Bài mới

Nhận xét mới

Mũ chữ đinh

Photobucket

Mũ chữ đinh hay khăn chữ đinh (đinh tự cân) thấy chép đầu tiên trong chính sử đời nhà Trần. Đại Việt sử ký toàn thư, triều Trần Anh Tông, năm 1300 viết: "Mùa đông, tháng 10, quy định kiểu mũ áo mới của quan văn võ. Quan văn thì đội mũ chữ đinh màu đen, tụng quan thì đội mũ toàn hoa màu xanh vẫn như quy chế cũ". Sau đấy hai tháng, Toàn thư viết tiếp: "Mùa xuân, tháng giêng, xuống chiếu rằng các quan văn võ đều đội mũ chữ đinh, thêm miếng lụa bọc tóc màu tía xen màu biếc". Đến tận thời Lê - Trịnh, Hoàng Lê nhất thống chí vẫn còn viết về mũ chữ đinh: "Một đêm thế tử [Trịnh Tông] bỗng mơ thấy mình mặc áo chầu chàm, đội mũ chữ đinh, đứng ở phủ đường". Xem vậy, mũ chữ đinh tồn tại qua nhiều triều đại trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Tôi tra Trung Quốc y quan phục sức đại từ điển và không tìm ra được loại mũ nào mang tên hay tương tự như mũ chữ đinh. Không rõ tôi có tra sót ở đâu không. Như vậy có thể tạm kết luận rằng mũ chữ đinh là loại mũ của riêng Việt Nam, do người Việt Nam chế tác ra. Và có lẽ cũng vì vậy mà tôi không thể tìm được một hình vẽ minh họa nào trên mạng. Tôi đánh liều thử vẽ minh họa mũ chữ đinh như hình ở trên mặc dù tôi không biết vẽ. Vì mũ mang tên mũ chữ đinh nên tôi hình dung nó giống như chữ đinh, tức là giống như cái đinh. Không rõ hình dung mũ chữ đinh của tôi như vậy có đúng không. Lịch triều hiến chương loại chí viết về mũ chữ đinh: "thêm cái khăn lụa tía lẫn màu biếc (bịt lên đầu dùng để buộc chân tóc lại bỏ thừa về đằng sau)" nên tôi hình dung phía sau có hai đầu của dải lụa buộc tóc. Tôi tìm được bức ảnh chụp ở thế kỷ 19 (ảnh ở dưới), trong đó có mấy viên binh lại đội thứ mũ mà tôi hình dung như mũ chữ đinh. Cái mũ trong ảnh này chỉ khác mũ chữ đinh miêu tả trong Toàn thư là không có miếng lụa bọc tóc thành ra mũ không giống chữ đinh lắm vì thiếu mất cái chân chữ đinh là búi tóc.

Theo Lịch triều hiến chương loại chí, Ngô Thì Sĩ nói: "Thể chế về mũ thời Trần phần nhiều không thể khảo được, duy kiểu mũ chữ đinh đến nay vẫn còn, kiểu dáng coi rất thô tục, nha lại và quân lính đều đội cả. Bấy giờ lấy mũ ấy thông dụng cho quan văn võ, không phải là để cho tôn nghiêm khiến người ta quan chiêm, mà chỉ phân biệt ở cái dải thắt". Qua mũ chữ đinh, chúng ta có thể thấy thêm mỹ học của người xưa. Ngô Thì Sĩ cho rằng mũ chữ đinh thô tục, không tôn nghiêm. Tôi không biết có phải vì mũ chữ đinh là loại mũ do người Việt chế tác, không theo khuôn mẫu của Trung Quốc, nên Ngô Thì Sĩ chê như thế. Nếu đúng như vậy thì có thể hình dung mỹ học của người xưa là lấy Trung Quốc làm chuẩn.

Tôi chờ đợi xem phim Long thành cầm giả ca để xem có thấy mũ chữ đinh không. Giai đoạn Lê-Tây Sơn-Nguyễn chính là thời kỳ mà mũ chữ đinh vẫn còn được nha lại, quân lính đội như Ngô Thì Sĩ có nói. Nếu không thấy có mũ chữ đinh thì tôi sẽ nói gì về bộ phim này? Ôi, thật khó làm sao!


Photobucket

No comments:

Post a Comment