Bài mới

Nhận xét mới

Mây hoa

Photobucket

Basho có bài haiku:

Hana no kumo  kane wa Ueno ka  Asakusa ka?

và tôi dịch như sau:

Mây hoa
tiếng chuông từ Thượng dã
hay từ Asak-usa?

Ở Ueno (Thượng dã) có một chiếc chuông điểm giờ, kiểu như trống canh, một ngày điểm ba lần. Ở bài haiku này Basho đang mê mẩn dưới tán hoa, có lẽ là hoa anh đào. Tán hoa như một đám mây, một đám mây hoa. Vì mê mẩn nên khi có tiếng chuông vọng tới, Basho không biết là tiếng chuông từ Ueno hay từ Asakusa (âm "u" trong Asakusa phát âm rất nhẹ, nghe như là Asak-sa). Một trạng thái ở ngoài thời gian. Thời gian dường như không còn có ý nghĩa dưới đám mây hoa. Tiếng chuông hay sự thức tỉnh của thời gian không đưa được con người ra khỏi giấc mơ mây hoa đang hiển hiện và hòa quyện vào chính con người. "Mây hoa" là một vẻ đẹp xuất thần, một trạng thái ecstasy, con người ngất ngây ở ngoài chính mình, cái trạng thái mà lý trí hay logic không thể làm việc được. Tận hưởng những khoảnh khắc như vậy là điều diệu kỳ của tự nhiên. Tiếng chuông ở bài haiku của Basho hoàn toàn khác tiếng chuông chùa Hàn San trong bài Phong kiều dạ bạc của Trương Kế, Tiếng chuông chùa Hàn San là tiếng chuông thức tỉnh một cơn mơ có trăng, có quạ kêu một bầu trời sương. Trương Kế giã từ giấc mơ trở về hiện thực, trên một con đò ở ngoài thành Cô Tô. Tiếng chuông ở bài haiku của Basho là tiếng chuông bất định, mập mờ, dìm con người tiếp vào giấc mộng dở dang. Giấc mộng của cái đẹp.

1 comment:

  1. Qủa là ecstasy thật, bác truyền cảm mạnh quá!

    ReplyDelete