Bài mới

Nhận xét mới

Những ngộ nhận về hoa

Tôi đọc trên báo Tiền Phong thấy có bài ý kiến của ông Vũ Khiêu về lựa chọn quốc hoa. Tôi thấy trong bài báo này có một số ngộ nhận về hoa.

1. Ngộ nhận hoa mai của Việt Nam là hoa mai của Trung Quốc:

Hoa mai vàng của Việt Nam và hoa mai của Trung Quốc không có liên quan gì với nhau. Hoa mai vàng của Việt Nam thuộc chi Ochna, hoa mai của Trung Quốc thuộc chi Prunus. Thậm chí chúng còn thuộc các họ khác nhau. Có nghĩa là hoa mai vàng của Việt Nam không có dây mơ rễ má gì với hoa mai của Trung Quốc. Hoa mai của Trung Quốc chính là cùng loài với hoa mơ của Việt Nam. Quả mơ của Trung Quốc lại là quả hạnh theo cách gọi trong tiếng Việt. Do vậy cần phải phân biệt cho rõ ràng mai-mơ và hạnh-mơ. Tất cả mai-mơ, hạnh-mơ đều không có liên quan gì tới mai vàng của Việt Nam. Mai vàng của Việt Nam lại chính là kim liên của Trung Quốc. Kim liên này cũng không phải là thứ hoa sen làm bằng vàng trong gót sen, gót vàng. Do vậy hàng ngàn bài thơ vịnh hoa mai của Trung Quốc không phải là các bài thơ vịnh hoa mai vàng của Việt Nam.

2. Ngộ nhận hoa súng là hoa sen:

Hoa sen không phải là hoa súng. Đây là một ưu điểm phân loại hoa theo tên gọi thông tục của tiếng Việt, và trùng khớp với phân loại pháp danh khoa học. Ngôn ngữ Trung Quốc không biệt được hoa sen và hoa súng. Hà, liên, phù dung là các tên gọi chung tất tuốt cho cả hoa sen lẫn hoa súng. Do vậy những bài thơ về liên hoa, hà hoa, phù dung của Trung Quốc không thể xác định được là viết về hoa sen hay hoa súng. Quốc hoa của Sri Lanka là hoa súng (
Nymphaea nouchali), không phải là hoa sen (Nelumbo nucifera). 

3. Ngộ nhận hoa gạo ít có giá trị thẩm mỹ:

Nói hoa gạo ít có giá trị thẩm mỹ là đã xúc phạm đồng bào Tây Nguyên. Hoa gạo chính là hoa pơ lang ở Tây Nguyên. Các trường ca của Tây Nguyên hay ví vẻ đẹp của người con gái với hoa pơ lang. Chỉ có trong tâm thức Việt, cây gạo mới có hình ảnh hướng về ma quái.  

5 comments:

  1. Tôi cũng đồng thuận với những ý kiến của bác. Xin góp ý với bác:

    - Tên khoa học (scientific name) của hoa sen là Nelumbo nucifera chứ không phải Nelumbo Nucipera).
    - Tên khoa học của một loài thực vật là tổ hợp 2 từ Latin ghép lại:
    + Từ thứ nhất là danh từ, chỉ tên chi. Viết hoa chữ cái đầu tiên.
    + Từ thứ hai là tính ngữ loài. Viết thường.

    ReplyDelete
  2. Vâng, cám ơn bác. Tôi sẽ sửa lại lỗi chính tả này.

    ReplyDelete
  3. Hoa gạo là loại hoa em rất thích, nó còn có tên là Mộc Miên, bác ạ.
    Em không hiểu ai nói hoa gạo thiếu thẩm mỹ! Thật quá dốt nát. Một trong những cái đẹp ở vùng Hà Tây là mùa hoa gạo. Hoa gạo ở chùa Thầy, trên đường đi đò vào chùa Hương...

    ReplyDelete
  4. Nhớ mùa hoa gạo cháy.
    Nhớ tuổi thơ.

    Cảm ơn các entry hay về hoa của bác Đông A.

    Bây giờ hoa gạo có vẻ ít gắn bó với người Việt Nam. Màu hoa đỏ và cái vị chua chua của hoa có lẽ chỉ còn trong tâm thức của những người có độ tuổi trung niên.

    Sen mùa hạ, cúc mùa thu cũng chỉ còn trong tâm thức.

    Hoa đào, hoa mai ư. Bây giờ lại có cảm giác người ta chỉ trọng mỗi khi Tết đến, xuân về. Cũng chỉ trong chậu, trong bình mà thôi.

    Bác Đông A ơi, từ bây giờ chỉ khi nào tâm hồn người Việt ta nở hoa thì khi đó hãy chọn loài hoa cho mình mà yêu, mà quý.

    Bao giờ tâm hồn Việt nở hoa trở lại?

    ReplyDelete
  5. Tương tư hoa Gạo quê nhà
    Tự dưng áo đỏ làm ta giật mình...(ND)

    Tôi còn nhớ những lần trèo cây gạo đầy những gai góc, khi vặt được hoa thì sướng lắm không thì nụ gạo cũng đã hỉ hả rồi. Hoa thì nhiều khổ cái cây to, cành xa, lại lắm gai nhọn..Ăn thì chua chua lại hơi nhớt nhớt, khoái lắm.

    Lớn lên quên bẵng đi mất, khi có anh bạn đồng nghiệp đặt tên con gái là Mộc Miên(Hoa gạo) rồi kể về sự tích của hoa tự dưng về nhà làm hẳn một entry về tuổi thơ và hoa gạo ^^. Đến giờ thì cây gạo thủa xưa đã không còn, rồi con cháu sẽ không có cái thời tuổi thơ và hoa gạo nữa rồi.

    ReplyDelete