Bài mới

Nhận xét mới

Dâu dại

Dâu dại

Thật ra tôi không biết tên gọi cây này trong tiếng Việt là gì. Tên tiếng Anh là false strawberry hay snake strawberry. Người Nhật và Trung Quốc đều gọi là "xà môi". Cái tên Hán tự này khó nghe, nên tôi gọi là "dâu dại". Cách gọi này không được hay lắm vì có khá nhiều loại "dâu dại" khác nhau, có thể lẫn lộn. Quả trông rất giống quả dâu tây, nhưng nhỏ hơn. Không biết mùi vị như thế nào vì tôi không dám thử. Không thấy ai hái cả nên tôi nghĩ là có thể không ăn được. Cây này cũng chỉ là một loại cây cỏ, mọc hoang dại trong đám cỏ. Lúc mới trông tôi đã nhầm hoa dâu dại này với hoa "thâm sơn kim mai" (Potentilla matsumurae). Tên khoa học của cây dâu dại này là Duchesnea chrysantha hay Potentilla indica. Cũng có thể gọi là "kim mai" vì cùng chi Potentilla.

Hattori Ransetsu có bài haiku sau:

hebi-ichigo hankyuu sagete meotozure

Một bản dịch tiếng Anh trong quyển A history of haiku của R. H. Blyth:

Snake-strawberries
Carrying small bows
Husband and wife together

Còn đây là bản dịch của tôi:

Dâu dại
Mang cung nỏ
Vợ chồng đi cùng nhau

Bài haiku này hơi lạ. Câu đầu tiên là những quả dâu dại, không liên kết ngữ pháp với phần còn lại của bài haiku. Dâu dại ở đây mang hàm ý là nơi hoang dã, nơi có hai vợ chồng cùng đi săn bắn với nhau. Một hình ảnh cô đọng giữa một nơi hoang vắng. Ở đây phải thấy rằng quả dâu dại rất nhỏ, nằm rất sát mặt đất, tuy có màu đỏ dễ nhận thấy, nhưng không nhìn kỹ cũng khó thấy. Hạnh phúc của cặp vợ chồng đi săn cũng vậy, có thể dễ thấy nhưng không tinh ý thì không thấy. Bài haiku này chỉ có hình ảnh, nhưng các hình ảnh lại liên kết với nhau trong các ý nghĩa ẩn giấu, như hạnh phúc không lồ lộ ra ngoài.

Dâu dại

1 comment:

  1. Tiếng Việt hình như gọi là dâu đất, tiếng Nga là земляникн, nó bé hơn so với клубники (là strawberries), và mọc dại nhiều.

    ReplyDelete