng thì phim cũng xứng đáng để được chọn.

    ReplyDelete
  4. Tôi đọc bài Long thành cầm giả ca của Nguyễn Du chỉ thấy thương xót thôi. Thương xót cho tang thương, thương xót cho suy tàn. Thương xót không phải là trân trọng. Tôi nghĩ thâm ý của bộ phim Long thành cầm giả ca là thương xót cho Hà Nội 1000 năm đang điêu linh và suy tàn, những hào quang của quá khứ đã vĩnh viễn rời xa, chỉ còn là hoài vọng.

    Tôi thấy rất mỉa mai khi một bộ phim như vậy lại là lễ vật chúc mừng. Đó là bát nước hắt vào mặt Đại lễ thì đúng hơn.

    ReplyDelete
  5. Câu kết của bài Long thành cầm giả ca và cũng là lời kết của bộ phim: Khả liên đối diện bất tương tri, Đáng thương thay, gặp mặt nhau mà không nhận ra nhau. Có khác gì là một lời mỉa mai, đang gặp Thăng Long nghìn năm đây, đáng thương thay, không còn nhận ra được Thăng Long nữa. Thực ra ý mỉa mai này chỉ có thể xuất hiện khi kết hợp với Đại lễ. Bởi vì chính Nguyễn Du cũng thương cảm, gặp lại Thăng Long mà không còn nhận ra Thăng Long được nữa. Rất nostalgia.

    ReplyDelete
  6. Đúng là giai đoạn "cảnh đấy người đây luống đoạn trường" ít nhất là đối với Thăng Long: khi "long" không còn là rồng nữa, rồi thì Thăng Long không phải rồng bay lên cũng phải đổi thành Hà Nội.

    ReplyDelete
  7. Đường tới thành Thăng Long là phim truyền hình các bác ạ.
    Nhưng chọn phim này kể cũng lạ.
    Nghe đồn, phim có khả năng rinh giải tại LHP Quốc tế tại VN sắp tới. :P

    ReplyDelete
  8. Hi quên mất, chưa kể cho Đông A nghe. Hôm ra mắt phim, vẫn còn những người nức nở khen.

    Đúng là chỉ được cái cảnh và phục trang tốt.

    Cảm ơn Đông A vì bài viết

    ReplyDelete
  9. Đông A đúng là cay cú vì LCU- Đường tới thành TL bị cấm chiếu, ... tôi chưa xem TLCGC nên chẳng có nhận xét gì để so sánh với cái mà ĐA ra sức biện minh.
    Nhưng ĐA rất vô lễ khi xúc phạm nghề cầm ca, gọi là con đĩ,... cái đó ĐA sẽ trả giá cho cái tâm bệnh hoạn của mình, đừng cậy tài cậy giỏi mà lòe thiên hạ và chơi trò đạo đức giả. Việc ĐA ra sức phản biện những sản phẩm sặc mùi Tầu khựa chắc chắn có động cơ, mặc dù vẫn biết ĐA là người uyên bác.
    Đúng là: Chữ Tài liền với Chữ Tai một vần...
    những người như ĐA là Tai (họa) cho đất Việt.

    ReplyDelete
  10. Có những người phải “bán trôn nuôi miệng”. Nhưng không đáng khinh bằng những kẻ “bán miệng nuôi trôn”.

    ReplyDelete
  11. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  12. Tôi cũng không đồng ý với Đông A về câu cuối cùng. Dù là con đĩ cũng là con dân đất Việt. Lễ vật của con đĩ dâng lên tổ tiên không phải là tấm lòng thành sao? Một bãi phân trâu nước Nam còn hơn một mâm vàng son đất Bắc. Bác nhớ cho là như thế, tổ tiên cũng cần ở con cháu bấy nhiêu thôi.
    Còn nữa, thế thời có lúc thịnh lúc suy. Thịnh đáng nhớ rồi, suy lại càng cần phải nhớ hơn. Có thế mới có thể phát triển được. Thăng Long bây giờ thịnh hay suy? Thưa bác: suy. Vậy nên chiếu cái phim đó lên để nhắc nhở người đời vậy.
    Tôi thấy đó chiếu phim nhân dịp đại lễ là ý hay, có thể nói là ý trời cho mới được.

