Bài mới

Nhận xét mới

Văn học xanh

Tôi mới biết tới khái niệm này và cũng chưa hiểu rõ lắm. Nhật Bản mới sản xuất một series phim hoạt hình (anime) 12 tập, kịch bản được xây dựng trên các tác phẩm văn học thuộc hàng kinh điển của Nhật Bản đầu thế kỷ 20. Series phim hoạt hình có tên gọi là Aoi Bungaku, có nghĩa là văn học xanh. 12 tập phim được dựng theo 6 tác phẩm văn học của Nhật Bản, đó là Nhân gian thất cáchChạy đi, Melos của Dazai, Kokoro (Tâm) của Soseki, Dưới tán cây anh đào nở hoa của Sakaguchi, Sợi tơ nhệnBức bình phong địa ngục của Akutagawa. Sợi tơ nhệnBức bình phong địa ngục là hai truyện ngắn đã được dịch ra tiếng Việt. Các tác phẩm còn lại thì tôi không rõ đã dịch ra tiếng Việt chưa. Dường như đối với độc giả Việt Nam Dazai là một cái tên xa lạ. Đây là một điều rất đáng tiếc. Soseki đã có Cậu ấm ngây thơ (Botchan) được dịch ra tiếng Việt. Tại sao 6 tác phẩm này lại được gọi là xanh? Aoi Bungaku được người Trung Quốc dịch là Thanh sáp văn học. "Thanh" có lẽ liên quan tới tuổi xanh, tuổi trẻ, nhưng Sợi tơ nhệnBức bình phong địa ngục không phải về tuổi trẻ. Có thể "thanh" là giai đoạn chưa trưởng thành, viên mãn, một giai đoạn đầy gian khó, phức hợp với những biến chuyển nội tâm và thực tại để thành người. Cả 6 tác phẩm đều cho thấy kết quả thất bại của những nỗ lực thành nhân. Kết cục bất thành có phải là một đặc điểm bắt buộc nữa của văn học xanh?

Hoạt hình của Nhật Bản thật thú vị. Chuyển các tác phẩm văn học kinh điển thành những bộ phim hoạt hình có lẽ là một khai phá văn học khác, một mỹ cảm và một cách đọc khác. 

Cập nhật 21-6-2010:

Tôi tra Google thì tìm được một giải thích rằng "văn học xanh" ở đây chính là evergreen literature, có nghĩa là những tác phẩm văn học sống mãi với thời gian, tuy chúng là các phẩm cổ điển nhưng tư tưởng, nghệ thuật của chúng vẫn hiện đại như chính hôm nay.  

2 comments:

  1. Chạy đi, Melos của Osamu Dazai được Nguyễn Nam Trân dịch trong cuốn Vườn cúc mùa thu đấy bác - tản bộ trong văn học Nhật Bản đấy bác (NXB Trẻ).

    ReplyDelete
  2. Osamu Dazai có dịch rồi, nhưng cũng chưa ăn thua gì, vả lại OD là nhà văn vô cùng nặng nề, ám ảnh tự sát vào loại khủng khiếp nhất trong lịch sử văn học Nhật Bản.

    ReplyDelete