    ReplyDelete
  13. Đáng lẽ cũng chả định nói nữa nhưng thấy Đông A viết:
    "Phim đã miêu tả được lối đi chân đất của người Việt, nhưng bàn chân của các diễn viên quá trắng (ví dụ như vai quân lính) khiến cho lối đi chân đất trở thành giả tạo. Lời thoại của phim có vấn đề..."

    Thể hiện một con mắt sắc sảo, tiếc thay con mắt này lại "lòa" không nhìn thấy những chi tiết giả tạo trong LCU-Đường tới TTL như vua quan nước Việt mặt mũi bóng lưỡng, tóc búi đỉnh đầu, giáp trụ tung hoành, ... công chúa thì trắng hơn gái nhẩy ... vv và vv thế có phải là "double standard" hay không?
    Chưa kể sao ĐA không tự hỏi:
    "Nghệ thuật đâu phải thằng hầu của sử gia?" cho phim Thăng Long giả cầm ca?
    Đây la comment chót cho blog ĐA. Cảm ơn.

    ReplyDelete
  14. Ôi bác A này gần ngìn năm trước bác nói "Con đĩ" (ca nương) thì bác đã là "Lê Văn Hưu" rồi, hơm trăm năm trước bác nói vậy thì bác là "Thằng Lính Khố Đỏ" (của ông Á Nam) hôm nay bác nói vậy là "Cực đoan".
    Phim ảnh người ta làm ra cũng không chỉ để cho một "hạng người" nào xem thôi cả( mà có ai cấm ôn nghèo kể khổ khi đã được sướng đâu), và cũng không phải "giỗ" 1000 năm chỉ có món "ấy" (mặc dù sau khi no cơm, đẫy rượu thì người xưa lẫn người nay đều thích "ấy").
    Lại nhớ ông Chữ Nho Khuyến, không chơi được "đĩ"(hay đĩ chê Nho yếu) bèn làm thơ chửi cha đĩ lên. Thế mà hay!

    ReplyDelete
  15. Chữ "đĩ" không phải là chữ của tôi. Chữ đấy là của chính Nguyễn Du trong bài Long thành cầm giả ca: "Tịch trung ca kỹ giai thiếu niên". Tôi chỉ phiên từ Hán "kỹ" thành Nôm "đĩ" mà thôi.

    Ngày nay người ta muốn thanh tẩy hóa hoạt động của ca kỹ trong quá khứ. Nhưng chính việc làm như vậy lại là phản bội lại lịch sử. Quá khứ như thế nào thì cứ để nó như vậy. Tôi có xem lướt qua bộ phim truyền hình gì đấy của Hàn Quốc về ca kỹ. Tôi thấy người Hàn làm rất đúng: dù có ca ngợi những kỹ năng diệu nghệ của ca kỹ như điệu múa, tiếng đàn, giọng hát thì vẫn không cần phải che dấu là có thể ngủ qua đêm với ca kỹ. Nguyễn Tuân ngày xưa viết Chiếc lư đồng mắt cua, tôi nhớ có đoạn viết rằng muốn lấy gương ra soi xem lông mày của mình đã bạc trắng chưa vì ông lay lắt ở chốn ca kỹ lâu quá. Đấy là vào khoảng những năm 1940.

    ReplyDelete
  16. Bác Đông A biên tập lại và gửi bài này cho Tiền Phong đấy hử?

    ReplyDelete
  17. @ vn-roo định để bác ĐÔng A một minh một ngựa viết lại lịch sử, văn hóa, qua cộng đồng mạng à, thaydoi73 đề nghị bác tiếp tục ...!

    ReplyDelete
  18. Cho dù trong quá khứ cha ông ta đã gọi ca nương là con đĩ, thì với những người có học như Bác Đông A cũng không được đánh bùn sang ao và so sánh một cách khập khiễng như vậy, nó làm cho những người tự xưng là có chút ít chữ nghĩa, nho nhe, giảm sự danh giá trong sự nhận xét về văn hóa, bài trước bác đã gọi Ông Lê Văn LAN là không có "liêm sỉ", sang bài này bác lại xuống bút gọi ca nương là "con đĩ" thật hết biết.
    Bác tự cho mình cái quyền mà hình như với văn hóa Việt không cho phép lộng ngôn như vậy.

    ReplyDelete
  19. @Mr Do: không, tôi không biên tập lại và cũng không gửi cho Tiền phong. Tôi luôn là một kẻ vô danh, không tên tuổi danh tiếng ở trong đám đông, giả dụ có gửi chắc cũng chẳng nơi nào thèm đăng đâu. Những thứ tôi viết trên blog là những thứ tự do, ai lấy đăng ở đâu cũng được.

    ReplyDelete
  20. ông Đông A nên cẩn thận với những câu chữ của mình.Người xưa nói Đa thư thì ngoạn mục,tôi thấy Đông A nhiều khi vừa loạn mục và loạn ngôn nữa.
    Ca nương thời Nguyễn Du nhất định không phải là con đĩ,con đĩ là một người diễn trò đánh bồng(do phái nam đóng giả),vì thế con đĩ thời ấy và con đĩ thời nay cách nhau cả một giới tính.

    ReplyDelete
  21. Tôi nghĩ là họ lấy cái gì của anh để sử dụng thì phải xin chứ, đặc biệt là khi họ chỉnh sửa, cắt cúp nhiều.

    ReplyDelete
  22. Bác Đông A có vẻ hơi bất công khi bàn về phim này. Tôi đã xem phim và thấy đây là một phim làm khá tốt. Đạo diễn đã rất cẩn thận và công phu khi dựng lại bối cảnh lịch sử, kịnh bản khá hay, diễn viên đóng nhìn chung là đạt. Tôi cũng đồng ý lời thoại còn đôi chỗ không ổn, diễn viên thể hiện tình cảm chưa nhuyễn như khóc chưa đạt lắm... Nhưng phim đã lột tả được hồn Thăng Long xưa, đặc biệt các đoạn đàn và hát dân ca rất hay, làm một người "Tây học" như tôi và nhiều khán giả trong rạp cũng cảm thấy xúc động. Trong bối cảnh "Ngàn năm xôi thịt" như hiện nay, một phim không được ưu ái gì mà làm được như vậy là quá tốt! Tôi vốn là fan của Đông A blog nhưng việc bác nói về "con đĩ" tôi thấy rất phản cảm. Không lẽ ở thế kỷ 21 mà chúng ta còn hủ lậu hơn Nguyễn Du trong việc nhìn nhận, xót thương cho số phận con người hay sao? Lễ hôi ở chúng ta bây giờ cái gì cũng có, chỉ trừ cái Đẹp và tính nhân văn. Vì vậy, đem chiếu phim này có lẽ là một tỏng những điểm son hiếm hoi của kỳ lễ hội này đấy!

    ReplyDelete
  23. @Mr. Do:

    Em thiển nghĩ là không nhất thiết phải xin, miễn là dẫn nguồn hay đề tên tác giả. Còn như trích dẫn thì phải thông báo tới người đọc, và chỉ khi chỉnh sửa thì nhất thiết phải xin phép tác giả. Nếu không được như thế, thì tư cách của cái kẻ đăng bài viết đó dưới mắt người đọc thật là thảm hại, và có thể là tư cách của cả tờ báo cho đăng bài đó nữa. Nhưng quả thực em không dám chắc tư cách cá nhân còn là điều gì đó quan trọng với một số các nhà báo chí VN không nữa.

    (Nếu có bạn sử dụng cái comment này của em, thì mong là các bạn tuân thủ những nguyên tắc em đã nêu trên, chứ ai lắm sức mà thả gà ra đuổi đâu!)

    ReplyDelete
  24. @Jones
    Tôi nghĩ bạn biết rằng người bạn đang đối thoại cũng là ... "nhà báo" đó ...:-)))
    Người công bố con số đáng nể "kỵ binh" VN có 420 con ngựa so với 35750 trâu bò,... cho nên trong LCU-ĐTTTL cũng cần phải có "ngưu binh" nữa cho đủ bộ ... kỵ - ngưu - tượng binh ...phải không nhà báo ?

    ReplyDelete
  25. @ vn-roo: Ôi, cách nói chuyện của bạn vn-roo rất giống chỉ điểm. Tôi là "nhà báo" hay "lều báo" thì tự khắc bạn Jones kia biết, nếu bạn ấy muốn tìm hiểu, vì blog tôi công khai danh tính qua một số bài viết, còm men.

    Cái mà bạn nói ngưa binh gì đó thì tôi chịu. Phải coi lịch sử có ai sử dụng trâu đi đánh nhau không. Hình như - tôi nhấn mạnh "hình như" - cụ Đinh Bộ Lĩnh có dùng trâu để... đánh trận giả. Hehehehehe.

    Bạn so sánh ngựa với trâu mà bạn không nghĩ rằng ngựa ít hơn trâu là lẽ đương nhiên, cũng giống như xe chiến đấu ít hơn xe dân sự là điều bình thường.

    ReplyDelete
  26. Các bác cứ phức tạp hóa mọi chuyện. Tôi cho phép tất cả mọi người sử dụng những thứ tôi viết trên blog của tôi ở mọi nơi và cũng không cần xin phép. Vì ngôn ngữ trên blog nhiều khi không tương thích với ngôn ngữ báo chí nên có biên tập lại cũng không phải là điều gì quá. Tôi khác với nhiều người, không coi chuyện biên tập lại là điều gì đó xâm phạm ghê ngớm vì bản gốc của tôi vẫn ở blog này (như lần trước chuyện quốc hoa, báo Tiền phong có biên tập lại một chút và có người phản hồi lại nhè đúng vào câu bị biên tập lại phê phán tôi, nhưng tôi vẫn coi chẳng có chuyện gì hết, đơn giản vì tôi nghĩ mình không viết thế và thế là đủ). Nhiều người hay làm rùm beng chuyện biên tập lại, nhưng tôi lại thấy, biên tập lại chính là một điểm nhìn tham chiếu cách viết của mình từ những người khác. Cũng thú vị vì có thể thấy người khác nghĩ như thế nào về cách viết của mình.

    ReplyDelete
  27. @Hoang Anh: Long thành cầm giả ca là bộ phim được nhà nước tài trợ. Tiền đấy là tiền thuế của nhân dân, tiền tươi thóc thật, chứ không phải là "một phim không được ưu ái gì". Đối với tôi, trong lịch sử ca kỹ vẫn là ca kỹ. Người ta có thể thương xót như Nguyễn Du từng viết "kiếp sinh ra thế biết là tại đâu", nhưng ca kỹ không thể là thứ chính đính được. Và cũng nhớ rằng ở đây đang nói tới ca kỹ trong lịch sử, không phải là các ca sĩ ngày nay, khi chuyện bán thân không còn nữa.

    ReplyDelete
  28. @Mr Nhà báo Do
    Rất đỗi tự hào làm "chỉ điểm" cho những người VN chân đất mắt toét nhìn thấy những ... nhà b... à quên những "nhà chỉ điểm" của ... Tàu ... he he !

    ReplyDelete